‘Chúng tôi rất suy nghĩ khi bỏ phiếu cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến’

28/02/2018 19:43 GMT+7

Chia sẻ với Thanh Niên , giáo sư (GS) Phạm Gia Khánh, Chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư ngành y , cho biết trường hợp ứng viên GS Nguyễn Thị Kim Tiến rất được các thành viên hội đồng ngành y cân nhắc khi bỏ phiếu.

Mấy tháng nay, dư luận không ngớt bàn tán về trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS ngành y học đợt xét năm 2017. Nhiều ý kiến cho biết họ không nghi ngờ năng lực nghiên cứu khoa học của bà Tiến trước khi bà là Bộ trưởng Bộ Ytế, tuy nhiên, việc bộ trưởng một bộ quá nhiều vấn đề liên quan tới dân sinh lại có thời gian tham gia đào tạo đại học và làm nghiên cứu ở mức độ chất lượng là một thực tế khó tin.
Hồ sơ của bà Tiến có đạt tiêu chí đặc biệt xuất sắc?
Chia sẻ với Thanh Niên, GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch hội đồng chức danh GS ngành y cho biết: ngành y bỏ phiếu tán thành hồ sơ của bà Tiến đạt các tiêu chí xét công nhận GS ở mức xuất sắc là bởi về đào tạo, bà Tiến hướng dẫn chính 3 nghiên cứu sinh, hướng dẫn phụ 1 nghiên cứu sinh (và họ đều bảo vệ thành công), hướng dẫn 4 cao học đã bảo vệ, hiện tại hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh.
Về viết sách, bà Tiến viết 10 cuốn, trong đó 2 cuốn chuyên khảo, 3 cuốn giáo trình, 3 cuốn tham khảo và 2 cuốn sách hướng dẫn. Về nghiên cứu, bà Tiến có 2 đề tài cấp nhà nước, trong khi đó, thông thường đề tài cấp nhà nước hiếm người được thực hiện, kể cả các GS (nên tiêu chuẩn GS chỉ yêu cầu ứng viên chủ trì đề tài cấp bộ), 6 đề tài cấp bộ, 15 đề tài cấp cơ sở. Thành tích về đào tạo và viết sách như thế là tốt.
Về công trình, bà Tiến có 91 bài báo khoa học, trong đó 14 bài đăng ở tạp chí ISI. Tổng điểm quy đổi rất cao, hơn 34 điểm (tiêu chuẩn là 20).
Theo quy định hiện hành, đối với những người đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức không phải là cơ sở giáo dục đại học thì phải có công trình khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc đã được công bố và đánh giá cao, được tặng giải thưởng lớn ở trong nước hoặc ở nước ngoài. Vậy, yếu tố xuất sắc trong hồ sơ của bà Tiến là gì?
GS Phạm Gia Khánh: Theo hướng dẫn của Hội đồng nhà nước, xét tính xuất sắc của hồ sơ có nhiều mức độ. Mức độ cao là được giải thưởng cao của quốc tế, hoặc giải thưởng trong nước (ví dụ giải thưởng Hồ Chí Minh, giả thưởng Nhà nước, giải thưởng Kovalebskaia…). Nhưng những tiêu chí này khó đạt lắm. Mức độ thấp hơn là có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín (tạp chí ISI). Bà Tiến đạt mức độ này khi có 14 bài ISI. Nếu không có bài báo ISI thì ứng viên có các công trình khoa học cấp bộ được đánh giá xuất sắc khi nghiệm thu cũng sẽ được liệt vào diện xuất sắc, mà bà Tiến cũng có mấy công trình cấp bộ được nghiệm thu xuất sắc. Như vậy, bà tiến đạt 2 tiêu chí xuất sắc.
Hồ sơ của bà Tiến còn có các điểm mạnh khác như là bà đã và đang là GS thỉnh giảng 2 nhiệm kỳ của ĐH Oxford (Anh), 2013 - 2017 và 2017 - 2021. Ngoài ra, bà Tiến được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh, Thủ tướng Việt Nam phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân.
Vì thế, Hội đồng chức danh giáo sư ngành y học chúng tôi đánh giá bà Tiến xứng đáng được công nhận đạt tiêu chuẩn GS.
