Chị đã giảm cân nhiều và đang được điều trị tiếp. Tháng 5.2017, anh Juan Pedro Franco, người Mexico nặng 595 kg, cũng đã được điều trị giảm được 175 kg. Anh đã đồng ý để các bác sĩ phẫu thuật cắt bớt bao tử nhằm giảm cân thêm nữa.
Hai thông tin trên đây được đưa với tính chất tin lạ nhằm đem lại nụ cười vui cho người đọc và người xem. Thật ra, hai trường hợp béo ngoại khổ này là trung tính, họ bị chứng bệnh phát phì tự nhiên.
tin liên quan
Bà vợ trượt chân ngã đè chồng chết vì... quá béoMột cặp vợ chồng già gặp tai nạn hy hữu và qua đời khi người vợ nặng gần 130 kg trượt cầu thang ngã đè chồng chết.
Người ta có quyền gì mà cười cợt khi nhìn thấy thân hình ngoại khổ của họ? Cũng vậy, chúng ta lấy cái quyền gì mà tự cho phép mình cười cợt hay có mặc cảm dị ứng với những người béo phì hay thừa cân có thể gặp hằng ngày chung quanh ta?
Nguyễn Du đã từng mô tả hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân. Với cô em Thúy Vân, ông viết “Vân xem trang trọng khác vời/Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. Với cô chị Thúy Kiều, ông viết: “Kiều càng sắc sảo mặn mà/So bề tài sắc lại là phần hơn/ Làn thu thủy, nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.
Ông chỉ chấm phá vậy thôi nhưng người đọc thì biết Kiều đẹp hơn Vân, Vân “mập” hơn Kiều một chút. Tuy nhiên, ông cũng công bằng khi viết “Một hai nghiêng nước nghiêng thành”, nghĩa là Vân cũng đẹp như chị. Những người giảng luận văn học đời sau gọi vẻ đẹp của Thúy Vân là “vẻ đẹp phúc hậu” - phúc đức và dày dặn. Ngược lại, họ cũng cho rằng vẻ đẹp của Thúy Kiều “sóng gió” hơn cô em.
Tiểu thuyết Tố Tâm của nhà văn Hoàng Ngọc Phách, được hai ông Sullivan và Emmanuel Lê Ốc Mạch dịch ra Pháp ngữ và được Nhà xuất bản Gallimard (Pháp) in ra dưới tựa đề Un coeur pur (Trái tim trong sáng), xây dựng mối tình ngang trái giữa Đạm Thủy và Xuân Lan - người tình mà Đạm Thủy đặt cho biệt danh Tố Tâm.
Tố Tâm (chữ Hán) có nghĩa là trái tim trong sáng, dịch ra tiếng Pháp coeur pur là chuẩn rồi. Tố Tâm phải đi lấy chồng nhưng vì yêu Đạm Thủy mà héo hon gầy mòn, đến nỗi kiệt sức chết đi sau khi vừa đám cưới được ba mươi sáu ngày.
Sắc đẹp của Tố Tâm có vẻ ẻo lả, được các nhà bình luận văn học đời sau gọi là “thướt tha kiểu liễu rũ, mai gầy”. Phải chăng vóc dáng như vậy là hình tượng lý tưởng của người phụ nữ đẹp trong văn học lãng mạn thời chớm nở?
|
Văn minh ngàn xưa của dân tộc ta là văn minh lúa nước; tư tưởng chủ đạo vẫn là tư tưởng phồn thực. Phồn thực (sinh sôi nảy nở nhiều) vốn là ước mơ của một xã hội nông nghiệp còn theo lối canh tác, chăn nuôi lạc hậu. Từ ước mơ về vật nuôi cây trồng, tư tưởng phồn thực đi vào tiềm thức con người muốn sinh con đẻ cái nhiều, đáp ứng mục tiêu có thêm nhiều sức lao động để sản xuất nông nghiệp.
Để có thể sinh con đẻ cái nhiều, người ta (xin lỗi) phải chọn giống tốt. Ông bà ta từng dạy con trai “Mua trâu lựa nái, cưới gái lựa dòng”. Thôi thì bỏ vế mua trâu, ta chỉ nói vế cưới gái (và cả cưới trai nữa, cho nó cân đối).
“Cưới gái lựa dòng” có nghĩa là nên chọn những cô gái xuất thân từ gia đình có đủ anh em trai gái, có sức khỏe và có khả năng sản xuất lao động, sinh con đẻ cái. Người xưa có vẻ dị ứng với các cô gái hơi gầy mà thích có con dâu là các cô gái da thịt nở nang, béo một chút thì... cũng được.
Tất nhiên, chuyện gầy hay béo là chuyện... trời sinh, lại phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện ăn uống, dinh dưỡng. Tuy nhiên, người phụ nữ nở nang hoặc béo một chút hay anh thanh niên khỏe mạnh mà lùn một tí thì cũng khiến cho các cụ yên tâm hơn.
