Chứng chỉ Aptis Hội đồng Anh: Bộ GD-ĐT yêu cầu đảm bảo quyền lợi người dự thi

Hà Ánh
Hà Ánh
01/03/2023 20:50 GMT+7

Bộ GD-ĐT nói việc cấp chứng chỉ Aptis sau ngày 11.11.2022 của Hội đồng Anh là không tuân thủ quyết định của Bộ, yêu cầu đảm bảo quyền lợi của người dự thi.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên chiều 1.3, ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết đơn vị này hôm 27.2 đã có văn bản gửi Hội đồng Anh và các bên liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis.

Chứng chỉ Aptis của Hội đồng Anh: Bộ GD-ĐT yêu cầu đảm bảo quyền lợi người học - Ảnh 1.

Hàng trăm sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng liên tục tìm đến Hội đồng Anh yêu cầu giải quyết vấn đề liên quan đến chứng chỉ Aptis

S.L

Trước đó, Cục Quản lý chất lượng đã nhận được báo cáo giải trình (ghi ngày 22.2) của Hội đồng Anh và các bên liên kết tổ chức thi về việc tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis không đúng tên chứng chỉ Aptis ESOL đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt hôm 11.11.2022.

Tại văn bản ngày 27.2 gửi các bên liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis, Cục Quản lý chất lượng đề nghị các bên liên kết chấn chỉnh việc thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài bảo đảm đúng Quyết định số 3646 ngày 11.11.2022 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và các quy định pháp luật hiện hành. Cục cũng yêu cầu giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis, có biện pháp xử lý bảo đảm quyền lợi cho người dự thi.

Theo báo cáo giải trình của các bên liên kết, từ khi có quyết định phê duyệt của Bộ GD-ĐT, từ ngày 11.11-22.12.2022, Hội đồng Anh và các bên liên kết tổ chức thi đã tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho hơn 6.000 thí sinh dự thi Aptis.

Chứng chỉ Aptis ESOL là tên gọi mới của chứng chỉ Aptis, đã được tổ chức thi tại Việt Nam từ năm 2013; cụm từ ESOL (English for Speakers of Other Languages) được bổ sung để phù hợp với xu hướng phát triển của khảo thí ngôn ngữ và nhu cầu đánh giá trình độ tiếng Anh của những người không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ trên thế giới.

"Chứng chỉ Aptis có các phiên bản bài thi General, Advanced và For Teachers. Chứng chỉ mới Aptis ESOL cũng có các phiên bản bài thi General, Advanced và For Teachers. Do vậy, chứng chỉ Aptis và Aptis ESOL có giá trị pháp lý như nhau", ông Phong dẫn lại báo cáo giải trình cho biết.

Theo Hội đồng Anh, trong quá trình thực hiện tổ chức thi Aptis/Aptis ESOL từ ngày 11.11-22.12.2022, đơn vị này vẫn cấp mẫu chứng chỉ Aptis cũ do phôi chứng chỉ mới chưa kịp về Việt Nam. Hội đồng Anh lý giải do sơ suất về mặt hành chính, đơn vị này và các bên liên kết chưa kịp thời báo cáo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT về việc vẫn cấp chứng chỉ Aptis mẫu cũ từ ngày 11.11-22.12.2022.

Biện pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi của người dự thi được đơn vị này đưa ra là sẽ đăng tải công khai thông báo xác nhận mẫu chứng chỉ Aptis cũ và mẫu chứng chỉ Aptis ESOL International Certificate đều giữ nguyên giá trị trong việc đánh giá chính xác năng lực sử dụng tiếng Anh của người dự thi trên website của các đơn vị liên kết tại Việt Nam (https://www.britishcouncil.vn/https://aptistests.vn/); tiếp tục tiến hành xác thực/hậu kiểm kết quả hoặc cấp chứng chỉ thêm như mẫu đã cấp nếu thi sinh và các tổ chức, cơ quan hay cơ sở giáo dục công nhận có yêu cầu (trong vòng 2 năm kể từ ngày thi, đối với tất cả thí sinh đã thi, nhận kết quả thi chứng chỉ Aptis và Aptis ESOL).

Liên quan đến sự việc này, như Báo Thanh Niên đã đưa tin, hàng trăm sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng liên tục tìm đến Hội đồng Anh và nhà trường mong được giải quyết thỏa đáng việc chứng chỉ Aptis không được công nhận, nhưng đều ra về "tay không" vì hai bên mâu thuẫn quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.