(TNO) Mặc dù đã qua đời hơn 10 năm nhưng với kho tàng âm nhạc đồ sộ để lại, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn dẫn đầu trong danh sách những nhạc sĩ được trả tiền tác quyền cao nhất hằng năm...
>> Điểm đến cho những người yêu Trịnh Công Sơn
>> “Cõi tạm” của Trịnh Công Sơn
>> Đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn
>> Miễn phí thưởng thức đêm nhạc Trịnh Công Sơn
Gia tài đồ sộ: 600 ca khúc
Theo thông tin trên trang web chính thức về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do gia đình quản lý tại địa chỉ www.trinhcongson.vn, người nhạc sĩ tài hoa này đã trình làng nhạc phẩm đầu tiên mang tên Ướt Mi vào năm 1959 và tính cho đến cuối đời (tức năm 2001), ông đã để lại cho đời cả gia tài đồ sộ gồm trên dưới 600 ca khúc.
Với một khối lượng sáng tác đồ sộ lại rất được khán giả yêu mến, hầu như mỗi năm có gần cả trăm chương trình từ sân khấu lớn đến phòng trà sử dụng ca khúc Trịnh Công Sơn, đặc biệt là vào dịp tưởng niệm ngày mất của ông. Dĩ nhiên, số tiền tác quyền thu về cũng không hề nhỏ.
Trong danh sách những nhạc sĩ có tác phẩm được sử dụng nhiều nhất (tiền tác quyền cao nhất) do Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cung cấp riêng cho Thanh Niên Online, dẫn đầu vẫn là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kế đó là nhạc sĩ Hoài An, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Hồng Thuận, Minh Khang, Nguyễn Ngọc Thiện, Khánh Đơn, Thanh Sơn, Đức Trí, Duy Mạnh, Võ Thiện Thanh, Phương Uyên…
|
Theo quy định của pháp luật, trường hợp sau khi tác giả qua đời, hàng thừa kế thứ nhất (gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi) được thừa hưởng tài sản bản quyền tác giả để lại với thời gian 50 năm kể từ ngày tác giả mất.
Tuy nhiên, mặc dù Trịnh Công Sơn được cho là có không ít "bóng hồng" trong âm nhạc lẫn cuộc đời nhưng ông không chính thức kết hôn với ai và cũng chưa chính thức công nhận là có con.
Chính vì thế, hiện nay, bản quyền các tác phẩm của ông thuộc quyền thừa kế và sở hữu của Trịnh Vĩnh Trinh (em gái ông, sống tại Việt Nam) và Trịnh Xuân Tịnh (anh trai ông, sống tại Mỹ), mỗi người giữ một nửa quyền sở hữu với các tác phẩm của Trịnh Công Sơn.
Khi chia sẻ với chúng tôi, bà Trĩnh Vĩnh Trinh cho biết: "Bấy lâu nay, chúng tôi sống ở Việt Nam nhiều hơn ở nước ngoài, do đó những vấn đề liên quan đến tác quyền của anh Sơn không phải là một việc khó để giải quyết".
|
Khi đó, dù đã ký hợp đồng với Công ty IB Group trị giá 20 triệu đồng vào tháng 7.2011 về việc sử dụng độc quyền ca khúc của Trịnh Công Sơn tại Hà Nội trong thời gian từ 10.2-10.3.2012 nhưng bà Trịnh Vĩnh Trinh lại ký hợp đồng ủy thác quản lý quyền tác giả đối với các tác phẩm của Trịnh Công Sơn cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) dẫn đến việc có hai chương trình cùng mang tên Ru tình đăng kí tổ chức tại Hà Nội trong cùng khoảng thời gian.
Khi đó, nhiều chuyên gia bản quyền cho rằng hợp đồng của bà Trịnh Vĩnh Trinh với Công ty IB Group là thiếu tính pháp lý bởi bà Trinh không phải đại diện duy nhất của phía sở hữu tác quyền trong việc ký kết này. Chính vì thế, sau đó, bà Trinh đã phải gửi tới Cục Nghệ thuật biểu diễn văn bản được viết và ký bởi ông Trịnh Xuân Tịnh xác nhận ngày 1.7.2011 đã đồng ý cho bà Trinh ký hợp đồng độc quyền với Công ty IB Group để tổ chức đêm nhạc Ru tình vào tháng 3.2012 tại Hà Nội.
