Thi 2 ngày nhưng chuẩn bị 2 tháng
Ngày 17.4, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng.
Hội nghị có sự tham dự của 400 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GD-ĐT; đại diện lãnh đạo các sở GD-ĐT, đại diện phòng quản lý chất lượng, khảo thí của 63 sở GD-ĐT; đại diện Bộ Công an, lãnh đạo A03 và công an các tỉnh, thành; lãnh đạo Đại học (ĐH) Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng.
Đây là hội nghị tập huấn về công tác thi tốt nghiệp THPT lần đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc trên tinh thần thảo luận, trao đổi với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, cầu thị.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhấn mạnh tính chất quan trọng, khó khăn, phức tạp của kỳ thi. Điều này thể hiện ở các yếu tố: kỳ thi diễn ra trong một không gian rất rộng, chủ thể tham gia rất đông và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội; dù thí sinh chỉ làm bài thi trong 2 ngày, nhưng công tác chuẩn bị, in sao đề thi, tổ chức thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả… diễn ra trong hơn 2 tháng.
Theo ông Thưởng, tính chất công việc như vậy đòi hỏi các khâu phải chính xác, chặt chẽ, đúng quy trình, tuyệt đối không được xảy ra sai sót. Công tác chuẩn bị càng phải chu đáo, từ chủ động xây dựng kế hoạch, dự báo, lường trước các tình huống, chủ động dự phòng giải pháp để xử lý; tập huấn, trao đổi, thực hành kỹ lưỡng... Vì vậy, công tác chuẩn bị có ý nghĩa quan trọng, quyết định phần lớn đến thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến.
Thứ trưởng yêu cầu các đại biểu tham dự cần tập trung cao độ, trao đổi 2 chiều (hỏi-đáp); thảo luận, trao đổi với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, cầu thị; nói thẳng, nói thật, phản ảnh hết, tiếp nhận đủ, giải thích cặn kẽ, thấu đáo.
Với các báo cáo viên, ông Thưởng yêu cầu giải thích, phân tích những điểm mới và các vấn đề cần lưu ý của quy chế, hướng dẫn thi; nêu ra những vấn đề dễ xảy ra sai sót trong quá trình làm thi (từ kinh nghiệm nhiều năm, qua thực tế của các tỉnh). Đồng thời, tiếp nhận, tiếp thu, giải thích tối đa các câu hỏi, những băn khoăn, vướng mắc của các sở GD-ĐT.
Lưu ý "4 đúng", "3 không"
Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, sau khi hội nghị tập huấn kết thúc, các sở GD-ĐT cần tổ chức hội nghị tập huấn theo kế hoạch; lưu ý nội dung mới, những vấn đề dễ nảy sinh, cá thể hóa đối tượng tập huấn (tập huấn cho lãnh đạo hội đồng/thư ký/cán bộ coi thi, chấm thi…); đặc biệt lưu ý những cán bộ lần đầu tham gia coi thi.
"Tất cả cán bộ, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi phải được tập huấn quy chế, hướng dẫn thi. Không có cán bộ, nhân viên nào tham gia các công đoạn kỳ thi mà không nắm được quy chế, hướng dẫn… liên quan tới chức trách nhiệm vụ của mình. Khuyến khích có bài kiểm tra sau tập huấn", ông Thưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các sở GD-ĐT cần khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo địa phương để kịp thời triển khai, quán triệt các văn bản của Bộ GD-ĐT, thể chế hóa thành văn bản của ban chỉ đạo cấp tỉnh, của sở GD-ĐT; chuẩn bị sớm, đầy đủ, chu đáo, những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho kỳ thi.
Nhấn mạnh "con người là nhân tố quyết định", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý công tác tham mưu, lựa chọn nhân sự tham gia vào các khâu của kỳ thi. Sở GD-ĐT với vai trò thường trực cần chủ động đề xuất, phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan như: công an, thanh tra, y tế, điện lực, giao thông, Đoàn thanh niên, UBND các huyện/thành phố... để đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi.
Ngoài ra, các sở GD-ĐT cần chủ động chỉ đạo để hoàn thành chương trình lớp 12; hướng dẫn thí sinh đăng ký dự thi, điền các thông tin đầy đủ, chính xác; chủ động cung cấp các thông tin cho báo chí, làm tốt công tác truyền thông. Để tổ chức tốt kỳ thi, các "từ khóa" được ông Thưởng đưa ra để cùng suy nghĩ, tham khảo, vận dụng phù hợp, đó là thực hiện "4 đúng", "3 không".
Cụ thể, "4 đúng" là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng/đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm (kịp thời) xử lý những sự cố, tình huống bất thường. "3 không" gồm: không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý những tình huống bất thường; không căng cứng, áp lực thái quá.
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) phổ biến các điểm mới trong Quy chế thi, hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023... Đồng thời, đại diện Cục A03, A06 Bộ Công an cũng báo cáo tình hình công tác phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi.
Bình luận