'Chúng tôi đã phát thải về 0 ngay tại thời điểm này'

Đình Sơn
Đình Sơn
05/12/2023 11:10 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Shimada Takahiro - Tổng giám đốc Công ty Kraft of Asia Paperboard & Packaging tại hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 5.12.

Ông Shimada Takahiro cho biết, công ty có nhà máy KOA sản xuất giấy làm thùng carton, trụ sở tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Thùng carton cũng như giấy carton là ngành quan trọng không thể thiếu trong vận tải. Để khi vận chuyển linh kiện điện tử, quần áo, giày dép… phải có thùng carton để đóng gói. Hiện tại, có thể mong muốn tận thu lại thùng carton sau khi sử dụng để tái chế trở lại. Khi tái chế để biến thành thùng carton phải sử dụng nhiều nước, năng lượng và nhiên liệu. Đây là một trong những ngành được đánh giá dễ gây ô nhiễm môi trường, phát thải nhiều khí CO2. Chính vì vậy, công ty phải đưa ra nhiều giải pháp để giảm ô nhiễm, giảm phát thải.

Theo nghiên cứu của KOA, tại Trung Quốc, khi sản xuất 1 tấn giấy carton sẽ phát thải ra 1,15 tấn CO2. Tại Việt Nam từ 0,91 - 0,97 tấn C02; tại châu Âu, con số này là 0,45 tấn C02. Còn tại nhà máy của KOA, lượng phát thải tương đương với các công ty bảo vệ môi trường ở châu Âu. Để làm được điều này, công ty đã phải hạn chế hết mức tiêu thụ năng lượng, sử dụng công nghệ, dây chuyền hiện đại từ Nhật Bản. Công nghệ sản xuất giấy của Nhật Bản đặc thù, khác công nghệ ở Việt Nam. Nhìn vào có thể thấy dây chuyền sản xuất giấy carton của KOA ngắn hơn các dây chuyền sản xuất giấy cơ bản ở Việt Nam. Quá trình rút gọn này giảm đi quy trình sấy làm khô giấy. Điều đó giúp tiết kiệm năng lượng rất nhiều. Nhà máy KOA cũng sử dụng khí ga đốt làm nhiên liệu trong khi các nhà máy khác đốt than. Việc này giúp giảm phát thải khí nhà kính rất lớn.

Dùng công nghệ hiện đại để giảm phát thải  - Ảnh 1.

Ngành sản xuất giấy là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng bằng công nghệ hiện đại, nhà máy KOA đã hạn chế tối đa phát thải

NHẬT THỊNH

Liên quan đến vấn đề nước thải, ông Shimada Takahiro cho biết ở Việt Nam các nhà máy khác sử dụng da keo để dán, chống thấm cho giấy carton. Tuy nhiên, nhà máy KOA không sử dụng da keo mà sử dụng chất tăng bền, tăng chống thấm cho giấy. Da keo như hồ tinh bột, nếu sử dụng nhiều sẽ gây bẩn cho nước thải. Khi lượng tinh bột càng sử dụng nhiều thì nước thải càng bẩn. Bằng chứng là khi sử dụng nguồn phế liệu đầu vào tại Việt Nam thì keo, tinh bột rất nhiều nên độ bẩn của nước rất cao. Ngược lại, tại nhà máy KOA và các nhà máy ở châu Âu sử dụng chất tăng bền giúp giảm độ bẩn trong nước. 

"Ở Việt Nam, tiêu chuẩn về nước thải rất cao nên phải có nhiều thiết bị tiên tiến mới đạt chuẩn. Mong các công ty khác cũng sử dụng công nghệ tiên tiến để giúp nước thải giảm ô nhiễm", ông Shimada Takahiro khuyến cáo và nói thêm rằng, nhà máy KOA sử dụng lò hơi để tận thu nhiệt cũng giúp giảm phát thải. Bởi nguyên liệu đầu vào để làm giấy phần lớn là giấy phế liệu trong thành phố nên có nhiều tạp chất. Vì thế, nhà máy sau khi sản xuất xong rác thải không đưa ra ngoài mà dùng tái chế. Lượng rác thải ra hàng năm của nhà máy khoảng 38.000 tấn, được tận dụng làm nguyên liệu để tận thu nhiệt. Nhiệt phát ra dùng để làm năng lượng cho quá trình sản xuất, giảm phát thải, khí nhà kính. Với giải pháp này hàng năm giúp giảm 24.500 tấn C02 tương đương phát thải ra môi trường. Hiện lượng phát thải nhà máy còn khoảng 100 tấn. Nếu dùng phương pháp này sẽ giảm ¼ khí C02 thải ra ngoài môi thường. 

Kế hoạch tiếp theo là từ năm 2024 nhà máy sẽ sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để làm năng lượng thay điện. Đến năm 2030 không dùng khí ga mà dùng khí hydro. Việc nghiên cứu này đang gấp rút nghiên cứu để triển khai. Đến đến năm 2050, Việt Nam đạt phát thải bằng 0 thì cùng thời điểm này nhà máy KOA cũng sẽ đạt phát thải bằng 0.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.