Chương trình đầu đạn hạt nhân thế hệ mới Anh - Mỹ

05/08/2020 09:24 GMT+7

Anh đang vận động quốc hội Mỹ thông qua chương trình phát triển đầu đạn hạt nhân mới cho tàu ngầm, gọi đây là “tương lai hạt nhân” của NATO.

Động thái hiếm thấy

Quốc hội Mỹ đã nhận được một lá thư từ Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, với nội dung thúc giục các nghị sĩ lưỡng viện Mỹ thông qua hạch toán ngân sách ban đầu cho dự án hợp tác giữa Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Anh, theo The Guardian.
Lá thư được gửi đi vào tháng 4, nhưng đến nay mới được tiết lộ, đã đề cập đến chương trình phát triển một loại đầu đạn hạt nhân, tên gọi là W93. Sau đó, Đài Fox News dẫn lời giới chức Lầu Năm Góc xác nhận W93 được xem là đầu đạn thuộc thế hệ kế tiếp của dòng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), được giới chức an ninh hai nước kỳ vọng sẽ chính thức triển khai vào năm 2040.
Anh cam kết theo đuổi chương trình W93, dự kiến trị giá 14 tỉ USD với Mỹ, trong nỗ lực tìm kiếm vũ khí hạt nhân thay thế đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa Trident cho các tàu ngầm của mình. “Đây là thời khắc đầy thách thức, nhưng vô cùng quan trọng để chúng ta thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp nhất xuyên suốt Đại Tây Dương trong giai đoạn khó khăn trước mắt”, theo thư ông Wallace gửi cho các ủy ban quân vụ Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
“Việc chi ngân sách (2021) cho chương trình W93 sẽ đảm bảo chúng ta tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đồng minh hạt nhân độc nhất vô nhị giữa hai nước, cho phép Anh duy trì sự răn đe liên tục trên biển và bảo vệ an toàn cho nước này trong những thập niên tới”, theo Bộ trưởng Anh.
Giới nghị sĩ Mỹ tỏ ra ngạc nhiên khi nhận được bức thư trên. “Chúng tôi chưa từng nhận được bức thư nào như thế này trước đây”, một quan chức ủy ban quân vụ thuộc quốc hội Mỹ nói.

Nhiều quan ngại

Hồi tháng 7, Ủy ban Phân bổ năng lượng và nguồn nước Hạ viện Mỹ đã bác bỏ yêu cầu duyệt chi số tiền 53 triệu USD để khởi động quá trình thiết kế đầu đạn mới, theo trang Defense News. Lý do từ chối là vì Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ không cung cấp đầy đủ thông tin để giải thích tại sao phải khởi động giai đoạn một của quy trình trên trong tài khóa 2021, cũng như mức độ ảnh hưởng của dự án đối với quyết định cho về hưu các hệ thống vũ khí chiến lược hiện có của Mỹ.
Nếu không được Mỹ phân bổ ngân sách khởi động chương trình W93 thì dĩ nhiên thời gian triển khai trên thực tế và kế hoạch đưa vào sử dụng tại Anh phải dời lại.
Phe phản đối cho rằng dự án W93 sẽ càng châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đe dọa thế giới. Ông Kingston Reif, Giám đốc chính sách giải giới vũ khí và giảm đe dọa hạt nhân của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (trụ sở tại Washington D.C, Mỹ), gọi “đây là sự thừa thãi quá mức”.

Mỹ, Nga giữ kín nội dung đàm phán hạt nhân ở Vienna

Hiện Mỹ có 2 loại đầu đạn hạt nhân SLBM chính, với W76 vừa được kéo dài thời gian sử dụng cho đến đầu thập niên 2040, và hải quân cũng đang tiến hành điều chỉnh lại chương trình W88. Một tên lửa Trident II, được trang bị cho tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ, có thể được lắp 8 đầu đạn W88 và 12 đầu đạn W76.
“Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ kho vũ khí của Anh mà không cần phải vội vã phát triển đầu đạn SLBM thứ ba, dự kiến ngốn ít nhất 14 tỉ USD mà thật sự không cần thiết”, ông Reif bổ sung.
Hiệp hội Kiểm soát vũ khí ước tính ngân sách chi cho chương trình dự kiến nâng cấp bộ ba hạt nhân của Mỹ có thể tăng thêm cả ngàn tỉ USD trong vòng 30 năm tới, lên 1.500 tỉ USD và thậm chí có thể đến 2.000 tỉ USD.
Hải quân Mỹ hiện có khoảng 1.900 đầu đạn hạt nhân, dựa trên 2 phiên bản chính là W76 (gần 1.500 đầu đạn) và W88 (gần 400 đầu đạn), theo trang Roll Call. Trong đó, W76 đã được đưa vào sử dụng từ năm 1978, với sức công phá tương đương 6 quả bom nguyên tử phá hủy Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Còn phiên bản mới hơn là W88 có sức phá hủy gấp 5 lần W76. Bên cạnh đó, có khoảng 50 đầu đạn phiên bản mới của W76 là W76-2 với sức công phá được giữ bí mật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.