‘Tôi bay hạng thương gia mà hành lý còn vậy…’
Ông Hoàng Anh Tuấn (cựu Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, Phó Tổng Thư ký ASEAN) cho PV Thanh Niên biết do công việc nên năm vừa qua ông di chuyển trên chặng Jakarta - Hà Nội, quá cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất khá thường xuyên. Và trong khoảng 4 tháng vừa qua, ông đã có 3 chiếc vali bị hỏng, vỡ, một thùng đồ bị dập nát hoàn toàn.
“Hôm quá cảnh qua Tân Sơn Nhất ngày 11.2.2019 vừa qua, tôi nhìn thấy cảnh tượng không có tại bất kì một sân bay nào trên thế giới: Vài nhóm nhỏ du khách nước ngoài vẻ mặt lo lắng, mỗi người cầm một nắm túi ni lông chia nhỏ gói đồ, rồi bọc tiếp ni lông to hơn, rồi sau đó quấn cả va li trong bọc ni lông như những thương binh. Hóa ra không chỉ mình nhìn thấy, hôm trước trên Facebook có bạn người Việt cũng kể lại và đứng ra xin lỗi du khách vì thấy quá xấu hổ!”, ông Tuấn kể.
Theo ông Tuấn, cách này không thể giúp đồ đạc của họ an toàn hơn. “Tôi di chuyển nhiều và thường xuyên bay hạng thương gia, trên vali luôn được gắn nhãn ưu tiên (Priority) và đồ đạc dễ vỡ (Fragile) mà đồ đạc còn vậy, thì khả năng mất và vỡ đồ với các du khách khác thậm chí còn cao hơn nhiều”, ông chia sẻ.
tin liên quan
Việt kiều Mỹ ăn Tết từ phố Bolsa: Nhớ nhà điên cuồng mà phải nén lòng...Quốc tế sẽ nhìn nhận thế nào?
Ông Tuấn đưa ra dẫn chứng, ở Nhật tại các băng chuyền, thường xuyên có người đỡ lại, xếp nhẹ nhàng và ngay ngắn hành lý. Còn tại nhiều sân bay Trung Quốc họ cho lắp camera khắp nơi, đặc biệt khách chờ lấy hành lý có thể nhìn thấy rõ hành lý của mình được vận chuyển từ khi chuyển từ các container nhỏ lấy từ máy bay, cho đến khi chạy qua băng chuyền chuyển đến cho du khách.
|
Ông Tuấn cho rằng việc quản lý sân bay, không chỉ là đảm bảo về an ninh hàng không, mà còn đảm bảo hành lý cho du khách.
tin liên quan
Tài xế taxi chế vách ngăn chống cướp gây xôn xao cộng đồng mạng“Ngay bản thân tôi là người Việt, nhưng từ nay cũng phải cân nhắc rất kỹ có nên đi tiếp Vietnam Airlines nữa hay không, hay khi nào quá cảnh Tân Sơn Nhất chắc chỉ đem hành lý xách tay và không có hành lý ký gửi”, ông chia sẻ.
Với cương vị là Phó Tổng Thư ký ASEAN, ông bày tỏ sự lo lắng về các nỗ lực của chính phủ tìm cách thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, quảng bá của các khách sạn, các dịch vụ ăn theo sẽ ra sao... ngay cả khi chính người Việt còn đắn đo sử dụng dịch vụ của chính mình. Hơn nữa, sắp tới khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN thì quan khách khu vực và quốc tế sẽ nhìn nhận Việt Nam thế nào.
Ông Tuấn đề xuất giải pháp: “Trước hết Tổng cục du lịch, các hiệp hội khách sạn, nhà hàng, lữ hành... cần lên tiếng mạnh với Văn phòng chính phủ, Bộ GTVT, Tổng cục hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất (và cả các sân bay khác); thuê tư vấn độc lập đánh giá về vận chuyển, quản lý đồ đạc hành khách; sắp xếp, điều chuyển nhân sự trực tiếp liên quan đến công việc này; lắp camera để du khách tự theo dõi đồ cá nhân của mình... Việc chấn chỉnh, nếu có quyết tâm và sức ép đủ mạnh có thể chỉ cần một tháng. Đây là công việc của thời kỳ 1.0 và 2.0. Nay việc này quá dễ, ngay trong tầm tay mà xử lý không nổi thì việc nói đến giấc mơ Cách mạng công nghiệp 4.0 khó gấp trăm lần sẽ rất khó để thuyết phục cả người bên trong lẫn bên ngoài".
