Chút lấp lánh và ấm áp trên nẻo về

22/01/2017 08:57 GMT+7

Những sườn núi lấp lánh (Saigon Books & NXB Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2017, ảnh), tập tản văn đầu tiên của PGS-TS, bác sĩ Lê Minh Khôi (44 tuổi), quê Bình Sơn, Quảng Ngãi, đã được bạn đọc đón nhận khá nồng nhiệt.

Lúc nhỏ Lê Minh Khôi học chuyên văn, nhưng lại thi vào Đại học Y khoa Huế theo nguyện vọng của gia đình. Ngoài tập tản văn Những sườn núi lấp lánh, Lê Minh Khôi còn biên dịch một số tác phẩm chuyên ngành tim mạch.
Ngay từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng của Những sườn núi lấp lánh, chúng ta như được theo Lê Minh Khôi về quê nhà, rong ruổi khắp nơi với một quê hương rộng lớn hơn của con người là quả đất. Trong tản văn Con Nu, Lê Minh Khôi đã làm cho bạn đọc nhói lòng khi kể chuyện một con bò lưu lạc, khi gặp lại chủ cũ thì chảy nước mắt. Câu chuyện có một chút gợi nhớ và liên tưởng tới bộ phim Chiến mã (War horse) của đạo diễn Steven Spielberg. Đôi khi, những con vật lại dạy cho con người về sự tử tế và lòng biết ơn cuộc sống. Hay trong Nhớ cát, Nhớ cà phê Huế, Nhớ Tây Nguyên tháng Ba, Thương nhớ ca dao… có quá nhiều nỗi nhớ của một người xa quê, chưa hẳn là phận lữ thứ, nhưng duyên phận ruổi rong. Nhờ ruổi rong mà có dịp nhìn lại mình, nhớ thương cố xứ. Nhờ ruổi rong mà bớt ngộ nhận, biết cái nào hay cái nào dở, biết chia sẻ nhiều hơn.
Cuối năm, nếu như ai đó không thể thu xếp được một chuyến về quê thì có thể tìm đọc Những sườn núi lấp lánh để nương theo lối nhớ mà về: ‘‘Gió bụi cuộc đời đã cuốn ta đi đôi khi xa lắc lơ khỏi những mục đích đầu tiên của cuộc đời. Ta xử lý tình huống, cố gắng xuôi theo dòng tình huống và cuối cùng ta thành một khúc gỗ trôi lênh đênh trên dòng sông cuộc đời. Cái hệ trọng nhất là ta đã và đang đánh mất cái ý nghĩa của cuộc sinh tồn ngắn ngủi và độc nhất của mình. Trở lại quê hương bản quán để ngồi lại bên thềm nhà xưa, bờ tre xưa, khúc quanh của dòng sông xưa để nhớ lại ngày ấy ta đã khởi thảo mục đích của cuộc đời như thế nào? Những phác họa ngày xưa, dẫu rất thô mộc, cũng nhân văn hơn cái đích hiện tại mà ta theo đuổi rất nhiều’’ (Trích tản văn Nhà mình).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.