Chuỗi bán lẻ di động 'ngấm đòn' Covid-19

06/03/2023 08:13 GMT+7

Tung hàng loạt khuyến mãi kích cầu từ đầu năm 2023 nhưng nhiều chuỗi bán lẻ thiết bị di động vẫn sụt giảm doanh thu, phải lên kế hoạch tinh gọn nhân lực để tiết kiệm chi phí vận hành.

Thị trường ảm đạm sớm

Quý 2 hằng năm, ngành bán lẻ thiết bị di động tại Việt Nam bước vào kỳ kinh doanh ảm đạm và kéo dài đến hết quý 3 khi một số flagship cuối năm rục rịch ra mắt khiến thị trường ấm dần lên. Tuy nhiên theo một số chuỗi bán lẻ trong nước, năm nay việc kinh doanh đã có dấu hiệu chững ngay trong cao điểm mua sắm dịp Tết Nguyên đán và kéo dài tới thời điểm hiện tại, khi quý 1 chuẩn bị kết thúc.

Ở mùa mua sắm cuối năm 2022, doanh thu giảm khiến các đại lý phải liên tiếp tung các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu. Xu hướng này vẫn kéo dài đến hiện tại và nhiều sản phẩm trên kệ hàng đang thấp hơn 30 - 50% so với giá niêm yết lúc mở bán.

Thị trường thiết bị di động năm nay được dự báo ảm đạm kéo dài

Thị trường thiết bị di động năm nay được dự báo ảm đạm kéo dài

CTV

"Doanh thu nhiều ngành hàng sụt giảm còn 60% so với các tháng cuối năm 2022, xuống dưới điểm hòa vốn. Chưa kể phải bán với mức lợi nhuận âm do áp lực thu hồi dòng tiền và cạnh tranh của thị trường khiến cho đại lý chịu mức lỗ lớn hơn cả những tháng đóng cửa do Covid-19", đại diện một chuỗi cửa hàng tâm sự. Người này cũng tiết lộ đã có những báo cáo kinh doanh lỗ tháng 1, tháng 2 tại một số đơn vị trong ngành và dự kiến tình hình còn tiếp tục khó khăn tới hết quý 3 năm nay.

Theo số liệu của GfK, doanh thu 2 tháng đầu năm 2023 toàn thị trường di động chỉ tiêu thụ chưa đến 2,5 triệu máy, thấp hơn 1 triệu máy so với cùng kỳ 2022, tương đương mức giảm gần 30%.

Không riêng điện thoại, ngành hàng laptop cũng đang "chịu chung số phận" khi người tiêu dùng giảm sức mua rõ rệt. Máy tính xách tay từng là sản phẩm có nhu cầu tăng đột biến trong giai đoạn 2020 - 2021 thì nay đang giảm một nửa so trong quý 1/2023 và dự kiến giảm 35 - 40% so với cùng kỳ năm trước.

Điện thoại tầm trung lao đao

Anh Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS nói: "Thị trường smartphone khá ảm đạm sau Tết, doanh số hiện diễn biến như tháng 11 và 12.2022, tức chỉ bằng khoảng 50 - 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này là khá rõ ràng khi số liệu thống kê về lượng người lao động quay trở lại sau tết là 95% của 70% số công ty. Nhiều công ty vẫn còn kéo dài kỳ nghỉ tết, chưa có việc, công nhân lao động vẫn phải làm việc giãn ca, chia ca, duy trì thu nhập".

Phân khúc điện thoại Android tầm trung đang chịu tác động nặng nề từ tình hình kinh tế hậu Covid-19. Đây vốn là lựa chọn của nhóm khách hàng bình dân, công nhân, người lao động có thu nhập trung bình. Trong và sau Covid-19, nhóm này chịu ảnh hưởng đầu tiên và doanh số các thiết bị dưới 10 triệu đồng đang thể hiện rõ điều đó.