Không phát hiện trường hợp nào nhân viên lấy hành lý của khách
Chiều 19.2, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Phạm Phú Yên, Phó Giám đốc Công ty phục vụ mặt đất sân bay Việt Nam, chi nhánh Tân Sơn Nhất, đơn vị phục vụ cho hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết sẽ ghi nhận những phản ánh của ông Hoàng Anh Tuấn.
Đồng thời, công ty sẽ kiểm tra lại thời điểm ông Tuấn đáp máy bay để xem có ghi nhận sự việc thất lạc hành lý dẫn tới hành lý bị dập nát hay không để giải quyết.
|
“Còn về việc du khách phải quấn hành lý bằng ni lông thì đây là nhu cầu của du khách để bảo quản các va li đắt tiền không bị trầy trụa trong quá trình di chuyển hoặc trái cây, nước đá trong thùng xốp không bị bục ra ngoài. Đây là việc bình thường ở tất cả các sân bay”, ông Yên giải thích.
tin liên quan
Nhiều nơi vẫn có tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo với lư hương đặt phía trướcTheo ông Yên, quy trình hành lý đi và đến ở sân bay Tân Sơn Nhất là quy trình khép kín, người ngoài không tác động được. Khi khách đến quầy, nhân viên sẽ hỏi khách các câu như có gì quý giá trong hành lý hay không, hoặc sạc dự phòng, laptop,… Nếu có thì yêu cầu khách lấy ra.
Với các hành lý có thể bị rò rỉ hoặc bung thì nhân viên yêu cầu khách bao bọc lại rồi gắn thẻ hành lý chuyển lên băng chuyền đưa hành lý vào khu phân loại.
Tại khu phân loại, tùy theo hãng bay, loại máy bay mà hành lý được chất trực tiếp lên gầm hàng tàu bay hoặc chất vào thùng container nhỏ. Căn cứ vào các yếu tố này, nhân viên sẽ lấy kiện đặt đúng lên số hiệu chuyến bay rồi chuyển ra xe để chuyển lên tàu bay.
Ông Yên nhấn mạnh: “Đây là khu vực khép kín của nhà ga, ai làm trong khu vực này cũng đều phải có thẻ và cũng không ai can thiệp được vào. Khi xuống khu phân loại thì có người phân loại và được kiểm soát bởi các camera an ninh. Ngoài ra, khu này cũng có đội ngũ an ninh trực để chống người lạ xâm nhập. Quá trình đi ra tàu bay thì cũng có camera quan sát nên lại càng không can thiệp được. Ngược lại hành lý đến cũng vậy. Tất cả quy trình đều có người giám sát”.
Ông Yên cũng cho biết, nhân viên vận chuyển phải có thẻ của cảng vụ hàng không cấp, đồng phục không có túi, khi vào ca phải qua cổng nội bộ và khi về cũng soi chiếu lại, kiểm tra giỏ xách.
“Thời gian qua, chúng tôi không phát hiện trường hợp nào nhân viên “tác động” tới hành lý của khách trong quá trình vận chuyển, cũng không nhận phản ánh về việc vali bị bóp méo hay rơi bánh của hành khách. Có những trường hợp 2-3 ngày sau mới liên hệ báo mất chiếc áo hay đôi giày, chúng tôi đều ghi nhận. Một số trường hợp báo hành lý bị xào xáo thì chúng tôi cùng kiểm tra thì phát hiện có tờ giấy của hải quan Mỹ để lại trong vali về việc phát hiện nghi vấn nên đã mở ra kiểm tra và dán băng keo lại. Khi cân kí thì số kg vẫn như lúc gửi và không bị mất mát gì”, ông Yên nói.
Bình luận