Chút tản mát miền Tây

01/09/2022 09:00 GMT+7

"Ớ... ha... ơ... hò... Hò ơi... ớ... hò... Miền Nam có Cửu Long Giang, có sông Tiền sông Hậu nhuộm vàng phù sa. Miền Nam có chiếc áo bà ba, có con đò nhỏ... hò ơ... Có con đò nhỏ vẫn chờ đợi ai...".

Đó là câu hò dẫn dắt trước khi vào lời chính bài hát Chiếc áo bà ba của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Bài hát này khá phổ biến. Song, một lần bất chợt nghe giọng hò trong veo, gợi nhớ gợi thương (của một ca sĩ nào đó) cất lên dẫn vào bài hát, tôi bỗng... khựng lại vài giây phút, ngẩn ngơ. Đâu chỉ riêng ca khúc này viết về “vùng đất và con người” đặc trưng ấy? Nhưng theo tôi, có lẽ vì cũng rất, quá... “đặc trưng” chăng, nên khi giọng hò ngân lên cùng những ca từ, âm hưởng bài hát sau đó đã làm người nghe không cần liên tưởng mà dường như... “biết” ngay những gì tâm tình, cảm thương, chan chứa... của tác giả bài hát gởi gắm!

Cánh đồng lúa ở Hậu Giang

công hân

Nói thế để một lần nữa cảm nhận được rằng, vùng đất Tây Nam bộ trù phú, đẹp đẽ cùng những con người dân dã, mộc mạc, bình dị và nặng nghĩa ân tình nơi đây đã khiến bao mặc khách một lần đi qua nhớ mãi bằng cái tên gọi chung ngắn gọn mà thân thuộc : Miền Tây, Miền Tây...

Và cũng không ngẫu nhiên khi âm nhạc, thơ ca, hò vè, nghệ thuật... đã bao đời nay khắc họa về con người và vùng đất thân thương nhưng cũng lắm gian lao này. Bài hát trên chỉ là một ví dụ nho nhỏ “bất chợt” khi gọi chung về Miền Tây. Dẫu vậy, trong tôi vẫn cứ nghe có gì như thể réo rắc, reo vui, vẫy gọi bởi những dáng hình đơn sơ, dung dị mà khó quên khi những ai một lần ghé qua, như sóng xô reo dạt cùng chiếc xuồng bé nhỏ mong manh:

“Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm

Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh

Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ

Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời”.

Thật lạ, không chỉ Hậu Giang thôi, lời hát trên đã có sức khái quát và khắc họa rõ nét về người và đất miền Tây nói chung. Như hòa quyện, kết nối, trải dài một miền sông nước bao la, hiền hòa, thắm đẹp dù “gian lao mà anh dũng”. Như bông điên điển, như lục bình trôi, bông súng, bông mướp, bông bí, bông so đũa... hầu như quanh năm đều “nở nụ cười” chân chất, ngọt ngào mà thiên nhiên, sông nước, miệt vườn chỉ dành cho nơi đây. Có nơi đâu bông là rau mà rau cũng là bông? Tôi đi qua miền Tây, bạn ghé lại miền Tây, du khách phố phường xa hoa đến thăm chơi miền Tây..., tất cả đều không khỏi ngỡ ngàng, say sưa, thích thú trước vẻ đẹp tự nhiên của một vùng sông nước hữu tình, kênh rạch chằng chịt, rừng dừa xôn xao xõa tóc dài trong nắng; miệt vườn nhà ai xanh mướt trái cây thơm, giẫm chân lên đất như còn nghe nặng mùi phù sa thưở xa xưa mở cõi. Những con xuồng nhỏ ấy, chắc chắc một lần, đôi lần, đã đưa tôi, đưa bạn dạo quanh những dòng kênh với hai bên là rừng dừa nước xập xì, lao xao. Ngồi trên xuồng nhìn rừng dừa xanh ngát, tôi chẳng biết chúng có tự bao giờ. Hay là tự chúng sinh ra cùng với phù sa ngàn đời như buổi cha ông nhọc nhằn mở đất gieo cây?

Rất thú vị, những hình ảnh, chi tiết trong bộ phim Đất Phương Nam chợt hiện trong tôi. Một vùng đất Tây Nam Tổ quốc với những cảnh và người như còn lúc hoang sơ, mộc mạc mang vẻ kỳ bí diệu vợi cứ cuốn hút người xem: Con đò, dòng sông, rừng tràm, đầm lầy, thú dữ... Còn đâu đây tiếng vó ngựa phi. Mà ngỡ con tàu sóng vỗ bờ xa. Nỉ non sao tiếng nhạn kêu chiều...

Tôi có người bạn cùng thời phổ thông. Ra trường từ năm 1978 mỗi người mỗi ngả. Bẵng đi mấy chục năm không biết tin tức gì nhau. Bỗng tình cờ gặp lại mới hay anh là sĩ quan quân đội ở tận... Tiền Giang. Anh chuyển quân vô đó từ ngày còn trẻ rồi lập gia đình, sinh cơ từ ngày ấy. Họa hoằn lắm anh mới về quê Quảng Nam đôi lần. Hỏi sao không về lại quê sinh sống, anh chỉ cười ha ha thật to, giọng sảng khoái “đặc sệt” chất miền Tây. Tóc anh xoăn cứng và da hơi ngăm giờ vẫn y vậy. Trò chuyện với anh, tôi thấy như mình đang ở tận miền Tây, đang gặp gỡ một người đàn ông miền Tây vạm vỡ, săn chắc đượm chút dân dã tự nhiên của người từng quen với sóng nước , phù sa. Nghe anh kể chuyện vui, chuyện đời, chuyện vợ con, làng xóm nơi quê hương thứ hai của anh, tôi lại thấy thấp thoáng hiện lên trong anh những hình ảnh của một miền Tây sông nước khó quên: Cái chất phóng khoáng, hào hiệp, cái vô tư, thoải mái cứ tràn ra một cách tự nhiên như hơi thở, điệu cười, giọng nói của người miền Tây - những người gắn bó máu thịt một đời với sông ngòi, kênh rạch giữa trời đất bao la, với rừng thiêng cùng biển cả sóng trào. Những người như thế nếu có buồn, họ cũng vẫn hát vang. Chờ trăng lên cất tiếng gọi nhau. Đàn khảy tang tình đượm thắm hồn ai. Biển xôn xao gió lộng tứ bề...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.