Và những nhân tố nào sẽ giúp chúng ta đạt được chức vô địch đầu tiên sau 60 năm chờ đợi? Cùng điểm qua một số gương mặt tiêu biểu của U.22 Việt Nam.
Ở vị trí thủ môn, với những gì đã thể hiện, Văn Toản (Hải Phòng FC) xứng đáng tiếp tục được HLV Park Hang-seo tin dùng. Sau một số sai lầm trong trận gặp Thái Lan, Văn Toản đã “sửa sai” bằng nhiều pha cứu thua xuất sắc và tâm lý thi đấu vững vàng, đặc biệt là pha cản phá thành công cú sút penalty của cầu thủ Campuchia ở những giây cuối cùng trong trận bán kết.
Đội hình quen thuộc 3-4-3 nhiều khả năng sẽ được sử dụng, Tấn Sinh (Quảng Nam) sẽ đảm nhiệm một vị trí ở hàng thủ. Trở lại sau chấn thương ở vòng bảng, Tấn Sinh đang thi đấu khá chắc chắn. Án ngữ ở vị trí trung tâm hàng thủ là “hòn đá tảng” mang tên Thành Chung (Hà Nội). Đây là cầu thủ không thể thiếu trong đội hình U.22 Việt Nam lúc này. Ở SEA Games năm nay, Thành Chung cũng đã có cho riêng mình 1 bàn thắng trước chính đối thủ Indonesia. Cái tên còn lại ở hàng thủ, có lẽ trung vệ Đức Chiến (Viettel) là lựa chọn số 1. Cầu thủ này có thể hình tốt, bản lĩnh thi đấu vững vàng và đọc trận đấu khá tốt. Kể từ hiệp 2 trận gặp U.22 Thái Lan ở vòng bảng, cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Viettel đã khẳng định được vị trí của mình trong sơ đồ ưu tiên lựa chọn của thầy Park.
Vị trí chạy cánh phải trong sơ đồ 3-4-3 có thể được trao cho Hồ Tấn Tài (Becamex Bình Dương). Với tốc độ tốt và lối chơi thông minh, Tấn Tài cũng là lựa chọn ưa thích của thầy Park ở U.22 Việt Nam. Vị trí trung tâm tuyến giữa sẽ được trao cho tiền vệ Hùng Dũng (Hà Nội) - 1 trong 2 cái tên quá tuổi được thầy Park “điều” từ đội tuyển quốc gia xuống chơi cùng U.22 Việt Nam. Sự càn lướt, khả năng đi bóng khéo léo và những cú sút như trái phá là điểm mạnh của tiền vệ này. Sát cánh cùng Hùng Dũng là tiền vệ trẻ đang lên Triệu Việt Hưng (HAGL). Càng vào sâu trong giải, Việt Hưng càng thi đấu chững chạc, xứng đáng cho một vị trí quan trọng ở giữa sân.
|
Sẽ không bất ngờ nếu ông Park tiếp tục sử dụng Văn Hậu (Heerenveen SC) ở vị trí chạy cánh trái. Thể hình vượt trội, khả năng tranh chấp tốt, lên công về thủ nhịp nhàng là những ưu điểm ở Văn Hậu mà mọi HLV đều mong muốn.
Cùng với Hùng Dũng, “người không phổi” Trọng Hoàng (Viettel) được HLV Park Hang-seo lựa chọn hỗ trợ các cầu thủ đàn em ở U.22 Việt Nam. Thực tế chứng minh đây là lựa chọn rất sáng suốt khi Trọng Hoàng thi đấu không hề biết mệt mỏi, đóng góp lớn vào lối chơi của toàn đội. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh đôi chân đầy máu của Trọng Hoàng trong trận bán kết với U.22 Campuchia, nhưng anh vẫn không có dấu hiệu và ra dấu muốn thay người. Hình ảnh đó sẽ là không quá lời nếu nói chính chất lính, không ngại khó, ngại khổ của chiến binh này đã lan tỏa đến các đàn em đang trưởng thành từng ngày của U.22 Việt Nam.
Khi Tiến Linh có khả năng không thi đấu từ đầu trận do bị đau trong trận bán kết gặp Campuchia, vị trí tiền đạo mũi nhọn đương nhiên thuộc về Đức Chinh (SHB Đà Nẵng). Với 8 bàn thắng tại SEA Games 30 ở thời điểm hiện tại, không có chân sút nào thích hợp hơn Đức Chinh cho nhiệm vụ chọc thủng lưới U.22 Indonesia trong trận chung kết.
Và Hoàng Đức (Viettel) chính là mảnh ghép hoàn hảo cuối cùng trong đội hình ra sân của U.22 Việt Nam đấu U.22 Indonesia. Cũng là một sản phẩm chất lượng cao của đội bóng “hậu duệ Thể Công”. Bắt đầu gây ấn tượng từ giải U.20 thế giới cách đây 3 năm, sau nhiều năm tháng được rèn luyện tháng dưới màu áo của đội bóng quân đội, Hoàng Đức ngày càng trưởng thành hơn. Chàng tiền vệ có chiếc chân trái thuộc loại dị thường này được đánh giá là có kỹ thuật cá nhân vào loại đặc biệt với nhiều pha bóng tạo đột biến và đóng vai trò quan trọng trong sơ đồ chiến thuật của HLV Park Hang-seo. Chính cú nã đại bác bằng chân trái từ khoảng cách hơn 20 m của chàng lính đến từ đội bóng quân đội đã giúp U.22 Việt Nam có chiến thắng 2 - 1 trước U.22 Indonesia ở trận thứ 3 của vòng bảng. Rất có thể, trong trận chung kết gặp lại đối thủ, vẫn sẽ là Hoàng Đức một lần nữa tỏa sáng cùng đồng đội mang vàng về bóng đá Việt Nam sau 60 năm chờ đợi.
Bình luận (0)