Tại sao không phải 10 con giáp, 20 con giáp mà là 12, một chu kỳ “Lục thập Hoa Giáp (60 năm)” được tác giả Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương đặt ra trong cuốn sách mới nhất Chuyện 12 con giáp (ảnh), do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành.
Vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương còn lặn lội đi nhiều nơi, gặp các nhà văn, nhà nghiên cứu để tìm hiểu kỹ về các con giáp.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã cung cấp cho ông bà chi tiết khá độc đáo: theo dân gian, mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy. Nhưng ở đồng bằng sông Cửu Long có một cái tết nữa, đó là tết trâu, diễn ra cùng ngày với tết thầy và khá long trọng. Chúa sơn lâm gắn với nhiều điển tích, ngạn ngữ, thành ngữ: “Miệng hùm gan sứa”, “Hang hùm nọc rắn”, “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, “Hổ dữ không nỡ ăn thịt con”… thì câu chuyện về đấu trường cổ Hổ Quyền từng là nơi diễn ra trận thư hùng vào năm 1750 có chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng triều thần đến xem 40 con voi giết chết 18 con hổ.
Dê (Mùi) là con giáp thứ 8 trong 12 con giáp. Sách viết: “Năm con dê luôn được xem là may mắn, cát tường, mọi sự hanh thông, sinh sôi nảy nở… nhưng không hiểu sao trong văn học VN, hình bóng con dê rất nhạt nhòa, mãi đến thời Minh Mạng, nhà Nguyễn mới quan tâm đến việc nuôi dê và tỉnh Thừa Thiên là nơi được chọn thực hiện việc này vào năm 1836.
Vua Minh Mạng có công đem con dê về làm thứ đặc sản cho kinh đô Huế và đã biến hóa hình tượng dê thành tác phẩm nghệ thuật. Nhờ thế ngày nay khách du lịch còn có thể tìm thấy dấu tích con dê của triều Nguyễn trên Dụ Đỉnh”.
Bình luận (0)