Chương trình mới: Học sinh nên làm gì để đạt điểm cao môn khoa học tự nhiên?

Bích Thanh
Bích Thanh
12/12/2022 17:43 GMT+7

Là môn học tích hợp kiến thức từ ba môn học cơ bản là vật lý, hóa học, sinh học nên nội dung và yêu cầu bài kiểm tra môn khoa học tự nhiên (KHTN) nhận được sự quan tâm của học sinh lẫn phụ huynh.

Tiết học KHTN tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM)

PHƯỚC HẢI

Ôn tập theo cấu trúc, ma trận đề kiểm tra

Với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, các trường đổi mới cách ra đề kiểm tra học kỳ, hạn chế việc học thuộc lòng, tăng ứng dụng thực tiễn. Chính vì vậy, giáo viên có kinh nghiệm đưa ra một số hướng dẫn giúp học sinh lớp 6, lớp 7 ôn tập để đạt kết quả tốt nhất môn KHTN (tích hợp kiến thức từ 3 môn học cơ bản là vật lý, hóa học, sinh học).

Ông Nguyễn Công Phúc Khánh, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) cho hay cấu trúc, ma trận đề kiểm tra môn KHTN được thiết kế tùy vào định hướng của từng quận, huyện. Thông thường yêu cầu của đề sẽ là 40% nhận biết, 40% thông hiểu, 10% vận dụng, 10% vận dụng cao (4-4-1-1) hoặc có quận, huyện định hướng đi theo cấu trúc 4-3-2-1. Từ đó, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh ôn tập bám sát theo mức độ yêu cầu kiến thức như trên, theo thầy Khánh.

Bên cạnh đó, theo yêu cầu của chương trình GDPT 2018, nhà trường phải công khai cấu trúc, ma trận bài kiểm tra môn học trên cổng thông tin điện tử của trường. Do đó, thầy Khánh hướng dẫn phụ huynh có thể tham khảo ma trận đề thi để nắm bắt thêm định hướng kiến thức ở từng mức độ yêu cầu nhằm hỗ trợ con em trong quá trình ôn tập.

Thầy Khánh đồng thời lưu ý, đề kiểm tra sẽ kết hợp hình thức tự luận và trắc nghiệm theo tỷ lệ thông dụng là 7:3 hoặc 6:4. Ở mức độ nhận biết và thông hiểu, giáo viên ưu tiên những câu hỏi trắc nghiệm nên học sinh cần nắm kiến thức cơ bản để trả lời. Cũng có trường đưa ra bộ câu hỏi trắc nghiệm, giúp học sinh tập trung ôn tập để có thể nhận diện các dạng câu hỏi.

Học sinh thực hiện yêu cầu của chương trình GDPT 2018

PHƯỚC HẢI

Vận dụng ở kiến thức thực tiễn

Để đạt điểm cao, thầy Khánh khuyên học sinh phải giải quyết những câu hỏi mang tính vận dụng, nhất là những câu vận dụng cao sẽ nằm ở nội dung hỏi về kiến thức thực tiễn liên quan đến chủ đề bài học. Phần này dùng để phân hóa, học sinh phải dựa trên kiến thức nền và mục tiêu cần giải quyết mới có thể thực hiện được, theo thầy Khánh.

Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Du nói thêm: “Năm nay khác một chỗ là tất cả nội dung nào đã học thì đều kiểm tra, tương đối hơi nhiều so với các lớp theo chương trình cũ. Cơ bản là học gì thì ôn nấy”.

Tương tự, giáo viên Lê Cát Tường, Tổ trưởng tổ KHTN Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết, theo định hướng chương trình GDPT 2018 thì hầu hết môn học đều có phần liên hệ kiến thức với thực tiễn. Do đó, trong bài kiểm tra, những yêu cầu kiến thức ở mức độ biết và thông hiểu sẽ rơi vào các câu hỏi trắc nghiệm, còn phần vận dụng, liên hệ thực tế sẽ rơi vào phần bài tập.

Theo cô Cát Tường, nội dung kiến thức của môn KHTN ở lớp 6, 7 là theo bề rộng chứ chưa theo chiều sâu. "Vì thế, để vượt qua bài kiểm tra học kỳ với tâm thế chủ động thì học sinh ôn tập kỹ những kiến thức và bài tập trong sách giáo khoa", cô Cát Tường chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.