Người tiêu dùng phân khúc tầm trung thắt chặt chi tiêu hơn trước do ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình kinh tế

Người tiêu dùng phân khúc tầm trung thắt chặt chi tiêu hơn trước do ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình kinh tế

CTV

Xét về số lượng, phân khúc Android có giá dưới 5 triệu đã giảm liên tiếp trong suốt cả năm 2022. Theo ước tính của một chuỗi bán lẻ, lượng khách hàng mua phân khúc này ở tháng 12.2022 chỉ bằng 47% so với doanh số tháng đầu năm. Phân khúc 5 - 10 triệu cũng chứng kiến sự sụt giảm tương tự, khi số lượng bán ra của tháng 12 ước đạt 55% so với tháng 1.2022.

Anh Nguyễn Minh Khuê, đại diện Viettel Store nhận định tâm lý thắt chặt chi tiêu tác động đến toàn ngành bán lẻ di động. Nhìn chung, nhu cầu mua sắm có thay đổi ở từng phân khúc giá, một phần nguyên nhân vì dịp mua sắm cuối năm (Âm lịch) rơi vào tháng 1.2023.

"Hậu Covid-19, người tiêu dùng sẽ cân nhắc kỹ hơn trước kia mua một sản phẩm công nghệ. Nhìn chung, hiện tại có thể thấy nhu cầu thắt chặt chi tiêu của khách hàng rõ rệt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên đối với tập khách hàng có kinh tế ổn định, nhóm sản phẩm flagship vẫn được ưa chuộng", anh Khuê nhận định.

Ứng phó với diễn biến khó lường

Đại diện hệ thống FPT Shop đánh giá tình hình thị trường bán lẻ năm 2023 sẽ có nhiều diễn biến khó lường và khó khăn có thể tiếp tục kéo dài đến giữa năm, trường hợp xấu hơn là đến hết năm. "Với tình hình ấy, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu hơn, sức mua suy giảm. Do đó, tại FPT Shop tình hình kinh doanh trở nên khó khăn hơn", vị đại diện bình luận.

Đứng trước bối cảnh không mấy thuận lợi của thị trường, doanh nghiệp buộc phải chuẩn bị sẵn nhiều phương án để khắc phục khó khăn. FPT Shop cho biết sẽ đẩy mạnh nhóm sản phẩm gia dụng, giúp tận dụng tập khách hàng, tăng doanh thu trên cửa hàng và cải thiện mức lãi gộp biên của toàn chuỗi. Người đại diện cũng cho biết về kế hoạch "bắt tay" với các đối tác trong lĩnh vực tài chính để có được những gói hỗ trợ cho khách hàng như trả góp không lãi suất hoặc rất thấp, trả chậm… nhằm kích cầu.

"Chúng tôi gần như tạm dừng việc mở rộng các cửa hàng. Dự kiến trong 2 quý đầu năm 2023 sẽ không mở thêm địa điểm, duy trì số 115 cửa hàng như cuối năm 2022", anh Lạc Huy nói. Ngoài ra, đơn vị cũng dừng tuyển mới nhân sự, cắt giảm giờ công và người lao động tại các cửa hàng có doanh số yếu hay khung giờ vắng khách. Cùng với đó là chính sách tiết kiệm tối đa chi phí vận hành, văn phòng phẩm.

Trong khi đó, đại diện một chuỗi xin giấu tên tiết lộ kế hoạch cắt giảm 20% nhân sự toàn hệ thống đã bắt đầu từ cuối năm 2022 tới hiện nay và chưa có dấu hiệu kết thúc, số nhân lực còn lại cũng bị cắt giảm ca làm. "Chúng tôi cũng đang làm việc với hãng, nhà phân phối, các đối tác để có những sự hỗ trợ qua lại, phối hợp đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi giảm hàng tồn kho trong hệ thống cũng như trên thị trường, chia sẻ chi phí để có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong các tháng tới", người này cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.