Vài trăm triệu mỗi năm vẫn còn... thiếu
Theo bà Trịnh Vĩnh Trinh, từ năm 2011, gia đình đã ủy thác cho VCPMC thực hiện việc truy thu tiền tác quyền các chương trình do cá nhân/đơn vị tổ chức có sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
"Chính đơn vị này đã trực tiếp giải quyết tác quyền liên quan đến chương trình Ru tình ở Hà Nội và gia đình cũng ghi nhận những cố gắng của trung tâm, đặc biệt trong những năm gần đây. Đối với gia đình, chúng tôi dù ủy quyền nhưng cũng giữ lại cho mình quyền miễn trừ trong một số trường hợp để khuyến khích những tài năng trẻ hoặc các hoạt động từ thiện đích thực theo đúng tinh thần và nguyện vọng của anh tôi", bà Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ.
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Phó giám đốc VCPMC - Giám đốc khu vực phía Nam, các tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều rất nổi tiếng nên tần suất sử dụng rất cao.
"Vì vậy, số tiền sử dụng quyền tác giả của cố nhạc sĩ thu được cao hơn so với các nhạc sĩ khác. Cụ thể là số tiền tác quyền có thể đạt đến vài trăm triệu mỗi năm", ông Cẩn cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Số tiền này có thể cao hơn nữa nếu người sử dụng có ý thức chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm trong hoạt động kinh doanh thương mại".
|
Thực tế, chuyện các chương trình, đặc biệt là những chương trình nhỏ lẻ và cả những đơn vị nhạc trực tuyến, nhạc chuông, nhạc chờ... vẫn phớt lờ vấn đề tác quyền.
Năm 2008, từng có sự kiện xôn xao trước việc gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - đại diện là bà Trịnh Vĩnh Trinh - đẩy mạnh việc truy thu tác quyền các tác phẩm của cố nhạc sĩ bằng việc gửi văn bản đến các phòng trà, tụ điểm ca nhạc, đơn vị tổ chức biểu diễn để đề nghị thanh toán tiền tác quyền cho việc sử dụng các tác phẩm của anh mình với mức giá 300.000 đồng/bài/lần biểu diễn.
|
Bà Trinh cũng nhìn nhận: "Đây là một căn bệnh trầm kha không chỉ đối với các tác phẩm của anh tôi hiện nay mà còn đối với nhiều tác giả khác nữa. Hiện nay, việc thực hiện tác quyền, ngoại trừ các chương trình lớn, tầm cỡ quốc gia, vẫn chỉ được thực hiện trên tinh thần tự nguyện và tự giác. Hy vọng các cá nhân, đơn vị cũng như cơ quan tổ chức ý thức tốt hơn về nghĩa vụ đối với các văn nghệ sĩ. Ở khía cạnh này, gia đình ủng hộ chương trình “Nghe có ý thức” do nhạc sĩ Quốc Trung đề nghị và phổ biến".
Việc siết chặt tác quyền, trước nay đều nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các văn nghệ sĩ lẫn khán giả. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng hầu như nhạc sĩ nào cũng muốn sáng tác của mình được công chúng biết đến và sử dụng rộng rãi thì việc mạnh tay như thế có trái với mong muốn của cố nhạc sĩ hay không?
Nói về vấn đề này, bà Trịnh Vĩnh Trinh thẳng thắn bày tỏ: "Tôi không nghĩ rằng việc “siết chặt tác quyền” như chị nói ảnh hưởng đến tính chất quảng bá đại chúng của một tác phẩm! Tôi đã từng chứng kiến những cảnh rất xúc động khi nhạc sĩ nhận một số tiền khiêm tốn từ Trung tâm tác quyền. Đối với họ, sự tôn trọng “đứa con tinh thần” mang một ý nghĩa to lớn, còn hơn cả số tiền tác quyền đó".