Trước đây, Bộ trưởng Tiến từng làm hồ sơ xét giáo sư nhưng bị trượt, trong khi đó, những thành tích mà GS kể trên thì trước đây bà Tiến cũng đã đạt. Cũng chất lượng hồ sơ đó thì tại sao lần trước không được thông qua mà lần này lại được thông qua?
Theo trí nhớ của tôi, lần đầu bà Tiến làm hồ sơ xét GS là cách đây khoảng 4 năm. Hồi ấy, bà Tiến đã qua được hội đồng ngành, nhưng lên đến Hội đồng nhà nước thì không được. Trước đây, việc xét GS với ứng viên ngành y đang làm ở các cơ quan quản lý nhà nước là rất khó. Ví dụ cho việc khó này là ông Nguyễn Viết Tiến, một ứng viên có hồ sơ khoa học thực sự mạnh. Khi đó, ông ấy là Thứ trưởng Bộ Y tế.
Trước đó, ông Tiến là Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Trong suốt quá trình đó, ông ấy vẫn làm Chủ nhiệm bộ môn sản của Trường đại học y Hà Nội trong suốt 20 năm. Thành tích khoa học của ông ấy rất cao, là chuyên gia số 1 của miền Bắc về sản khoa, đặc biệt trong ngành hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm). Nhưng ngay năm đầu, ông Tiến nộp hồ sơ xét GS thì hội đồng vẫn không ủng hộ, năm sau ông ấy mới đạt. Trường hợp bà Tiến cũng tương tự thôi. Tôi cho rằng, có thể các thành viên trong hội đồng nhận thấy thành tích khoa học của bà ấy đã khá hơn 4 năm trước đó.
Ngoài trường hợp bà Tiến ra, ngành y còn xem xét lại nhiều trường hợp nữa không?
Ngành y xem xét lại khá kỹ, tập trung vào các hồ sơ diện sau: diện có đơn khiếu nại, diện được tổ công tác của Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát, ứng viên là cán bộ quản lý (ví dụ như bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng, phó vụ trưởng). Tổng cộng có 19 hồ sơ được rà soát, nhưng đối chiếu với các tiêu chí trong quy định hiện hành đều đạt. Vì thế, Hội đồng ngành y đã họp và lấy ý kiến chung của hội đồng là bảo lưu kết quả xét năm 2017.
Các trường đào tạo ngành y quá thiếu GS
Năm nay, tổng số ứng viên của ngành y học là bao nhiêu và rốt cuộc có bao nhiêu ứng viên được hội đồng nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS?
Tổng số ứng viên mà các cơ sở đề xuất là 208 người, được Hội đồng nhà nước thông qua 192 ứng viên, tỷ lệ đạt khoảng 92,3%. Năm ngoái là 125 ứng viên được thông qua. Như vậy, năm nay tăng 1,53 lần so với năm ngoái. Con số này là bình thường so với thời gian nhận hồ sơ kéo dài thêm 6 tháng so với thông lệ, chứ không phải là đột biến.
Về những con số trên, xã hội nói sao mà số GS, PGS ngành y nhiều thế, còn tôi thì cho rằng sao mà ít thế! Quá ít so với nhu cầu. Một cơ sở đào tạo y tối thiểu phải có 50 GS, tương ứng với trên 50 bộ môn (nước ngoài thì họ còn yêu cầu mỗi trường y phải có trên trăm GS). Chúng ta hiện quá thiếu GS ở các cơ sở đào tạo y. Như Trường đại học y Hà Nội có lịch sử 116 năm mà cũng chỉ có 16 GS. Trường đại học Y dược TP.HCM chỉ có 12 GS. Các trường Y khác như Hải Phòng, Thái Bình, Cần Thơ mỗi nơi chỉ có 1 GS...
Nếu tính số sinh viên trên/GS thì tỷ lệ của chúng ta thấp một cách đáng sợ. Ví dụ, một trường đại học ở Đức mà tôi đã từng đến làm việc cách đây mấy năm, họ có 28.500 sinh viên thì có 450 GS, riêng khoa y của trường này có 4.000 sinh viên thì họ có 109 GS, như vậy là 37 sinh viên/GS. Việt Nam thì sao? Trường Y Hà Nội, con chim đầu đàn, tỷ lệ là 670 sinh viên/GS, bằng 1/18 của họ. Giờ mỗi năm tăng thêm vài chục GS, khoảng trăm GS thì bao giờ chúng ta đuổi kịp họ?
