Vệ sinh tinh thần

Tôi xin giới thiệu với các bạn một khái niệm khác, trừu tượng nhưng rất gần gũi với mỗi đời sống chúng ta: Vệ sinh tinh thần.

Trước nay, người ta thường nói đến vệ sinh thân thể, vệ sinh đường phố, vệ sinh nhà cửa... được hiểu như là những khái niệm cụ thể nhằm làm sạch thân thể mình, làm sạch đường phố cho quang đãng, làm sạch nhà cửa để bảo vệ sức khỏe gia đình. Tôi xin giới thiệu với các bạn một khái niệm khác, trừu tượng nhưng rất gần gũi với mỗi đời sống chúng ta: Vệ sinh tinh thần.

tin liên quan

Khơi dậy tinh thần sáng tạo trong trường học
Ngày 16.5, tại Hà Nội, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong chủ trì hội nghị chuyên đề học sinh, sinh viên, giảng viên trẻ khối trường học góp ý dự thảo Văn kiện ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ 11.
Sách vở kể lại rằng đời nhà Hán, có hai người là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi hái thuốc, đi lạc vào núi Thiên Thai. Tại đây, hai người đã gặp những cô tiên nữ xinh đẹp, cùng kết làm vợ chồng, sống an nhàn hạnh phúc được mấy tháng. Thế nhưng, hai người vẫn nhớ làng cũ quê xưa và cuộc sống dưới trần gian nên muốn trở về. Các tiên nữ khuyên họ không nên về bởi về lại trần gian thì không lên cõi thiên tiên được nữa. Hai người vẫn quyết trở về, tìm lại làng cũ quê xưa thì khung cảnh đã rất khác ngày trước. Hóa ra, họ xa trần gian đã... bảy đời, không một ai trong làng biết họ là ai.
Sách vở cũng kể lại rằng đời nhà Tấn, có nhà văn Đào Tiềm rất tài hoa và uyên bác, lấy bút danh là Đào Uyên Minh. Ông viết một bài bút ký ngắn, có tựa là Đào hoa nguyên ký - bút ký về dòng suối hoa đào. Ông kể chuyện một người đánh cá tình cờ đi lạc vào một dòng suối có hoa đào trôi, bèn cứ ngược dòng chảy mà đi mãi.
Người đánh cá bắt gặp một cộng đồng người sống rất vui vẻ, hạnh phúc; hỏi thăm ra thì họ là những người lánh nạn bạo ngược của thời Tần Thủy Hoàng, bỏ lên đây mà sinh sống. Người đánh cá ở chơi mấy ngày rồi xuôi nguồn suối mà trở lại quê cũ, sau đó muốn đi tìm lại làng người mà mình từng gặp nơi đầu nguồn nhưng tìm mãi vẫn không ra.
Từ hai câu chuyện trên, người đời sau bình rằng con người luôn luôn khát vọng một đời sống ấm no, hạnh phúc, vô tư lự. Đời sống đó không thể tìm ra được giữa bối cảnh lịch sử khi chế độ phong kiến áp bức, bóc lột đang cai trị. Vì vậy mà người ta hướng đến thế giới thiên tiên. Có người dùng quan điểm chính trị sâu xa hơn, cho rằng Đào hoa nguyên ký có giá trị tích cực là phủ nhận chế độ phong kiến, mơ ước một chế độ thanh bình, hạnh phúc, không bị ai cai trị.
Giữa thời đại khoa học này, ai cũng có thể khẳng định rằng cuộc sống ở thiên tiên chỉ là cuộc sống tồn tại trong... sách vở và những câu chuyện kể. Yếu tính của nó đơn thuần chỉ là những câu chuyện duy lãng mạn, được phát triển do tâm thức lãng mạn từ trí tưởng tượng của con người. Thế giới của cõi thiên thai, cõi đào nguyên hay Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh chẳng hạn chỉ thuần túy là thế giới của sự tưởng tượng, của những viễn tưởng mà ra. Nó là thế giới ảo!
Chính vì là thế giới ảo nên nhạc sĩ Văn Cao đã sử dụng chất liệu của hai câu chuyện này, viết lên thành ca khúc Thiên thai bất hủ. Ca khúc của ông tổng hợp hai câu chuyện, chỉ giữ cái hồn là con người lạc vào cõi thiên tiên, sống và múa hát cùng tiên nữ.
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới
Đào nguyên...
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa khuất núi ngàn...
Thiên Tiên, chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc Nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn...
Đào nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm...
