Chương trình giáo dục phổ thông mới: Học sinh có được thay đổi lựa chọn môn học?

Bích Thanh
Bích Thanh
27/04/2022 07:45 GMT+7

Lãnh đạo các trường THPT có nhiều băn khoăn về việc thực hiện tổ hợp môn với học sinh lớp 10 khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới .

Ngày 26.4, tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc trực tuyến với Sở GD-ĐT và các trường THPT, phòng GD-ĐT các quận, huyện về công tác tổ chức, chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cho năm học mới.

Nhiều phương án hướng nghiệp cho học sinh

Để xây dựng, tổ chức các tổ hợp môn áp dụng lần đầu tiên đối với học sinh (HS) lớp 10 năm học 2022 - 2023, ông Nguyễn Duy Tuyến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), cho biết nhà trường tiến hành khảo sát, thăm dò sơ bộ HS, phụ huynh lớp 9 của các trường THCS ở khu vực lân cận. Kết quả cho thấy hiện nay phụ huynh HS chưa quan tâm nhiều đến việc lựa chọn tổ hợp môn mà chủ yếu quan tâm đến việc đăng ký nguyện vọng để trúng tuyển vào trường THPT công lập. Vì vậy, lãnh đạo trường này cho hay nhà trường thành lập Ban tư vấn tuyển sinh để sau khi HS trúng tuyển vào trường sẽ tiếp cận, hướng dẫn HS, phụ huynh lựa chọn.

Học sinh lớp 9 năm nay khi vào lớp 10 sẽ theo học chương trình giáo dục phổ thông mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bà Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng Trường phổ thông Đinh Thiện Lý (Q.7), cho hay do trường có HS liên thông từ THCS lên THPT nên trong quá trình học, HS được làm trắc nghiệm hướng nghiệp, dựa vào đó nhà trường biết được thiên hướng nghề nghiệp của HS. Từ đó, phối hợp với năng lực học tập của HS, nhà trường tư vấn cụ thể về tổ hợp bộ môn. Ngoài ra, để HS lớp 9 có sự hình dung rõ nét từ đó cùng phụ huynh có những lựa chọn có định hướng nghề nghiệp phù hợp, thì nhà trường còn tổ chức tuần lễ trải nghiệm, hướng nghiệp về các môn học ở các nhóm tổ hợp.

Ông Phan Văn Quang, Phó phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, cho rằng để đón đầu cho việc tổ chức chương trình mới ở bậc THPT, cần có sự phối hợp giữa trường THCS với trường THPT. Các trường THPT và THCS trong cùng khu vực cùng tư vấn, giới thiệu hình thức học tập của bậc THPT cho HS lớp 9 thì mới có hiệu quả trong việc chọn lựa tổ hợp môn.

Băn khoăn nếu học sinh chọn môn không phù hợp

Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Diễm Trang cũng băn khoăn và đặt vấn đề: “Sẽ có những trường hợp HS sau khi lựa chọn môn học, cảm thấy không phù hợp và có nguyện vọng thay đổi thì có được phép thay đổi hay không và cách thức tổ chức như thế nào? Đây là vấn đề nhà trường đang lúng túng”.

Bộ GD-ĐT làm việc trực tuyến với Sở GD-ĐT và các trường THPT, phòng GD-ĐT các quận, huyện về công tác tổ chức, chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cho năm học mới.

bích thanh

Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), nhìn nhận chắc chắn sẽ có tình trạng HS chọn môn học nhưng thời gian sau thấy không phù hợp, muốn chọn lại. Trường hợp này sẽ giải quyết thế nào? “Chúng ta không thể nào bắt buộc HS chọn một tổ hợp xuyên suốt 3 năm khi HS cảm thấy không phù hợp”, ông Phú nhận xét.

Về cách thức thực hiện, ông Phú phân tích, ví dụ năm lớp 10 HS chọn môn vật lý nhưng qua lớp 11 chọn môn sinh thì không thể bắt HS học lại môn sinh lớp 10. Vì vậy, ông Phú đề nghị HS vẫn được chọn lại nhưng phải tính lượng kiến thức ngay từ năm đó chứ không thể bổ sung, dạy lại cho HS kiến thức năm học trước.

Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), phân tích: Nếu học hết lớp 10 mà HS muốn đổi hẳn sang định hướng khác, chẳng hạn từ định hướng khoa học xã hội sang khoa học tự nhiên là vô cùng khó khăn, vì khi đó HS phải học lại hầu hết các môn học lựa chọn ở lớp 10 mà trong khoảng thời gian hè khó có thể thực hiện. Do đó, HS một khi đã chọn lựa môn học từ năm lớp 10 phải thật chính xác và khó thay đổi trong 3 năm học. “Chính vì như vậy rất cần một sự thống nhất và liên thông với công tác thi và tuyển sinh ở bậc ĐH”, ông Bình đề xuất. (còn tiếp)

Tổ hợp môn phải phù hợp điều kiện nhà trường và nhu cầu của học sinh

Trước những thông tin về cách thức tổ chức chương trình mới, đặc biệt về việc xây dựng tổ hợp môn của các trường THPT, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh: “Hiệu trưởng tổ chức xây dựng một số tổ hợp để HS lựa chọn nhưng phải phù hợp với tình hình đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường và đáp ứng với nhu cầu của HS”.

Mỗi trường có cách tổ chức tổ hợp khác nhau, không giống nhau, không thể nào có một tổ hợp chung cho tất cả các trường. Nhiều khi HS vì không thích môn này mà chuyển sang môn kia, nhà trường phải tư vấn.

“Một môn học không làm nên sự nghiệp gì đâu mà một nhóm môn mới đủ lượng. Cũng như ăn không bao giờ ăn một món cả mà phải xài cả một mâm có mấy món mới đủ chất”, ông Thành ví von.

Cơ sở vật chất là một rào cản

Giáo dục kinh tế và pháp luật là một trong những môn học mới thuộc nhóm môn lựa chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới cấp THPT.

Hiện nay, hầu hết các trường THPT tại TP.HCM đã định hướng giáo viên môn giáo dục công dân sẽ thực hiện giảng dạy môn học này. Về việc này, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), thẳng thắn nói: “Mặc nhiên giáo viên môn giáo dục công dân không phải là giáo viên môn giáo dục kinh tế pháp luật, do đó ngay Bộ cũng “lập lờ” đội ngũ giáo viên dạy môn học mới này”.

Về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình mới, nhiều người cũng lo âu sẽ là một rào cản để không thể thực hiện đúng mục tiêu của chương trình. Chẳng hạn, HS dù lựa chọn môn học nhưng vẫn học trong các lớp học cố định chứ không thể di chuyển như mô hình của nước ngoài. Chưa kể nhiều trường còn gặp nhiều khó khăn để xây dựng phòng học cho các môn nghệ thuật, tin học…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.