Họ chỉ sợ con trai mình cưới... đại một cô gái ốm nhách; sợ con gái mình yêu nhầm một anh chàng có bộ xương cách trí thì quanh năm chỉ còn biết lo mua và sắc thuốc bắc cho uống dài dài.
Cho nên, nếu có một chàng trai nào khoảng năm 1925 - 1930 muốn cưới một cô gái giỏi tiếng Việt, giỏi chữ Hán, có tài làm thơ mà... gầy như cô Tố Tâm về giúp mình cai quản một mớ ruộng vài hecta và nuôi một bầy heo vài chục con thì các cụ cản ngay, không chừng còn mắng cho một trận bay tóc trán
. Hoặc giả một cô gái nông thôn nào đó lỡ yêu và đòi lập gia đình với một chàng nhạc sĩ tài hoa mà ho lao thì các cụ cũng xạc cho một trận nên thân. Có nhạc sĩ đi nữa thì ít nhất phải gánh được mấy đôi nước, mỗi đôi khoảng 40 kg chứ.
Hãy nhìn hình ảnh các Apsara - biểu tượng của nhan sắc, được tạc bằng sa thạch trong các đền tháp Hindu giáo. Thân hình họ hơi mập; ngực to, eo thon, xương chậu và mông nở. Ngực to để đủ sữa cho con bú; xương chậu và mông nở để sinh đẻ cho dễ, cho nhiều. Hãy nhìn hình ảnh hai totem gồm linga (bộ sinh dục nam) và yoni (bộ sinh dục nữ) được thờ phượng. Cái nào cũng to, vuông vức, đầy kiêu hãnh. Văn minh phồn thực làm nên một nghệ thuật tạo hình lý tưởng, mạnh khỏe. Ở đây không có chỗ cho những cái ẻo lả, gầy guộc.
Cho nên dù là nam hay nữ, béo một chút hoặc da thịt nở nang thường được xem là yếu tố tiêu biểu cho sức khỏe. Mà dẫu người ta béo thật hay thừa cân đi nữa thì yếu tố đó vẫn nằm trong quyền được sống và được hưởng thụ của người ta. Xã hội phát triển, các loại thức ăn nhanh giàu chất béo và tinh bột, các loại thức uống nhiều đường phát triển.
Chừng mực nào đó, những người béo và thừa cân là “nạn nhân” bất đắc dĩ của một xã hội công nghiệp chế biến thức ăn nhanh, nước uống nhanh quá thích khẩu. Thống kê mới nhất cho biết Malaysia là quốc gia có tỷ lệ người béo và thừa cân lớn nhất châu Á bởi vì quốc gia này có một nền ẩm thực rất ngon lành và bắt mắt.
Y học chỉ động viên bạn ăn uống điều độ, bớt mỡ bớt đường để giảm béo và tránh thừa cân. Nếu bạn béo hay thừa cân, y học hướng dẫn cho bạn cách ăn uống và vận động thể dục thường xuyên để giảm cân nặng. Bạn cũng chớ nên quá lo lắng mà áp dụng những cách giảm cân đột ngột, không theo bài bản để từ 99 kg tụt xuống còn 45 kg giác mà nguy hại cho sức khỏe.
Béo không phải là không đẹp, không có ích cho xã hội. Đã có những cuộc thi hoa khôi béo diễn ra hằng năm ở Mỹ; người dự thi tỏ ra khá tự tin. Có những tài tử người da đen biết biến khổ người béo hay thừa cân của mình thành những nhân vật đặc biệt trong các phim hành động của Mỹ.
Ngay đến năm chị người mẫu của thế giới được xếp vào size 16 hiện nay là Robyn Lawley, Tera Lynn, Ashley Graham, Candice Huffine và Markita Pring cũng đã biến cái “quá khổ” của họ trở thành thế mạnh. Họ là những người mẫu siêu hạng, được các hãng thời trang nổi tiếng ký hợp đồng quảng cáo; tên tuổi được biểu dương trên các tạp chí thời trang hiện đại như Marie Claire, Vogue, Australian Magazine.
Về phương diện tâm lý, những người béo sống rất vui. Khuôn mặt của họ tươi tỉnh, thường có nhiều nụ cười trong giao tiếp xã hội hơn những người gầy. Người gầy thì hơi khắc khổ. Với người Việt chúng ta, những đàn ông trên 60 tuổi “có bụng” một chút, khuôn mặt đầy đặn một chút, béo lên vài ba ký lô gram được coi là người phúc hậu.
Gần gũi với chúng ta nhất có một người béo mà ai cũng thích và kính trọng. Đó là bức tượng ngài Di Lặc, luôn xuất hiện với cái bụng tròn trịa và nụ cười hồn nhiên, đáng yêu nở trên môi. Người ta gọi ngài là Hoan hỉ Phật - ông Phật vui vẻ.
Bình luận (0)