Vì sao là “Thiên đường không tuổi”? Nhà văn Từ Kế Tường lý giải: bởi lẽ đời người chỉ có một, nhưng trải qua nhiều giai đoạn, tuổi nhỏ, mới lớn, trưởng thành, ra đời, trung niên và chạm ngưỡng tuổi già sống với hoài niệm. Ai cũng sẽ có lúc náo nức để trở về với những tháng năm đẹp nhất đời người, đó là vùng trời kỷ niệm, là “Thiên đường không tuổi”.
Tủ sách “Thiên đường không tuổi” do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ thực hiện là một loạt các tác phẩm sáng tác dành cho tuổi học trò những năm trước 1975, có thể kể ra như Anh Chi yêu dấu (Đinh Tiến Luyện), Tình yêu có màu gì? (Từ Kế Tường), Cạn chén tình (Mường Mán), Ở một nơi ai cũng quen nhau (Hoàng Ngọc Tuấn), Đâu phải cái gì cũng mong manh (Đoàn Thạch Biền), Tuổi ngọc ngày chưa xưa (Nguyễn Thị Minh Ngọc) với màu sắc tươi mới nhưng vẫn giữ nguyên nét tinh khôi vốn có của dòng văn học này.
Với “Đâu phải cái gì cũng mong manh" của nhà văn, nhà báo Đoàn Thạch Biền, với 8 tập truyện đã xuất bản, Đoàn Thạch Biền chất chứa tâm tư chọn lọc ra 17 truyện trong đó để kể cho bạn đọc nghe những câu chuyện cô đọng về tình yêu sáng tác từ năm 1974 trở về sau. Điều ngồ ngộ để làm mới truyện của tác giả mà bạn sẽ bắt gặp tiếp theo là tái bút sau mỗi truyện, như lời tâm sự bên lề pha chút hài hước lẫn ưu tư.
“Tình yêu có màu gì?” chính là câu hỏi khó dành cho bạn trẻ "lỡ" vương vào tình yêu. Nhà văn, nhà báo Từ Kế Tường lại khéo léo dẫn dắt người đọc vào không gian tình yêu ấy. Tất nhiên, sẽ không thể thiếu những nhân vật “nàng” đầy chất thơ mộng nhưng cũng “thân phận” không kém khiến người đọc phải đau đáu thương mến. Phải chăng, màu của tình yêu là màu riêng của mỗi người trong mắt người yêu ta và người ta yêu?
Nàng của “Tuổi Ngọc thời chưa xưa”, cây bút nữ duy nhất của tủ sách "Thiên đường không tuổi" không ai xa lạ là nhà văn, diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc. Hình bóng người thiếu nữ phảng phất sự rung động trong trẻo đầu đời, những cảm giác bắt đầu thích một ai đó, những tâm tình tuổi mới lớn dưới ngòi bút trong vắt của chính tác giả những tháng ngày tuổi trẻ.
Riêng tác phẩm “Ở một nơi ai cũng quen nhau” của cố nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn rất nên thơ nhưng vẫn rất đời. Tình yêu trong ánh nhìn của chàng và nàng rất đơn giản từ nụ cười đáng yêu chết đi được, rồi những câu chuyện chàng dẫu nghe hoài nhưng vẫn thú vị lắng tai. Cũng bởi vì yêu, người ấy trong mắt ta lúc nào cũng lung linh và thu hút như miếng nam châm ngọt ngào vậy.
“Anh Chi yêu dấu” của nhà văn, họa sĩ Đinh Tiến Luyện là một cô bé khá trẻ, người con gái nhỏ bé như cái kẹo ấy chờ đợi “một mùa hè lỡ hẹn”, nàng chưa bao giờ giấu nổi giọt nước mắt trên các tờ thư. Đôi mắt nàng vương vào một sợi chỉ buồn mỏng manh như sương khói dễ bay đi của tình yêu mà chàng đâu dám cất lên vì muôn vàn rào cản vô hình.
Nghe “Cạn chén tình” có vẻ sầu não nhưng vẫn nhiều mơ mộng và nhẹ nhàng, mà lại có "sức nặng". đây là một cuốn sách “nặng ký” về nhiều phương diện của nhà văn Mường Mán. Hầu hết bạn đọc khi đọc xong tập sách này đều thốt lên câu hỏi: một cuốn sách đầy ắp nhân tình như thế, sao lại lấy tựa “Cạn chén tình”?
Buổi giao lưu “Trò chuyện với văn chương Thiên đường không tuổi” cùng với các khách mời Mường Mán - Đoàn Thạch Biền - Từ Kế Tường và các tác giả trẻ thế hệ 8x Tiểu Quyên - Trúc Thiên – MC, nhà văn Phương Huyền được NXB Văn hóa – Văn nghệ tổ chức tại sân khấu chính đường sách TP.HCM là dịp kết nối giữa hai thế hệ văn chương. Các khách mời cùng quý độc giả yêu văn chương cùng gặp gỡ và đối thoại với những tác giả đã thành danh trên văn đàn và thế hệ tác giả trẻ hiện tại. Văn học trẻ hiện nay đang cần gì? Các tác giả trẻ tạo dấu ấn giữa muôn trùng tên tuổi liệu có dễ?...