|
Liệu bạn có thường xuyên mất ngủ vì nhìn chằm chằm vào điện thoại, đợi tin nhắn hoặc thư điện tử? Liệu bạn có lâm vào tình trạng bị mất mát khi bỏ quên điện thoại ở nhà hay không mang theo cục sạc pin? Nếu trả lời “có” cho các câu hỏi trên, có thể bạn đang mắc chứng sợ thiếu điện thoại di động, tên khoa học là nomophobia, và các bác sĩ tâm thần lo ngại tình trạng này có thể đe dọa sức khỏe của con người.
Hội chứng trên đã được các nhà nghiên cứu Anh tạm thời đặt tên, sau khi thực hiện báo cáo về sự lo lắng của người dùng di động tại nước này theo yêu cầu của Văn phòng Bưu điện Anh. Giờ đây vấn đề này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt trong giới khoa học, với nhiều báo cáo được thực hiện trong cộng đồng các chuyên gia tâm thần trên toàn cầu. Thậm chí các nhà nghiên cứu Ý còn cho rằng nên liệt nomophobia vào dạng rối loạn tâm lý, có nghĩa là xem nó như một căn bệnh chính thức. Các nhà tâm lý học thuộc Đại học Genoa cho hay nomophobia là vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn, cần được bổ sung vào cẩm nang chẩn đoán tâm lý “tiêu chuẩn vàng” gọi là DSM-V, vốn tập trung vào những chứng sợ hãi có liên quan đến thế giới tự nhiên, hoặc sợ môi trường xung quanh.
Điện thoại di động ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống xã hội. Nhiều người không rời điện thoại trong lúc tập thể thao; liên tục liếc nhìn màn hình trong rạp chiếu phim và tất nhiên khi ngủ cùng kè kè điện thoại. Tuy nhiên, khi nào mà sự liên hệ chặt chẽ với công nghệ từ chỗ bị xem là thói quen xấu đã trở thành một căn bệnh tâm thần? Theo báo cáo đăng trên chuyên san Psychology Research and Behavior Management, cần đặc biệt lưu ý khi công nghệ gây tác động bất lợi đối với các thói quen hằng ngày, chẳng hạn như khiến con người tránh tiếp xúc mặt đối mặt, gây nên những vấn đề tài chính hoặc tạo ra áp lực căng thẳng liên tục. “Những dạng công nghệ mới này có thể can thiệp vào các mối tương tác xã hội, gây nên những tình trạng rối loạn hành vi và tạo ra những cảm xúc tiêu cực”, theo các chuyên gia Ý. Điều này có thể “dẫn đến sự cô lập xã hội, một mức độ xa lánh thế giới xung quanh và kéo theo các vấn đề về tài chính/kinh tế”.
Trong khi hầu hết người dùng đều không gặp vấn đề gì với điện thoại của họ, các nhà nghiên cứu nhận định rằng sự phụ thuộc quá mức vào điện thoại di động có thể dẫn đến nhiều vấn đề về thể chất lẫn tinh thần, chẳng hạn như tổn hại có liên quan đến bức xạ điện từ, tai nạn giao thông do nghe/nhắn tin điện thoại trong lúc điều khiển xe, đến tâm trạng lo lắng khi không mang theo thiết bị công nghệ.
Tụ Yên
>> Tình trạng rối loạn tâm lý ở trẻ: SOS
>> TP.HCM: Nhiều ca sởi nhập viện do… tâm lý
Bình luận (0)