Chứng cứ vật chất khẳng định bà Diệp thế chấp tài sản 57 Cao Thắng

Phan Thương
Phan Thương
25/03/2021 05:43 GMT+7

Viện kiểm sát nêu 2 nguồn chứng cứ độc lập do Phòng Công chứng số 1 cung cấp; hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm do Sở TN-MT cung cấp, đều thể hiện tài sản 57 Cao Thắng được thế chấp từ ngày 31.12.2008.

Ngày 24.3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản (BĐS) Diệp Bạch Dương), Nguyễn Thành Tài (69 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM giai đoạn từ năm 2005 - 2011) và 8 bị cáo khác, do sai phạm trong hoán đổi tài sản tư nhân 57 Cao Thắng và tài sản nhà nước 185 Hai Bà Trưng.

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị đề nghị án chung thân

Vì sao hồ sơ công chứng không lưu trữ trên hệ thống Sở Tư pháp ?

Trước khi đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) đối đáp các quan điểm bào chữa của luật sư (LS) cũng như 10 bị cáo, thay mặt HĐXX, chủ tọa Phạm Lương Toản thông báo theo yêu cầu của tòa, sáng qua (24.3), Phòng Công chứng (PCC) số 1 đã gửi văn bản và cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan đến hợp đồng thế chấp (HĐTC) đối với tài sản 57 Cao Thắng.
Theo văn bản gửi tòa, PCC số 1 có ý kiến, ngày 31.12.2008, PCC số 1 có chứng nhận HĐTC tài sản 57 Cao Thắng giữa bên thế chấp là Công ty BĐS Diệp Bạch Dương (do bà Dương Thị Bạch Diệp làm đại diện) và bên nhận thế chấp là Agribank TP.HCM.
Về ý kiến của bà Diệp cho rằng hồ sơ công chứng trên không được lưu trữ tại PCC số 1, cũng như trên hệ thống văn bản công chứng của Sở Tư pháp, PCC số 1 khẳng định việc chứng nhận HĐTC trên, PCC số 1 ngoài lưu trữ bằng giấy tại kho lưu trữ, còn lưu giữ trên hệ thống Master, chương trình được Bộ Tư pháp thiết lập.
Theo PCC số 1, hồ sơ công chứng HĐTC tài sản 57 Cao Thắng không lưu trữ trên hệ thống Sở Tư pháp, bởi năm 2008 thì TP.HCM chưa có phần mềm quản lý hồ sơ công chứng, lịch sử giao dịch dùng chung cho tất cả tổ chức hành nghề công chứng tại TP.HCM.
Về cung cấp hồ sơ công chứng cho tòa, chủ tọa thông báo PCC số 1 đã cung cấp cho HĐXX bản sao HĐTC và toàn bộ tài liệu giấy tờ liên quan đến công chứng HĐTC, gồm: HĐTC tài sản (đã có trong hồ sơ và Agribank cũng đã cung cấp bản chính hợp đồng), phiếu yêu cầu công chứng vào ngày 31.12.2008 của Trần Thị Bích Loan, tra cứu ngăn chặn, giấy CMND của bà Diệp, sổ hộ khẩu của bà Diệp, trích lục quyết định dân sự giữa bà Diệp và ông Nguyễn Văn Du, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của bà Diệp, biên bản họp HĐTV của bà Diệp và bà Nguyễn Thị Châu Hà, giấy chứng nhận nhà 57 Cao Thắng, giấy tờ liên quan đến Công ty Diệp Bạch Dương, biên bản xác định giá trị tài sản đảm bảo, hợp đồng tín dụng…
Chủ tọa Phạm Lương Toản nêu toàn bộ tài liệu trên sẽ được chuyển cho VKS để kiểm sát và chuyển cho LS bà Diệp tiếp cận nhằm tranh luận bổ sung.