Tôi hình dung ra khi chấp bút viết ca khúc này, tâm trạng của nhạc sĩ Văn Cao rất cô đơn, ông chỉ mong vượt thoát cuộc sống hiện thực để được vào cõi thiên tiên tưởng tượng, được “Cùng bầy tiên đàn ca bao năm”. Văn Cao không phủ nhận hiện thực, ông chỉ để tâm hồn mình bay bổng, lãng mạn trong giây phút mà thôi. Và giây phút đó đã đẻ ra được ca khúc Thiên thai xinh đẹp, tròn trịa, sâu lắng, đầy tính nghệ thuật lưu lại trong nhạc sử, như Richard Wagner nói “Âm nhạc là biến những khoảnh khắc trở thành vĩnh cửu”.
Bạn đang sống trong cuộc sống rất hiện thực, làm việc 8 tiếng hay 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Bạn đang phải quay quắt với máy tính, với điện thoại thông minh; mỗi ngày không biết phải xử lý với bao nhiêu con số, đón nhận không biết bao nhiêu câu hỏi kể cả những câu hỏi không đâu vào đâu. Bạn đang phải chịu nhiều áp lực từ công việc làm, công việc nhà; giải quyết sao cho giờ giấc hợp lý để còn chăm sóc con cái, giữ bền chặt mối dây vợ chồng, giữ được tình cảm với cha mẹ.
Có nhiều khi bạn mệt mỏi, chán nản, tâm trạng căng thẳng như dây đàn; không biết phải làm cái nào trước, cái nào sau. Thậm chí, có khi xảy ra một sai sót đối với cơ quan hay gia đình, bạn tự dằn vặt mình, cảm thấy mình có lỗi... Nghĩa là cuộc sống này rất dễ đưa bạn đến khủng hoảng tâm lý - tiếng thời thượng gọi là stress.
Trong hoàn cảnh đó, tôi mong bạn nên biết đi tìm cho mình một lối thoát, một “cõi thiên tiên” gần gũi với bạn nhất. Hãy bỏ ra khoảng 15 phút, chỉ 15 phút thôi để nghe chừng vài ba bản nhạc cổ điển không lời. Beethoven, Mozard, Paganini, Schubert, Vivaldi... Hãy nhắm mắt, lắng tai mà nghe.
Nếu bạn yêu nhạc Việt, cứ nghe chừng vài ba bản tình ca tiền chiến hay tình ca kinh điển. Bạn nhớ nhé, tôi chỉ nói với bạn chuyện “nghe nhạc” chứ không nói với bạn chuyện “xem nhạc”. Tôi cũng chỉ nói đến nhạc cổ điển và nhạc tiền chiến, kinh điển để bạn nghe loại nhạc có tiết tấu khoan hòa, vừa phải. Nghe như vậy, bạn sẽ thấy tâm hồn mình lắng lại, tiết tấu sống của mình chậm lại một chút.
Buổi tối trước khi đi ngủ, bạn hãy bỏ chừng nửa giờ, đọc chừng mấy chục trang sách văn học hay vài cái truyện ngắn đăng trên báo. Hãy để tâm hồn mình lắng sâu vào câu chuyện, cùng hòa mình sống với câu chuyện, nhân vật, khung cảnh... Sách cũ hay mới, báo cũ hay mới đều đọc được bởi bản chất của văn học là không có tuổi, không có date. Bạn có tin không, có những quyển sách tôi đọc đi đọc lại cả trăm lần, nghĩa là “thâm canh” hết mức mà mỗi lần đọc lại vẫn thấy hay.
Làm việc nhiều, có cơ hội nghỉ ngơi vài ba ngày thì bạn nên cùng bạn bè, gia đình đi chơi. Hãy “vứt” hết máy tính, điện thoại thông minh qua một bên. Được sống vài ngày giữa thiên nhiên thoáng đãng, tắm suối tắm biển, ăn thức ăn ngon là một thứ hạnh phúc giản dị mà bạn cần có. Tôi lấy làm lạ là có nhiều bạn đi chơi nhưng vẫn mang theo... hai cái điện thoại. Sao ta tự làm khổ ta đến vậy nhỉ? Cần chơi ra chơi, làm ra làm.
Nếu có thể, mỗi ngày bạn nên dẫn con cái ra chơi công viên chừng nửa giờ. Cây xanh bóng mát, hoa cỏ dù không đẹp lắm nhưng cũng không tệ lắm vẫn có thể làm bạn thư giãn tinh thần. Mặt hồ nước phẳng và im ắng như tấm gương soi làm tâm hồn ta nới rộng thể tích ra. Tôi thích nhất là được về Đồng Tháp hay Quảng Nam ngắm những đầm sen nở. Hoa sen hồng, lá sen xanh, mùi hương sen thoang thoảng có thể khiến lòng ta quên đi được những công việc gây bận rộn giữa đời.
Tôi gọi những cách trên đây là vệ sinh tinh thần để gội rửa đầu óc và tâm hồn mỗi chúng ta. Vệ sinh tinh thần tốt là sẽ làm việc tốt trở lại. Cõi thiên tiên hạnh phúc không ở đâu xa lắm, nó không nằm trên núi Thiên Thai hay suối hoa nguồn đào nào cả. Nó có ngay giữa đời ta nếu bạn muốn và thích làm vệ sinh tinh thần cho chính mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.