Mình thiếu GS như thế vậy tại sao không ưu tiên phát triển đội ngũ GS cho những người đang làm việc cơ hữu tại các trường đào tạo y, thay vì xét cho GS cho những cán bộ quản lý, đối tượng mà thực ra thời gian dành cho đào tạo và nghiên cứu rất ít?
Chúng tôi rất muốn ưu tiên chứ, nhưng khổ nỗi họ không đủ tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn GS là phải hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh thành công, phải có đề tài cấp bộ, phải viết sách chuyên khảo, nhưng họ không làm được! Trong khi đó người khác họ làm được thì phải công nhận người ta.
“Án tại hồ sơ”?
Xét về mặt hồ sơ, bà Tiến đạt các yêu cầu của ứng viên GS, chẳng hạn như là phải tham gia đào tạo. Trong hồ sơ, bà Tiến giảng dạy tại hai nơi là Trường đại học Y dược TP.HCM và Viện Dinh dưỡng, trong đó có một cơ sở cách nơi làm việc chính của bà Tiến (Bộ Y tế) 2.000 km. Theo GS, xét về thời gian vật chất, liệu một bộ trưởng có thể đảm bảo hoạt động đào tạo có chất lượng ở những nơi quá xa nhau về khoảng cách địa lý vậy hay không?
Đúng là làm bộ trưởng thì rất bận. Nhưng giờ dạy của GS thì ngoài giờ đứng lớp trực tiếp còn có giờ hướng dẫn nghiên cứu sinh. Một nghiên cứu sinh sẽ được quy đổi tương ứng là bao nhiêu tiết đó, mà bà Tiến thì hướng dẫn khá nhiều nghiên cứu sinh. Khi xét tiêu chuẩn thì chúng tôi căn cứ vào hồ sơ. Ứng viên đạt yêu cầu thì chúng tôi tiến hành bỏ phiếu. Còn thực hư ra sao thì phải làm việc với trường.
Theo quy định thì minh chứng giảng dạy của hồ sơ ứng viên là gì?
Ứng viên phải có hợp đồng giảng dạy với nhà trường, căn cứ trên số lượng nghiên cứu sinh mà ứng viên hướng dẫn thì quy đổi. Theo tôi nhớ, mỗi nghiên cứu sinh được quy đổi thành khoảng 45 - 50 tiết chuẩn. Ứng viên có bao nhiêu nghiên cứu sinh thì cứ thế nhân lên.
Nghĩa là hồ sơ không đòi hỏi phải có minh chứng để chứng tỏ là ứng viên giảng dạy thực, như lịch lên lớp, lịch báo giảng hoặc các công cụ tương tự?
Minh chứng chỉ yêu cầu là có hợp đồng, có thanh lý hợp đồng.
Chúng tôi biết trường hợp ứng viên Nguyễn Thị Kim Tiến rất được dư luận xã hội quan tâm, nên rất cân nhắc khi xét GS. Nhưng việc xét GS là “án tại hồ sơ”. Chỗ nào của quy định không hợp lý thì mình góp ý để điều chỉnh. Còn với một hồ sơ quá chuẩn như vậy, điểm rất cao, thì phải xét, bỏ phiếu đạt thì phải công nhận. Tiêu chuẩn GS, ngoài phần cứng còn phần mềm là số phiếu tín nhiệm. Bà Tiến dù không đạt 100% số phiếu thông qua, thành viên hội đồng ngành y có 21 người thì có khoảng 2 - 3 người không thông qua, nhưng cũng quá 2/3 số phiếu, thì theo quy định là đạt.
Thực sự là chúng tôi cũng rất suy nghĩ khi bỏ phiếu cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Bà Tiến được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, danh hiệu cao quý nhất của ngành y. Với một ứng viên như vậy thì cho dẫu có thành viên nào đó không muốn bỏ phiếu cũng rất phải cân nhắc.
Cảm ơn GS!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.