* Phố Wall bất ngờ “co mình” lại
Đóng cửa sớm nhất, chứng khoán châu Á ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp khi nhận được sự hỗ trợ từ thông tin Trung Quốc và châu Âu cam kết sẽ tăng cường hành động để kích thích tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu khu vực.
Chỉ số MSCI Asia Pacific tăng thêm 1% trong phiên này. Tuần trước, chỉ số này liên tiếp giảm mạnh, thậm chí chạm mốc chốt phiên thấp nhất trong vòng 5 năm vào hôm 18.5.
|
Ghi nhận trên các thị trường thành viên trong khu vực: Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,1%, lên thành 8.729,29 điểm. HSI của Hồng Kông cũng tăng nhẹ 0,62%, lên chốt phiên ở mức 19.039,15 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt tăng 1,06% và 1,56% trong phiên này; S&P/ASX 200 của Úc tăng 1,16%; KOSPI của Hàn Quốc tăng 1,64%.
Trong phiên này, tuy chứng khoán Nhật Bản vẫn giữ đà tăng, nhưng thông tin công bố sau giờ đóng cửa thị trường rằng nước này bị Fitch Rating - một trong ba hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới - hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia do nợ công tăng cao, đã hạn chế đà tăng của chứng khoán toàn khu vực.
* Tiến sang châu Âu, thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khởi sắc. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng thêm 1,9% trong phiên này, mức tăng mạnh mẽ nhất trong vòng hơn 1 tháng qua.
Tuy nhiên, so với mức cao điểm ghi nhận trong phiên 16.3, STXE 600 hiện vẫn giảm tới 10%.
Bên cạnh đó, báo cáo từ Mỹ cho thấy doanh số bán nhà xây sẵn tại nước này đã tăng trong tháng 4 vừa qua, đồng thời là lần đầu tiên tăng trong vòng 3 tháng trở lại. Hoạt động mua bán tăng 3,4% lên mức trung bình 4,62 triệu căn/năm. Trước đó, các chuyên gia dự đoán hoạt động mua bán trong lĩnh vực này sẽ chỉ tăng khoảng 2,9%.
Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,86%, lên thành 5.403,28 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 1,88%, chốt phiên 22.5 ở mức 3.084,09 điểm; DAX của Đức tăng 1,65%, lên thành 6.435,6 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng 2,1%; chỉ số FTSE MIB của Ý tăng 3,41%.
Cuộc gặp mặt lãnh đạo các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu (EU) bàn luận về việc ngăn chặn khủng hoảng nợ công trong khu vực sẽ diễn ra vào ngày hôm nay 23.5. Giới chuyên gia và các nhà đầu tư đều bày tỏ tâm lý mong chờ cuộc gặp mặt quan trọng này, bởi rất có thể những tranh luận về giải pháp giải quyết khủng hoảng nợ công sẽ có những tác động đáng kể tới thị trường chứng khoán.
Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) cho rằng, khủng hoảng nợ có thể tiếp tục gia tăng và phá hủy nền kinh tế thế giới. Chuyên gia kinh tế Pier Carlo Padoan thuộc OECD cho biết: “Các nguy cơ đối với nền kinh tế đang gia tăng theo một vòng tròn tiêu cực, bao gồm nợ công cao và tiếp tục tăng, hệ thống ngân hàng yếu kém, nỗ lực củng cố tài chính quốc gia quá mức cần thiết và tăng trưởng thấp”.
* Tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số thị trường S&P 500 tăng nhẹ 0,1%, lên thành 1.316,63 điểm, Dow Jones Industrial giảm nhẹ xuống còn 12.502,81 điểm.
Chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite giảm thêm 0,29% trong phiên này. Cổ phiếu của Facebook tiếp tục để mất 8,9% giá trị trong phiên 22.5 xuống chỉ còn 31 USD/CP, và là phiên giảm thứ 2 liên tiếp kể từ khi lên sàn giao dịch. Tổng cộng, Facebook đã mất tới 19% giá trị.
Cổ phiếu các ngân hàng và các công ty xây dựng nhà tăng giá phiên này. Có thể kể như: cổ phiếu của PulteGroup tăng 2,5%; cổ phiếu Lennar Corp tăng 2,2%; cổ phiếu JPMorgan Chase tăng 4,6%; chỉ số KBW Bank tăng 1,1%.
Thu Hạnh
>> Chứng khoán Âu, Mỹ giảm sâu
>> Chứng khoán thế giới đồng loạt giảm mạnh
>> Chứng khoán Âu, Mỹ tăng mạnh phiên cuối tuần
Bình luận (0)