Chung tay vực dậy thị trường bất động sản

Đình Sơn
Đình Sơn
11/11/2022 06:09 GMT+7

Thị trường bất động sản đóng băng , kéo theo hàng loạt ngành liên quan sụt giảm mạnh. Theo các chuyên gia, để vực dậy giao dịch, cần có sự chung tay của tất cả bên liên quan, chủ đầu tư, ngân hàng, người mua nhà...

Ồ ạt khuyến mãi, chiết khấu

Thời gian gần đây, hàng loạt dự án tung khuyến mãi, chiết khấu lớn “chưa từng thấy” theo nhận xét của nhiều người. Điển hình như một dự án bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng ở Phan Thiết (Bình Thuận) chào bán 10 tỉ đồng/căn nhà phố 100 m2, xây dựng 1 trệt, 1 lầu nếu thanh toán 50% chỉ còn khoảng 6 tỉ đồng/căn. Một dự án ở Đồng Nai giá trước đây 13 tỉ đồng, nay còn khoảng 7,2 tỉ đồng nếu thanh toán 50% mức giá mới này.

Thị trường BĐS đang gặp những khó khăn chưa từng có tiền lệ, cần nhiều giải pháp đồng bộ để vực dậy

ĐÌNH SƠN

Tại các dự án của Tập đoàn An Gia, chủ đầu tư đưa ra chính sách khuyến mãi khá thoáng khi khách hàng mua nhà phố chỉ cần thanh toán trước 15%, sau đó thanh toán theo tiến độ từ 2%/tháng trong 18 tháng. Đồng thời, doanh nghiệp (DN) này cũng tăng chiết khấu 2% cho cổ đông hoặc khách hàng tại một số khu vực, chiết khấu 1% cho khách hàng thân thiết. Hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 18 tháng, ân hạn nợ gốc và miễn phí tất toán trước hạn.

Các chủ đầu tư lớn như Hưng Thịnh, Địa ốc Phú Long… cũng đang có kế hoạch để mở bán trong quý cuối năm với những chương trình ưu đãi lớn, thậm chí khuyến mãi, chiết khấu đến 50% giá trị sản phẩm nếu khách hàng thanh toán ngay 95% giá trị BĐS.

Đây là thời điểm tốt để người mua chọn lọc được những sản phẩm tốt từ các chủ đầu tư uy tín với mức giá hợp lý mà trong tương lai rất khó để có sự điều chỉnh giảm về giá bán, vì các chi phí đầu vào tăng cao.

Ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DKRA Group

Ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DKRA Group, cho rằng đây là thời điểm tốt để người mua chọn lọc được những sản phẩm tốt từ các chủ đầu tư uy tín với mức giá hợp lý mà trong tương lai rất khó để có sự điều chỉnh giảm về giá bán, vì các chi phí đầu vào tăng cao (tiền sử dụng đất, nguyên liệu, vật liệu xây dựng, chi phí nhân công…). Đối với thị trường thứ cấp, hiện nay nhiều người đang sở hữu BĐS cần có thanh khoản, thu hồi dòng tiền để xử lý nhiều việc liên quan nên cũng giảm giá bán. Đây cũng là cơ hội cho người mua nhà bởi các BĐS này hầu hết có pháp lý minh bạch, đã có sổ hồng.

Dù vậy, thanh khoản thị trường hầu như không có. Lý do đầu tiên là ở thời điểm này, người mua nhà khó tiếp cận vốn ngân hàng. Vì thế trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoRea), thay mặt các DN BĐS đề nghị

Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần (room) tín dụng khoảng 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm, tạo điều kiện cho DN, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi của các DN có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền.

Một lý do nữa, theo các chuyên gia là không ít người có tiền, có nhu cầu, thấy cơ hội nhưng lại hoang mang, lo ngại nên không dám xuống tiền. Theo ông Phạm Lâm, khi thị trường đang tồn tại nhiều thử thách thì tính minh bạch trong cung cấp thông tin cực kỳ quan trọng. Vì vậy, các chủ đầu tư cần minh bạch về pháp lý, giá bán, các chính sách bán hàng… nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua.

“Để yên tâm, người mua cần có sự chọn lọc các dự án minh bạch, pháp lý an toàn, chủ đầu tư uy tín… Người ta thường nói hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi. Lúc này là lúc các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi nên tham lam để sở hữu được các BĐS với giá hời”, ông Phạm Lâm nói.

