(TNO) Phải mất đến ba tuần, các biện pháp can thiệp chưa từng có tiền lệ của chính quyền Trung Quốc mới phát huy tác dụng. Thị trường chứng khoán biến động mạnh nhất thế giới đã bị 'chinh phục'. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư, chuyên gia vẫn thể hiện lo ngại.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bớt biến động mạnh - Ảnh: Reuters
|
Thị trường đã bình ổn trở lại là nhận định của nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, những người đang kỳ vọng giá cổ phiếu “cất cánh” sau khi các sàn giao dịch chứng khoán Đại lục đã giảm 48% kể từ tháng 6, Bloomberg đưa tin hôm nay 22.7.
Thị trường Trung Quốc, nơi độ biến động hằng ngày vượt quá 3% đã trở nên bình thường, trong tuần này chứng kiến mức biến động ít hơn 1%. Chỉ số Shanghai Composite đã tăng 15% kể từ mức đáy hôm 8.7, trở thành chỉ số chứng khoán có diễn biến tốt nhất trên thế giới trong giai đoạn trên.
Sự bình ổn của thị trường gia tăng là bước quan trọng để phục hồi niềm tin của giới đầu tư, sau khi Shanghai Composite đã giảm 32% từ mức cao nhất kể từ hồi tháng 6. “Điều tồi tệ nhất đã qua đi”, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của hãng Sun Hung Kai Financial ở Hồng Kông (Trung Quốc) nói.
Ngược lại, một số ý kiến khác đang quan tâm đến những mất mát sau một loạt biện pháp can thiệp, bao gồm một đợt “di cư” của những nhà quản lý tiền tệ quốc tế và tâm lý ỷ lại khi trở lại thị trường.
“Chính phủ có thể đã thắng trong một trận đánh nhằm ngăn chặn biến động thị trường, nhưng họ đã thua trong cuộc chiến nếu bạn nhìn bức tranh lớn hơn”, Megan Greene, chuyên gia kinh tế trưởng tại Manulife Asset Management, hãng quản lý tài sản có công ty mẹ giám sát 648 tỉ USD trên toàn thế giới, cho biết.
Warut Siwasariyanon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của hãng Asia Wealth Securities ở Bangkok (Thái Lan) cho hay: “Hầu hết các nhà đầu tư ngoại đang e ngại và choáng váng. Không chắc chắn rằng thị trường sẽ có một đợt “cất cánh” lớn”.
Còn Francis Cheung, người đứng đầu bộ phận chiến lược Trung Quốc và Hồng Kông tại hãng môi giới và đầu tư CLSA cho rằng sự can thiệp sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại. Các nhà đầu tư sẽ mong chờ vào sự ứng cứu từ chính phủ bất cứ khi nào giá cổ phiếu hạ.
Trước đó, chính quyền Đại lục đã đi một đoạn đường dài để chế ngự biến động trong thị trường chứng khoán 7.200 tỉ USD của nước này.
Hơn 1.400 công ty đã được phép ngừng giao dịch, các cổ đông lớn bị cấm bán ra và nhiều đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị hoãn. Ngoài ra, một cơ quan chính phủ đã được phép tiếp cận đến hơn 480 tỉ USD vốn vay để mua vào cổ phiếu.
Bình luận (0)