Thông tin tại hội nghị, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) cho biết đơn vị này đã khởi kiện nhiều vụ xâm phạm quyền tác giả ra tòa án. Tuy nhiên, biện pháp khởi kiện thường kéo dài và ngay cả khi thắng, VCPMC vẫn khó khăn khi thi hành án vì bị đơn không chấp hành bản án hoặc giải thể.
Theo VCPMC, quy định của Nghị định 131 phạt cá nhân từ 5 - 10 triệu đồng, phạt tổ chức từ 10 - 20 triệu đồng với hành vi biểu diễn không xin phép. Mức phạt này quá thấp so với quy mô và doanh thu của các chương trình biểu diễn hiện nay (từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng).
Công ty luật Phan Law đưa ra vấn đề trách nhiệm của đơn vị cung cấp mạng xã hội. Theo Công ty luật Phan Law, hiện trên các mạng xã hội thường xuyên có những tài khoản mang tên như "Phim Hàn", "Nhạc hay"… đăng tải nội dung vi phạm công khai. Tuy nhiên, chủ thể quyền không thể tiếp cận được chủ sở hữu các tài khoản này mà phải thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ mạng để đề nghị hỗ trợ xử lý vi phạm. Phan Law đề xuất cần quy định cụ thể trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà (Công ty luật Tầm nhìn và Liên danh) đề xuất cần có hình phạt bổ sung với đơn vị trung gian như đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Theo đó, có thể tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hoặc đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 1 - 3 tháng. Bà Hà cũng đề xuất bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường số. Vị luật sư này còn đề nghị bổ sung quy định nêu rõ trong trường hợp tái phạm, chủ thể cung cấp dịch vụ trung gian sẽ chịu trách nhiệm liên đới và bị xử lý cho chính hành vi xâm phạm trực tiếp trên nền tảng số mà mình cung cấp.
Trong khi đó, luật sư Lê Quang Vinh (Công ty luật Bross và cộng sự) cho rằng Nghị định 131 không quy định trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính, gây hạn chế cho việc thực thi. Ông Vinh đề nghị tới đây khi sửa đổi nên xây dựng thêm một chương riêng quy định về quyền yêu cầu xử lý vi phạm hành chính và chủ động xử lý vi phạm hành chính; đơn yêu cầu, tiếp nhận và xem xét đơn yêu cầu xử lý, cung cấp chứng cứ, xác định hành vi vi phạm, xử lý vụ việc khi có tranh chấp; từ chối hoặc dừng xử lý vi phạm, phối hợp xử lý với các cơ quan khác trong trường hợp phức tạp.
Bình luận (0)