Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tạm hoãn: Cơ hội nào cho 'hàng Việt Nam'?

15/11/2022 06:05 GMT+7

Khi chứng chỉ tiếng Anh nội địa được ngày càng nhiều trường áp dụng trong chuẩn đầu ra, các thí sinh đã tìm đến như một lối ra vì giá rẻ và 'dễ hơn' kỳ thi quốc tế.

Sinh viên tiếp cận chứng chỉ nội địa

Tham gia kỳ thi VNU-EPT của ĐH Quốc gia TP.HCM để đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp, Nguyễn Ngọc Anh Chi (sinh viên năm 4 chuyên ngành Nhân học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) chỉ cần đóng 650.000 đồng, bằng 1/7 lệ phí thi IELTS. Nữ sinh đạt số điểm 261, tương đương 5.5 IELTS theo quy đổi của đơn vị tổ chức, chỉ sau 1 tuần ôn luyện.

Sinh viên các trường ĐH có thể dùng chứng chỉ ngoại ngữ trong nước để xét tuyển đầu ra

HÀ ÁNH

Chia sẻ về bài thi VNU-EPT, Chi cho biết có đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết với nhiều phần khác nhau như các chứng chỉ quốc tế. Theo nữ sinh, việc tìm kiếm học liệu không khó.

Chọn thi VSTEP (chứng chỉ tiếng Anh A1, A2, B1, B2, C1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho VN do các trường ủy quyền của Bộ GD-ĐT cấp) vì kế hoạch học thạc sĩ, Trần Thị Hồng Hải (28 tuổi, ngụ Hà Nội) cho biết chị phải có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương hệ B1 để đáp ứng chuẩn đầu vào. “Tôi chọn VSTEP vì nhiều điểm thi, lịch linh động và có lệ phí hợp lý hơn so với TOEIC, IELTS, chỉ 1,8 triệu đồng”, cô giải thích, đồng thời cho hay tài liệu và khóa ôn thi cũng dễ dàng tìm thấy trên mạng với mức phí rất rẻ.

Chị Hải nhận xét bài thi VSTEP “khá khó” vì đánh giá toàn diện 4 kỹ năng, yêu cầu thí sinh (TS) phải có nền tảng nhất định. “Nếu so với đề IELTS thì dạng thức bài thi của VSTEP giống khoảng 70%. Về độ khó, tôi thấy kỹ năng nghe, đọc tương đương IELTS, còn nói và viết dễ thở hơn”, chị Hải chia sẻ.

Về mức độ quan tâm của TS đối với kỳ thi VSTEP, chị Nguyễn Thị Thúy, quản lý học thuật tại VSTEP EASY, cho biết số lượng học viên tại trung tâm tăng từ 10 - 20% mỗi tháng. “80% là sinh viên ĐH cần xét tốt nghiệp, và nhóm này cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các TS chọn thi VSTEP tại VN. 20% còn lại có nhu cầu nộp hồ sơ thạc sĩ, tiến sĩ hay yêu cầu từ cơ quan nhà nước”, chị Thúy cho hay.

Chia sẻ thêm về VSTEP, chị Thúy thông tin đây là chứng chỉ ra đời vào năm 2015 và “do người Việt, cho người Việt” khi chỉ có giá trị tại VN. Hiện tại, cả nước có 25 trường ĐH tổ chức kỳ thi này với đa số TS chọn thi mức B1 (tương đương 4.5 - 5.5 IELTS) và B2 (5.5 - 6.0 IELTS) trong tổng 4 mức độ.

Bên cạnh đó, nữ quản lý có kinh nghiệm luyện thi IELTS và VSTEP khẳng định dù 2 bài thi giống nhau về “hình hài” như thứ tự sắp xếp và thời lượng làm bài 4 kỹ năng, nhưng nội dung các phần lại khác nhau, do đó “hai cách luyện thi không như nhau”.

