Bị cáo Hoàng Công Lương bị đề nghị 3 năm 6 tháng tù
Chiều 21.1, đại diện Viện KSND (VKS) TP.Hòa Bình giữ quyền công tố tại tòa nêu quan điểm luận tội đối với các bị cáo trong vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình. Theo đó, bị cáo Hoàng Công Lương, bác sĩ (BS) thuộc Đơn nguyên thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình, bị đề nghị mức án 36 - 42 tháng tù.
tin liên quan
Bị cáo Hoàng Công Lương bị đề nghị 36 - 42 tháng tùNgoài vai trò BS, Hoàng Công Lương cũng là người ký đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Do đó VKS cho rằng, bị cáo Lương phải biết tầm quan trọng của nguồn nước và nắm được trước, trong và sau khi sửa chữa phải kiểm tra chất lượng nước, hóa chất tồn dư.
Ngoài ra, việc chạy thận nhân tạo không phải trường hợp lọc máu cấp cứu; Đơn nguyên thận nhân tạo lại có tới hai hệ thống lọc nước RO, có thể chạy thay thế, nên đây không phải là tình thế cấp thiết. Bị cáo Lương hoàn toàn có quyền không cho các điều dưỡng viên thực hiện chạy thận cho bệnh nhân.
Đại diện VKS cho rằng, hành vi nguy hiểm của Hoàng Công Lương chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người chết nên đủ yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người.
Đề nghị xử lý luật sư vì làm ảnh hưởng phiên tòa
Trước đó, mở đầu ngày thứ 7 của phiên tòa, ông Nghiêm Hoài Anh, Phó chánh án TAND TP.Hòa Bình, chủ tọa phiên tòa, thông báo về việc tiếp nhận yêu cầu cung cấp chứng cứ mới của luật sư (LS) Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn) vào chiều 19.1.
tin liên quan
Phiên tòa tai biến chạy thận: Chứng cứ 'đầu độc, giết người' chỉ là suy luận cá nhânĐại diện VKS cũng cho rằng, LS Hưng không có chứng cứ giao cho HĐXX mà chỉ có bản đề nghị xem xét lại hướng điều tra vụ án. Từ đó, VKS đề nghị tòa tiếp tục xét xử vụ án, đồng thời có hình thức xử lý LS Hưng cũng như nhắc nhở chung các LS khi có chứng cứ mới thì giao cho HĐXX nhằm đảm bảo thời gian xét xử, tránh kéo dài phiên tòa.
Tiếp tục có ý kiến, LS Hưng khẳng định đã đưa ra chứng cứ mới vì trong cáo trạng có đề cập, nước ở hồ số 2 của hệ thống nước RO tồn dư hóa chất a xít flohydric (HF) được truyền tới máy chạy thận là nguyên nhân dẫn tới tai nạn ngày 29.5.2017. Tuy nhiên, trong các kết luận giám định không nêu trong hệ thống RO tồn dư hóa chất HF mà chỉ nêu trong can nhựa 20 lít có tồn dư hóa chất…
Chủ tọa phiên tòa đã ngắt lời LS Hưng; yêu cầu ông ngồi xuống. “Cái mà LS cho là chứng cứ mới thì lại có trong hồ sơ vụ án nên hoàn toàn không có chứng cứ mới”, chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh.
Có thể khởi tố hành vi vu khống của luật sư?
Với những phát sinh diễn biến tại phiên tòa, nhiều chuyên gia cho rằng cách xử lý của chủ tọa là phù hợp, đúng thủ tục pháp luật.
“Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật Tố tụng hình sự quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội. Tuy nhiên văn bản LS đưa ra, được LS cho rằng là nguồn chứng cứ chỉ là đơn xem xét với việc đưa ra những suy luận cho rằng có dấu hiệu đầu độc thì chỉ là một văn bản kiến nghị, không phải chứng cứ”, nguyên thẩm phán TAND tối cao, LS Trương Thị Minh Thơ đánh giá.
Cũng theo LS Thơ, việc đại diện VKS đề nghị HĐXX có hình thức xử lý LS Phạm Quang Hưng là vội vàng. “Đã là quan điểm thì HĐXX có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận, đồng thời nhắc nhở các LS. Đến phần tranh luận, nếu LS vẫn tiếp tục đưa ra những thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến các bị cáo hoặc cá nhân, tổ chức khác thì đến lúc đó VKS đề nghị HĐXX có văn bản gửi đoàn LS hoặc liên đoàn LS xem xét kỷ luật; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì HĐXX có quyền khởi tố tại tòa về hành vi vu khống của LS”, nguyên thẩm phán TAND tối cao phân tích.
LS Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) cho biết nếu những vấn đề LS Hưng đưa ra mà có chứng cứ thì tòa phải trả hồ sơ để làm rõ vì có thể làm thay đổi bản chất vụ án. Nhưng với những thông tin mà chủ tọa công bố tại phiên xử sáng 21.1 và theo quy định tại điều 87 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì suy luận, quan điểm của LS không phải là nguồn chứng cứ.
Về hình thức xử lý kỷ luật, LS Nghiêm cho rằng, tùy hành vi và mức độ, hình thức xử lý có thể là khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên hoặc xóa tên. Trả lời Thanh Niên về vụ việc nêu trên, đại diện VKS TP.Hòa Bình cho hay, quan điểm của VKS về việc có hình thức xử lý LS Hưng đã được nêu rõ tại tòa; có xử lý hay không là việc của HĐXX.
Trong khi đó, LS Hưng khi được hỏi về “chứng cứ mới” mà tòa cho là “những suy luận cá nhân” vẫn tiếp tục cho rằng, đó chỉ là quan điểm của tòa và VKS. Ông sẽ trình bày những suy luận này trong phần tranh luận với VKS tại tòa.
Ngoài bị cáo Hoàng Công Lương, đối với 6 bị cáo còn lại, VKS đề nghị các mức án 30 tháng - 5 năm tù. Cụ thể, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (nguyên Giám đốc Công ty Trâm Anh) bị đề nghị mức án 4 - 5 năm tù về tội vô ý làm chết người. Bị cáo Trần Văn Sơn (nhân viên Phòng Vật tư thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị đề nghị 42 - 48 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
VKS cũng đề nghị tuyên phạt các bị cáo: Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình), Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn), Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình), Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) và Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) 36 - 42 tháng tù cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng về tội danh này, bị cáo Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị đề nghị mức án 30 - 36 tháng tù.
VKS đề nghị chuyển hồ sơ sang CQĐT làm rõ hành vi có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của BS Hoàng Công Tình (Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, chú ruột bị cáo Hoàng Công Lương). Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị tòa tuyên Công ty Thiên Sơn phải liên đới cùng BVĐK tỉnh Hòa Bình bồi thường cho các gia đình nạn nhân.
L.H
|
Bình luận (0)