Trước kỳ thi THPT quốc gia 2016 chính là thời điểm các bạn học sinh phải học 'căng như dây đàn'. Vậy cần làm gì để giải tỏa những căng thẳng trong mùa thi?
Học sinh trong giờ ôn tập - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Lên kế hoạch ôn tập khoa học
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (giảng viên khoa tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM) cho biết học sinh có tâm lý hồi hộp, lo lắng… thậm chí run sợ trước kỳ thi THPT Quốc gia là điều bình thường. “Các bạn cần chuẩn bị cho mình một kế hoạch ôn tập khoa học, sắp xếp thời gian biểu hợp lý. Các bạn nên xây dựng lộ trình học tập cụ thể, chủ động trong quá trình ôn tập. Và tuyệt đối, các bạn tránh tư tưởng 'giấu dốt' vì nó rất nguy hại. Thay vào đó, các em chủ động tìm đến thầy cô bộ môn và bạn bè để nhận sự giải đáp, chia sẻ vấn đề còn vướng mắc được sáng tỏ, thông hiểu”, thầy An chia sẻ.
Còn thạc sĩ tâm lý Mai Mỹ Hạnh (giảng viên khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP. HCM) gợi ý: “Các bạn sẽ nhớ kiến thức tốt hơn nếu biết liên hệ thực tế, cho ví dụ để dễ dàng ghi nhớ. Các bạn tiến hành ôn tập tại nhà ngay sau khi tiếp thu bài học trên lớp, làm bài tập ứng dụng ngay sau khi học. Các bạn ôn tập xen kẽ, không nên chỉ ôn liên tục một loại tài liệu, một môn học dễ gây sự nhàm chán, không có hứng thú, khó ghi nhớ. Để tránh mau quên, cần tiến hành ôn tập thường xuyên nhưng học rải rác, phân tán nhiều đợt. Các bạn không nên ôn tập liên tục trong một thời gian dài có thể gây quá tải cho hệ thần kinh, dẫn đến sự căng thẳng tâm lý. Ngay từ bây giờ, các bạn lập ngay kế hoạch khoa học để ôn tập, biết quản lý thời gian hiệu quả. Đặc biệt, những môn học mà các bạn có định hướng đăng ký thi tốt nghiệp'.
Tự tin vào phòng thi
Khi vào phòng thi, các bạn thường gặp tình trạng hồi hộp, tim đập loạn nhịp… Để giải tỏa căng thẳng trong phòng thi, cô Hạnh cho biết tâm lý vào phòng thi khá là quan trọng. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tái hiện kiến thức mà các bạn đã ghi nhớ. Không ít trường hợp, các em ôn tập rất kỹ, học bài rất chăm. Nhưng vì quá căng thẳng nên rơi vào trạng thái quên tạm thời, không thể tái hiện kiến thức ngay lúc đó.
Cô Hạnh mách nhỏ: “Quá trình chuẩn bị ôn tập, nếu các em ôn tập kỹ càng sẽ tạo ra một tâm thế sẵn sàng. Để có tâm lý thoải mái, trước ngày thi, các em không nên thức quá khuya vì dễ ảnh hưởng đến sự tỉnh táo trong lúc tái hiện kiến thức làm bài. Các em cần ăn sáng, uống đủ nước trước khi vào phòng thi. Nếu quá run thì các bạn nên hít thở sâu và tư duy tích cực. Và luôn nghĩ: “Mình sẽ làm được! Mình sẽ làm được!” để tự trấn an bản thân. Các em nở nụ cười và nói lời cảm ơn khi nhận giấy làm bài thi từ giám thị là cách giúp bản thân bớt căng thẳng hơn”.
Còn thầy An chia sẻ: “Các em cần chuẩn bị dụng cụ thi, giấy tờ dự thi đầy đủ và đến phòng thi sớm để chủ động thời gian tránh sự cập rập, lo lắng, hồi hộp. Các em đừng quá đặt nặng vấn đề điểm số, số câu phải hoàn thành trong bài thi. Vào phòng thi, các bạn hãy tập trung vào bài làm cá nhân như: đọc đề, bình tĩnh suy nghĩ, phân tích, phân bố thời gian làm bài hợp lý. Làm bài thi với tinh thần tích cực, thoải mái nhất”.
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 nghe qua có vẻ to tát nhưng thực ra đây là kỳ thi kiểm tra đánh giá lại mức độ thông hiểu kiến thức. Vì thế, các bạn đừng tự tạo áp lực cho chính mình. Điều quan trọng các em cần có là đảm bảo được vốn kiến thức cơ bản, trọng tâm của môn học, kỹ năng làm bài và thái độ học tập nghiêm túc. Đại học không phải là con đường duy nhất. Hồi hộp, lo lắng trước kỳ thi là điều bình thường, thí sinh cần biến điều đó thành động lực để ôn tập tốt hơn.
Bình luận (0)