“Tôi cần dạy 1 năm cho lộ trình từ không biết gì đến 6.5 IELTS. Trong khi đó, VSTEP cần 2 - 3 tháng tùy năng lực để đạt mức B2 và khoảng 1 tháng rưỡi để đạt B1. Về độ khó, tôi nghĩ phần đọc của IELTS rắc rối hơn, phần viết cũng được chấm chặt chẽ hơn”, chị Thúy nói và lưu ý thêm cách quy đổi điểm của VSTEP về IELTS “còn hơi khập khiễng” vì cấu trúc đề thi và mức độ công nhận quốc tế giữa 2 kỳ thi rất khác nhau.

Học viên trong một lớp luyện thi IELTS.

minh trí

Khả năng ra quốc tế hạn chế

Theo thạc sĩ Trần Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Giáo dục, ĐH Durham (Anh), cơ hội cho chứng chỉ của VN như VSTEP vươn ra thị trường quốc tế là rất hạn chế, chủ yếu từ lý do nguồn lực. “Chúng ta không đủ tài lực, vật lực để xây dựng một hình thức thi hay, hệ thống thi mạnh và các nghiên cứu đáng tin cậy để hỗ trợ cho bài thi”, chuyên gia ngành Giảng dạy tiếng Anh bộc bạch.

Dẫn chứng thực tế ở kỳ thi IELTS, thạc sĩ Vũ cho biết mỗi năm, các đơn vị đồng tổ chức trao khoảng 5 suất tài trợ từ 5.000 - 10.000 USD cho các nhà nghiên cứu khoa học chỉ để nghiên cứu và cải thiện hiệu quả của bài thi. “Hay các giám khảo IELTS sẽ phải huấn luyện định kỳ trong 1 năm mỗi 4 năm đi chấm để đảm bảo chất lượng”, anh thông tin.

Từng được đào tạo chấm VSTEP, thạc sĩ Vũ đánh giá bài thi đang trong quá trình phát triển khá sơ khai dẫn đến còn một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn, các loại hình câu hỏi hầu như là tổng hợp từ các kỳ thi quốc tế, “cho nên lấy tài liệu của kỳ thi khác ôn luyện vẫn được”. Đồng thời, anh cho hay các nước chỉ đầu tư vào các bài kiểm tra ngôn ngữ của chính họ thay vì phát triển bài thi tiếng Anh riêng. “Tôi chưa nghe đến các bài thi tương tự VSTEP ở các nước không nói tiếng Anh”, thạc sĩ Vũ chia sẻ.

Cũng theo thạc sĩ Vũ, VSTEP khá phổ biến với sinh viên không chuyên tiếng Anh nhưng cần chứng chỉ tiếng Anh để ra trường. “Việc VSTEP vào thị trường VN và cạnh tranh với các chứng chỉ quốc tế cũng là một tín hiệu đáng quan tâm. Tuy nhiên, nó là tín hiệu tốt hay xấu thì hiện vẫn còn rất khó trả lời, do còn thiếu thông tin để kết luận”, anh chia sẻ.

Thạc sĩ Lê Đình Hiếu, nghiên cứu sinh tiến sĩ về lĩnh vực giáo dục tại ĐH Johns Hopkins (Mỹ), cũng đồng tình rằng “rất khó” để VSTEP tiếp cận thị trường quốc tế. “Điểm quan trọng của 1 bài thi là “tính công nhận”. VSTEP không được các ĐH hàng đầu công nhận, không được cơ quan di trú công nhận, không được công ty, tập đoàn công nhận, nên cơ hội đem ra nước ngoài siêu khó”, thạc sĩ Hiếu lý giải. “Có thể thấy đây là bài thi do người Việt thiết kế và đánh giá, vì thế không thể đủ quy chuẩn cho toàn cầu”, vị thạc sĩ này kết luận.

Cũng theo thạc sĩ Hiếu, ở một số quốc gia nói tiếng Anh cũng có những kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ riêng như PTE, OET, BULATS, CAE... nhưng phạm vi sử dụng còn tương đối hẹp. “Chính vì thế, IELTS hay TOEFL là những thước đo rất quan trọng và hữu ích”, anh thông tin.

Thạc sĩ Hiếu cũng gợi ý để có thể cạnh tranh ở thị trường trong nước, VSTEP có thể hướng đến giá rẻ hơn nhiều so với IELTS và mở rộng quy mô được công nhận thay thế cho IELTS tại các trường THPT, ĐH.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.