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp gây rối, đập phá, la hét tại tòa

Không có quy định hoán đổi tài sản tư nhân với Nhà nước

Đối đáp lại quan điểm bào chữa của 10 bị cáo trong vụ án, VKS nhấn mạnh các bị cáo không thể phủ nhận 2 tài sản liên quan đều đang làm nghĩa vụ trả nợ cho Công ty Diệp Bạch Dương. Ngày 4.2.2013, nhà nước giao tài sản 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương, như vậy nhà nước đã mất hoàn toàn quyền sở hữu đối với 185 Hai Bà Trưng. Nhưng đến nay, bị cáo vẫn chưa giao tài sản 57 Cao Thắng cho nhà nước.
Về nội dung bà Diệp trình bày bị Agribank lừa đưa tài sản 57 Cao Thắng vào thế chấp, bị cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKS lập luận toàn bộ tài liệu trong vụ án được thu thập đúng theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, được kiểm chứng công khai, khách quan tại tòa. Các tài liệu gồm giấy đề nghị vay vốn, HĐTC, hợp đồng tín dụng, giấy nhận nợ... đều do bị cáo Diệp ký, được giám định theo quy định bộ luật Tố tụng hình sự. “VKS khẳng định đây là chứng cứ vật chất, có thật, không bị làm giả. Các tài liệu này đúng hay sai sẽ do HĐXX xem xét”, kiểm sát viên Lê Thị Đông nhấn mạnh.
Hơn nữa, VKS nêu 2 nguồn chứng cứ độc lập, gồm hồ sơ chứng nhận HĐTC tại PCC số 1 do PCC cung cấp; hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm do Sở TN-MT cung cấp, đều thể hiện tài sản 57 Cao Thắng được thế chấp từ ngày 31.12.2008.
Về tài sản, VKS đề nghị HĐXX tuyên thu hồi nhà đất 185 Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM), giao cho nhà nước quản lý, vì đây là vật chứng trong vụ án hình sự.
Và vì tài sản bị thế chấp, nên ngày 4.1.2011, bị cáo Diệp làm đơn mượn lại tài sản 57 Cao Thắng để hoàn thiện hồ sơ hoàn công tại Sở TN-MT. Sau khi được cấp đổi chủ quyền 57 Cao Thắng, trên sổ thể hiện chưa xóa thế chấp; bà Diệp nhiều lần làm việc với Agribank cam kết sẽ dùng tài sản 185 Hai Bà Trưng thay thế tài sản 57 Cao Thắng, để trả nợ hoặc để ngân hàng giải chấp tài sản 57 Cao Thắng…
Với những chứng cứ trên, VKS giữ nguyên quan điểm như luận tội đối với bị cáo Diệp, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Diệp chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chủ tọa cương quyết nói về vụ bà Dương Thị Bạch Diệp la hét tại tòa

Đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài và 8 bị cáo còn lại phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, VKS nêu trong phần bào chữa, cơ bản các bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình, nguyên nhân cơ bản là thiếu sót, chủ quan, quá tin tưởng vào bị cáo Diệp và Công ty Diệp Bạch Dương.
Theo VKS, khi luận tội, VKS cũng đã loại trừ động cơ có hưởng lợi cá nhân. Đây cũng là lý do mà các bị cáo được chuyển đổi tội danh từ “vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí” với lỗi cố ý sang tội “thiếu trách nhiệm…” với lỗi vô ý.
VKS cũng nêu không có quy định pháp luật nào cho phép việc hoán đổi tài sản tư nhân với tài sản nhà nước, nhưng các bị cáo vẫn xin ý kiến, chỉ đạo, tham mưu đề xuất hoán đổi, vì vậy các bị cáo phải chịu trách nhiệm. Cuối phiên xét xử chiều 24.3, HĐXX cho biết sẽ triệu tập một số cá nhân là cán bộ Sở TN-MT, PCC số 1... đến tòa vào hôm nay (25.3), làm rõ thêm một số vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.