‘Chuẩn’ Việt Nam hay ‘chuẩn’ quốc tế?

15/11/2018 04:52 GMT+7

Thế giới toàn cầu hóa ngày nay đòi hỏi tất cả người lao động phải có một trình độ tiếng Anh nhất định để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Vì vậy việc chuẩn hóa công tác đánh giá năng lực tiếng Anh của mọi đối tượng là điều cần thiết.
Nhưng chuẩn hóa ở đây dựa vào chuẩn mực nào?
Cách đây vài năm, trong khuôn khổ của Đề án 2020, một số bài thi quốc tế có uy tín được xây dựng dựa trên Khung quy chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu (CEFR) đã được đưa vào VN để khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh, với kết quả có thể đoán trước được là không mấy khả quan. Lúc ấy, đã có nhiều người lên tiếng phản đối rằng sao lại bắt giáo viên VN đạt chuẩn châu Âu. Đào tạo, dạy học, trả lương theo kiểu VN thì phải theo chuẩn VN mới hợp lý chứ?
Rất may là các nhà chính sách vẫn kiên trì cho rằng chuẩn tiếng Anh của VN phải có chung một hệ quy chiếu với thế giới, chứ không thể một mình một chợ được.
Với quan điểm ấy, Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho VN, cũng được xây dựng dựa trên CEFR như xu thế hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, đã được Bộ GD-ĐT ban hành và dần được đưa vào áp dụng trên toàn quốc, tạo cơ sở cho việc so sánh kết quả của các bài thi năng lực tiếng Anh của VN với các bài thi khác trên thế giới.
Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi, rằng các bài thi năng lực tiếng Anh chuẩn hóa của VN liệu có thực sự cần thiết không? Tại sao không sử dụng ngay những bài thi quốc tế đã có sẵn, được xây dựng đúng với chuẩn mực quốc tế và được quốc tế công nhận rộng rãi, mà phải mất công mày mò xây dựng những bài thi của riêng mình, kết quả thi cũng chỉ sử dụng được ở VN chứ không có sự công nhận của thế giới?
Câu trả lời thực tế là: Nếu tiếng Anh ngày nay đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong nền kinh tế toàn cầu mà ai cũng phải học thì phải chăng chúng ta muốn tự biến mình thành một “thuộc địa giáo dục”, mãi mãi phụ thuộc vào các bài thi tiếng Anh của các tổ chức quốc tế (thường được bán với giá rất cao so với thu nhập trung bình của người VN), mới có thể biết được năng lực tiếng Anh của từng người, hoặc hiệu quả giảng dạy tiếng Anh của từng trường, từng địa phương, hay cả nền giáo dục quốc gia là ở đâu?
Vậy nên, câu hỏi cần đặt ra ở đây không nên là “chuẩn” quốc tế hay “chuẩn” VN mà phải là khi nào “chuẩn” VN có thể tiệm cận và thực sự tương đương với “chuẩn” quốc tế?
Và để trả lời câu hỏi ấy, các nhà chính sách, các nhà lãnh đạo giáo dục, nhà chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục và khảo thí ngôn ngữ, và cả toàn xã hội nữa, sẽ còn rất nhiều việc phải làm nhưng chắc chắn sẽ làm được, miễn là chúng ta chân thành học hỏi những kinh nghiệm của thế giới, và quyết tâm áp dụng cho VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.