Tầm soát ung thư phụ khoa ở phụ nữ trẻ
Theo TS-BS Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD) TP.HCM, ung thư cổ tử cung là bệnh lý phụ khoa phổ biến ở nữ giới, chỉ xếp sau ung thư vú. Bệnh lý này thường dễ dàng phát hiện trong độ tuổi sinh sản (từ 25 đến 40 tuổi) ở giai đoạn tiền ung thư với tỷ lệ chữa khỏi là 100%. Do đó, phụ nữ trẻ, đặc biệt là đã quan hệ tình dục nên tầm soát ung thư cổ tử cung để chủ động phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục (do virus HPV gây ra) và có biện pháp dự phòng hiệu quả thông qua vắc xin. Trong trường hợp không may nhiễm bệnh, việc tầm soát góp phần theo dõi tiến trình cơ thể có đào thải được virus HPV hay không, từ đó có những phương pháp điều trị phù hợp để cải thiện bệnh.
TS-BS Trần Nhật Thăng nhấn mạnh, việc phòng tránh nhiễm HPV nên được thực hiện càng sớm càng tốt, ngay cả bé gái chưa có quan hệ tình dục. Tầm soát ung thư cổ tử cung nên được thực hiện định kỳ đối với phụ nữ từ 25 - 26 tuổi. Tại BV ĐHYD TP.HCM, tầm soát ung thư phụ khoa bao gồm thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu. Việc tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện theo 3 bước gồm: khám cận lâm sàng (đặt mỏ vịt thăm khám bên trong cổ tử cung), siêu âm kiểm tra tử cung và thực hiện xét nghiệm tế bào trên cổ tử cung.
Vai trò vắc xin phòng ngừa trong thời kỳ mang thai
Chị N.T.N (28 tuổi, ngụ tại TP.HCM) hiện mang thai lần thứ hai được 30 tuần. Gần đây chị đến khám thai tại Đơn vị Chẩn đoán trước sinh và tư vấn tiêm chủng tại Đơn vị Tiêm chủng BV ĐHYD TP.HCM. Chị N. rất ngạc nhiên khi được bác sĩ tư vấn tiêm vắc xin cúm và vắc xin ho gà để bảo vệ con. Lúc sinh con đầu lòng vào 7 năm trước, chị chỉ cần tiêm vắc xin uốn ván mà thôi. Thắc mắc này của chị N. cũng là câu hỏi thường gặp của nhiều chị em phụ nữ đang mang thai trong thời gian gần đây khi đến tiêm chủng tại BV ĐHYD TP.HCM.
TS-BS. Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng, BV ĐHYD TP.HCM, cho biết cơ thể phụ nữ trong quá trình mang thai có nhiều thay đổi về hệ thống miễn dịch, hệ tim mạch, hệ hô hấp. Đặc biệt là việc chuyển từ miễn dịch tế bào sang miễn dịch dịch thể có thể làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh truyền nhiễm. Trong khi triệu chứng ban đầu tương tự các biểu hiện trong thai kỳ, dẫn đến chẩn đoán và điều trị trễ, từ đó tăng nguy cơ biến chứng. Chính vì vậy, tiêm phòng vắc xin là giải pháp bảo vệ sức khỏe phụ nữ mang thai và thai nhi hiệu quả nhất. Kháng thể IgG từ mẹ truyền qua nhau và bào thai sẽ tăng dần theo thời gian, cao nhất là trong tuần thứ 28 - 32 của thai kỳ. Ngoài ra, kháng thể còn có thể truyền qua nguồn sữa mẹ, góp phần tạo ra những kháng thể thụ động để bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời, khi trẻ chưa được tiêm ngừa bảo vệ.
Thời gian tiêm phòng tốt nhất là 3 tháng trước khi mang thai để cơ thể có đủ thời gian phát triển kháng thể. Trong giai đoạn này nên ưu tiên 4 loại vắc xin gồm sởi, quai bị, rubella và thủy đậu. Trong giai đoạn thai kỳ, phụ nữ mang thai cần tiêm vắc xin cúm bất hoạt và Tdap (uốn ván - bạch hầu - ho gà), có thể tiêm thêm vắc xin phòng ngừa Covid-19. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thêm vắc xin viêm gan A, viêm gan B, phế cầu khuẩn, viêm màng não mủ HiB, viêm màng não mô cầu...
Tiêm vắc xin sau sinh - Giải pháp chủ động bảo vệ sức khỏe
ThS-BS. Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, BV ĐHYD TP.HCM, cho biết tiêm vắc xin sau sinh không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ, tăng cường khả năng bảo vệ trẻ trong giai đoạn đầu đời, giảm nguy cơ mắc bệnh, mà còn là sự chuẩn bị chu đáo cho những giai đoạn thai kỳ an toàn, khỏe mạnh tiếp theo.
Người mẹ thường là người trực tiếp chăm sóc trẻ. Khi mẹ mang mầm bệnh có thể lây nhiễm cho con. Do đó, những loại vắc xin nào trẻ chưa đủ điều kiện tiêm thì cần được tiêm ngừa cho mẹ ngay sau khi sinh. Chẳng hạn, giai đoạn đầu đời của trẻ trước 6 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin cúm, mẹ nên tiêm vắc xin cúm. Nếu mẹ chưa tiêm vắc xin sởi, quai bị, rubella, thủy đậu trước khi mang thai cũng cần chủ động tiêm những vắc xin này sau khi sinh con. Ngoài ra, người mẹ sau sinh có thể tiêm một số vắc xin khác như vắc xin viêm gan B, vắc xin phòng virus HPV (dự phòng ung thư cổ tử cung), vắc xin phế cầu khuẩn (dự phòng bệnh viêm phổi), vắc xin Tdap (dự phòng bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván).
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, ngoại trừ vắc xin phòng bệnh đậu mùa và vắc xin phòng bệnh sốt vàng, phụ nữ trong giai đoạn cho con bú có thể tiêm tất cả loại vắc xin. Quan trọng nhất, người mẹ nên thăm khám sức khỏe đầy đủ để được bác sĩ chỉ định những loại vắc xin phù hợp.
Nhằm giúp các mẹ bầu hiểu rõ được tầm quan trọng của việc tiêm chủng trong khi mang thai và sau khi sinh, Trung tâm Truyền thông phối hợp cùng Đơn vị tiêm chủng, BV ĐHYD TPHCM và Công ty GSK, Sanofi, Pfizer thực hiện chương trình tư vấn "Sống khỏe - Sẻ chia" với chủ đề: "Tiêm chủng đầy đủ - Thai kỳ khỏe mạnh", theo dõi tại: https://bit.ly/tiemchungthaiky
Bình luận (0)