Kiểm soát tín dụng có lộ trình

Chuyên gia BĐS Nguyễn Văn Thắng nhận định thị trường BĐS đang phải đối diện thách thức, khó khăn rất lớn. Do đó, cần phải có sự chung tay kịp thời từ Chính phủ, các bộ ngành có những chính sách phù hợp tránh nguy cơ suy thoái xảy ra như những năm 2008 - 2015. Ông Thắng nhấn mạnh đây không phải là động thái bảo vệ DN BĐS mà chính là bảo vệ nền kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Các khó khăn mà DN BĐS phải đối mặt trong thời gian này đó là pháp lý, tín dụng, thủ tục hành chính, con người.

Các doanh nghiệp hiện phải tập trung nguồn lực, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả cho các sản phẩm cốt lõi tạo lập giá trị đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở, thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê hay đất công nghiệp... Bên cạnh đó, điều chỉnh chiến lược phát triển để thích ứng trong giai đoạn mới sẽ là đối sách ưu tiên hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Trong đó liên quan đến pháp lý, theo ông Thắng, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, sâu sát đến các địa phương để đảm bảo giải quyết thủ tục thông suốt, tránh tâm lý chờ chính sách mới. Các vướng mắc tồn đọng phải chủ động giải quyết dứt điểm để khơi thông nguồn lực, tránh lãng phí tài nguyên và tạo động lực cho chu kỳ phát triển mới trong lúc chờ sửa đổi các luật hiện nay.

Việc kiểm soát tín dụng cũng như chấn chỉnh phát hành trái phiếu DN trong thời gian qua là động thái cần thiết nhằm đảm bảo ổn định chính sách tài khóa, sàng lọc thị trường và điều này tốt cho thị trường trung hạn, dài hạn trong tương lai. Tuy nhiên nhà nước cũng nên điều tiết sao cho có lộ trình, để các DN và thị trường có thời gian chuẩn bị, thích ứng trước khi chuyển đổi trạng thái. Tránh “phanh gấp” khiến DN trở tay không kịp, từ đó gây hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng DN và cả nền kinh tế.

“Về lâu dài cần nghiên cứu ban hành chính sách pháp luật nhằm vừa kiểm soát được kênh huy động vốn thông qua trái phiếu DN minh bạch, rõ ràng, thuận lợi để các DN có năng lực, uy tín có cơ chế huy động vốn chính thống, đồng thời có cơ chế bảo vệ được khách hàng và nhà đầu tư thay vì “cấm” hay hạn chế kênh huy động này. Trái phiếu DN vẫn là kênh huy động vốn quan trọng để phát triển đầu tư, sản xuất và phù hợp với xu thế của thế giới”, ông Thắng nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch HoRea, cũng kiến nghị cần đánh giá lại thực trạng cung - cầu các phân khúc sản phẩm trên thị trường. Khoanh vùng những sản phẩm rủi ro cao đưa vào kiểm soát. Nhận diện những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực, pháp lý đầy đủ và an toàn, theo đó ưu tiên các giải pháp hỗ trợ về thủ tục pháp lý và nguồn tài chính ổn định trong dài hạn. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, DN đứng trước thách thức rất lớn, buộc phải điều chỉnh tất cả kế hoạch đầu tư và kinh doanh của mình để tồn tại trong giai đoạn sắp tới. Nhu cầu về nhà ở vẫn rất cao ở các khu đô thị lớn. Do vậy người dân cần được tạo điều kiện để sở hữu các sản phẩm BĐS đáp ứng nhu cầu thiết yếu.

Về phía nhà đầu tư, bà Hương cũng khuyến cáo cần phải sắp xếp lại nguồn lực tài chính, tránh sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ quá cao. Nhà đầu tư nên chọn lọc các danh mục sản phẩm an toàn, pháp lý đầy đủ và hướng đến dài hạn. BĐS vẫn luôn là kênh tích sản an toàn để trú ẩn trong giai đoạn lạm pháp cao.

“Ngân hàng Nhà nước không nên quản lý hạn mức tăng trưởng tín dụng theo kiểu hành chính mà phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường và nền kinh tế một cách linh hoạt. Chỉ khi đó dòng tiền mới được khơi thông và đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của nền kinh tế, không chỉ riêng BĐS”, bà Hương nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.