Đi xa để... “bỏ phố về quê”
Nguyễn Phạm Duy Tâm (26 tuổi) sinh ra và lớn lên ở H.Bình Đại, tỉnh Bến Tre, nơi hầu hết người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản. Năm 2015 khi học hết THPT, Tâm khăn gói lên TP.HCM học trung cấp rồi sau đó liên thông cao đẳng, đại học với ngành kỹ thuật sửa chữa điện lạnh. Sáng đi làm, tối đi học, Tâm bù đầu với công việc mỗi ngày, không có thời gian dành cho bản thân.
Tâm sau khi bỏ phố về quê |
NVCc |
Mùa dịch Covid-19 năm 2020, Tâm về quê tránh dịch tạm thời. Tuy vậy, việc gần gia đình, sống ở vùng quê làm Tâm thoải mái hơn nên không muốn trở lại thành phố nữa. Từ đó Tâm quyết định sẽ gắn bó với vùng quê này.
“Cuộc sống thành phố bon chen quá. Sáng sớm tôi đi làm, rồi đi học đến 22 giờ mới về nhà. Cứ thế, mỗi ngày, vòng quay như vậy làm tôi mệt mỏi hơn. Còn về quê tôi cảm nhận được sự thoải mái, nhẹ nhàng, không còn phải bon chen nữa. Nhiều người nói tôi học nhiều năm mà lại bỏ hết về quê nhưng đi học để về quê lập nghiệp mà”, Tâm chia sẻ.
Ngày trở về quê, chàng kỹ sư ngành điện lạnh bắt đầu phụ ba công việc đồng áng, nuôi tôm, cua quảng canh trên những đập (hồ nuôi thủy sản) có sẵn từ gia đình. Quy trình chỉ cần thả con giống, chờ con giống lớn rồi sổ đập và mang đi bán. Do đó, công việc mỗi ngày của Tâm chỉ việc chèo xuồng cùng ba đi thăm đập, canh trộm rồi sổ đục nuôi sò, lưới cá, câu cua... Công việc cứ thế thong thả, không ràng buộc về thời gian.
Chú chó trong video của Tâm |
“Việc này thật sự rất thoải mái, không ràng buộc, không còn cảnh chạy đua với đồng tiền mỗi ngày”, Tâm nói.
Tâm và những chú chó cỏ
Thời gian trước kia, Tâm thường quay lại cảnh những chú chó và đăng lên kênh TikTok để làm kỷ niệm. Video đầu tiên Tâm quay về những chú chó ở nhà hàng xóm. Video thứ hai, Tâm quay hai chú chó vui mừng khi anh về quê. Tâm không ngờ nhận được tương tác lên đến hàng chục ngàn lượt like, xem ở các video này.
Ngoài giờ thăm đập, Tâm dành thời gian bên những chú chó |
Từ đó, Tâm siêng thực hiện những video clip về cuộc sống khi bỏ phố về quê hơn. Tâm đặt biệt danh cho mình là “Tâm chó cỏ”. Sau đó Tâm lại tiếp tục đặt tên cho hai chú chó của mình là Mực và Ói. Dần dần, Tâm nuôi nhiều chó hơn, đặt tên là Xám, Nâu, Mực… Đến nay cũng được 6 chú chó đồng hành trong mỗi video.
Anh nông dân xây một chòi mái lá nhỏ ở gần đập rồi dọn ra sống và sinh hoạt cùng những chú chó của mình. Tâm ngủ trên võng, chó ngủ phía dưới. Cứ thế cuộc sống của Tâm xoay vòng bên những chú chó mỗi ngày.
Tâm là một nông dân nắm bắt công nghệ nhanh. Chỉ với chiếc điện thoại, Tâm có thể tự tay dựng, sản xuất những sản phẩm độc đáo lên kênh cá nhân. Những thước phim tự nhiên, thực tế kể về công việc mò cua bắt ốc và niềm vui bên những chú chó trở thành nét riêng của anh trên các nền tảng này.
Các video bên những chú chó trở thành nét riêng của Tâm |
nvcc |
Tâm chia sẻ: “Tôi chỉ việc ra đập, những chú chó đi tới đâu tôi quay tới đó. Có lúc nó lội theo xuồng, có lúc ngồi lên xuồng, mắt chúng hướng ra xa, nhìn rất tự nhiên và thú vị. Tối về tôi ngồi xem lại rồi tự mình chỉnh sửa, lồng tiếng rồi đăng lên thôi”.
Sau 2 năm chăm chút cho các kênh TikTok và YouTube, Tâm nhận được hàng triệu lượt người quan tâm theo dõi. Cộng đồng yêu chó cũng tìm cách liên hệ tặng quà cho chó của Tâm. Thu nhập của Tâm cũng được hàng chục triệu đồng/tháng khi các kênh phát triển.
Đến giờ, sau thời gian bỏ phố về quê, Tâm cảm nhận cuộc sống đáng yêu hơn. Những tiện nghi vật chất cũng không cần thiết nữa, tinh thần ngày một thoải mái hơn. Anh đã quen với cuộc sống đơn sơ mộc mạc vùng quê.
Theo Tâm, sống ở thành phố hay ở quê đó là lựa chọn của mỗi người. Khoảng cách giữa hai nơi giờ không còn xa khi có mạng xã hội nữa. Nó cũng là cái mới để những bạn trẻ nông thôn tìm ra cách khởi nghiệp của mình khi ở quê. Không nhất thiết phải rời quê lên thành phố kiếm tiền.
“Tuy nhiên, theo tôi, còn trẻ thì nên đi, bước ra ngoài để học hỏi, tìm tòi những thứ mới, xem những nơi nào phù hợp với bản thân. Nếu không phù hợp với thành phố thì có thể bỏ phố về quê”, Tâm chia sẻ.
Bình luận (0)