Bà Trinh cũng cho biết: "Riêng gia đình Trịnh Công Sơn, ngoài việc miễn trừ hoặc thu tác quyền tượng trưng để khuyến khích các tài năng trẻ hoặc cho các hoạt động từ thiện đích thực, hằng năm, gia đình đều đứng ra tổ chức những chương trình nhạc cộng đồng miễn phí cho quần chúng. Chương trình 12 năm nhớ Trịnh Công Sơn được tổ chức vào ngày giỗ anh Sơn tại Phú Mỹ Hưng vừa qua với sự tham gia của gần 30.000 khán giả là một ví dụ điển hình nhằm mục đích thực hiện ước nguyện của anh Sơn lúc sinh thời. Tiền tác quyền của anh Sơn đã và đang được sử dụng để góp phần thực hiện những chương trình như thế!". (còn tiếp)
Chia sẻ với Thanh Niên Online, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (cùng trong nhóm Những người bạn với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thập niên 90) cho biết: "Khi còn là sinh viên, thật ra, tôi cũng không để ý lắm về việc tác quyền. Viết ca khúc như một nhu cầu và khi được đăng báo hay có bạn nào hát là tôi thấy hạnh phúc rồi. Viết ca khúc là để phục vụ cho đời chứ không nghĩ là viết để có bao nhiêu tiền. Nếu như vậy thà là tìm một việc khác để kiếm tiền còn dễ và ổn định hơn viết nhạc bạn ạ". "Còn chuyện tranh chấp tác quyền xảy ra vì các nhạc sĩ đã mất rồi, các thành viên trong gia đình chưa hiểu nên sinh ra rắc rối. Theo tôi biết, khi còn sống, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng rất thông cảm và thoải mái trong vấn đề bản quyền", nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ. Chú Nguyễn Văn Lộc, cán bộ hưu trí ngụ tại Q.5 (TP.HCM) cũng là một người yêu mến nhạc Trịnh, bày tỏ: "Bấy lâu nay, nhạc Trịnh như món ăn tinh thần của rất nhiều người, trong đó có tôi. Nhưng dường như mỗi năm tôi đều nghe nói có những tranh cãi xoay quanh tác quyền của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có người đúng, kẻ sai nhưng bản thân tôi là một khán giả, tôi cũng hi vọng mình đến với nhạc Trịnh với một tâm thế hoàn toàn thoải mái, không bị vướng víu bởi những rắc rối, thiệt hơn. Mong rằng người quản lí và người sử dụng các tác phẩm của cố nhạc sĩ nên tôn trọng nguyện vọng của tác giả lúc sinh thời mà "dĩ hòa vi quý", để người yêu nhạc có thể mặc nhiên thả hồn theo thơ nhạc như cái thời Trịnh Công Sơn ôm đàn ghita hát giữa muôn người". |
"Có thể nói, ý thức thực thi bản quyền tác giả âm nhạc của các đối tác chưa tốt, còn nhiều sự né tránh trong việc thực thi pháp luật! Địa bàn TP.HCM là đơn vị thực thi bản quyền tác giả tương đối tốt so với các tỉnh, thành trong cả nước. Thời gian qua, Sở VH-TT-DL TP.HCM (Thanh tra, Đoàn kiểm tra liên ngành, Phòng quản lý nghệ thuật, các phòng Văn hóa thông tin) đã chỉ đạo kiểm tra các đơn vị không chịu thực thi bản quyền âm nhạc, xử lý rất nhiều vụ vi phạm bản quyền âm nhạc, có trường hợp rút giấy phép ngưng hoạt động 90 ngày (áp dụng khung xử phạt cao nhất trong Nghị định 47/CP của Chính phủ). Hiện tại, Trung tâm đã ủy quyền cho văn phòng luật sư chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện một số đối tác lớn cố tình không thực thi bản quyền âm nhạc". (Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Phó giám đốc VCPMC - Giám đốc khu vực phía Nam) |
Thiên Hương
>> Điểm đến cho những người yêu Trịnh Công Sơn
>> “Cõi tạm” của Trịnh Công Sơn
>> Đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn
>> Miễn phí thưởng thức đêm nhạc Trịnh Công Sơn
>> Ca khúc Da vàng trong đêm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn
>> Đề nghị đặt tên đường Võ Văn Kiệt, Trịnh Công Sơn
>> Dòng người đến viếng Trịnh Công Sơn trong mưa
>> Đêm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ diễn ra lần đầu tiên tại The Crescent
>> Đêm nhạc nhớ Trịnh Công Sơn
>> 4 đêm nhạc nhớ Trịnh Công Sơn tại Mỹ
>> Phát vé miễn phí đêm nhạc Trịnh Công Sơn
>> Tây hát trong đêm nhạc giỗ Trịnh Công Sơn
>> Trịnh Công Sơn - Mộc
>> Đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Phú Quang
>> Ánh Tuyết trả nợ ân tình với Trịnh Công Sơn
Bình luận (0)