Chuyện buồn ở trại dưỡng ngư ở Tây nguyên

18/01/2022 06:08 GMT+7

Trước năm 1975, trại dưỡng ngư được thành lập với mục đích nuôi, nghiên cứu và nhân giống một số loài thủy sản cho khu vực Tây nguyên

Trại dưỡng ngư đầu tiên ở Tây nguyên được thành lập trước năm 1975 ở xã Bình Giáo, H.Chư Prông (Gia Lai) với nhiều giá trị về lịch sử, kinh tế. Nay tất cả đang đối mặt với thảm cảnh khi hoạt động cầm chừng, chồng chất khó khăn, còn cơ quan chức năng ở Gia Lai chưa mặn mà trong các giải pháp tháo gỡ.

Cận tết, chúng tôi có mặt ở đây để chứng kiến chuyện buồn nhiều hơn vui. Tưởng sẽ được chứng kiến cảnh kéo cá, kiểm tra để bán tết rộn ràng thì ngược lại, toàn bộ nhân sự ở đây chỉ còn 4 người đang… trảy lá hai cây lộc vừng. Số nhân viên có chuyên môn vì không chịu nổi cảnh làm không lương đã bỏ việc. Người làm “cò đất”, người về nấu rượu mưu sinh.

Giấc mơ nửa chừng

Trại dưỡng ngư ở xã Bình Giáo được thành lập từ khoảng 1955 - 1961. Ngày ấy, các kỹ sư canh nông có điều kiện du học ở Pháp về với nghề nghiệp giỏi giang có lẽ đã cố vấn để bà Trần Lệ Xuân, phu nhân ông Ngô Đình Nhu, trực tiếp chỉ đạo thành lập nơi này. Thời thuộc Pháp, đây là một đồn điền rộng lớn. Trước năm 1975, vùng đất này được cải tạo làm trại dưỡng ngư với mục đích nuôi, nghiên cứu và nhân giống một số loài thủy sản cho khu vực Tây nguyên.

Đàn cá bố mẹ bị giảm sút vì thiếu thức ăn

Một vùng rộng lớn được xới lên. Hàng chục ao hồ với quy hoạch rất bài bản được thành hình. Ngay cả những ngôi nhà cho những người quản lý ở cũng được xây dựng với công trình ăn ở, sinh hoạt, làm việc khoa học. Khu sinh hoạt cho công nhân cũng được xây dựng riêng. Ở các ao hồ, hệ thống đường đi trên ao được quy hoạch rất tốt, đủ để xe tải nhỏ có thể vào tận nơi chuyên chở các thứ cần thiết.

Nước được dẫn từ Nhà máy thủy điện Bàu Cạn cách trại khoảng 5 - 6 km, tưới cho vùng chè Bàu Cạn rộng lớn và cho trại dưỡng ngư. Cả một quần thể kiến trúc được xây dựng liền lạc. Nguồn nước trong lành được đảm bảo quanh năm chứng tỏ sự am hiểu về thổ nhưỡng, địa lý của những người đã khảo sát, thành lập nên trung tâm này.

Cách trung tâm TP.Pleiku chỉ chừng 30 km, với địa thế hữu tình, xung quanh là những dãy núi, rừng cây và khí hậu trong lành, khu vực trại dưỡng ngư là một thung lũng mờ sương trên cao nguyên. Nhiều người kể lại đây là nơi được gia đình các sĩ quan chế độ cũ chọn làm điểm dã ngoại. Cứ cuối tuần, trực thăng chở người từ thị xã Pleiku về đây, cuối tuần lại chở ra.

Nay dấu tích còn lại là dãy ao hồ và cây vông đồng to lớn ở trước sân trụ sở. Kiến trúc còn lại đã bị hư hỏng sau vết thời gian. Thực tế, do chiến tranh nên nơi này cũng chưa có những ghi nhận kết quả gì nhiều so với mục đích ban đầu. Sau năm 1975, chính quyền cách mạng tiếp quản, duy trì.

Nốt trầm của trung tâm dưỡng ngư

Ông Đào Bá Lộc, năm nay gần 70 tuổi ở xã Bình Giáo, kể: “Tôi gắn bó với nơi này từ năm 1986. Sau năm 1975, Đoàn 331, Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) tiếp quản và bàn giao cho Ty Nông nghiệp Gia Lai - Kon Tum, lấy tên gọi là Trại cá giống Thanh Bình. Toàn bộ có khoảng 20 người. Tôi làm lái xe ở đây. Thời ấy chủ yếu là cho cá đẻ, ương nuôi một số loại như trắm, chép, mè, rô phi với số lượng ít. Cá của trại sản xuất ra được đưa đến một số cơ sở nuôi thủy sản ở Tây nguyên”.

Trung tâm giống thủy sản Gia Lai gặp nhiều khó khăn

TRẦN HIẾU

Câu chuyện từ nơi dưỡng ngư này trải qua không ít thăng trầm cho đến ngày nay. Số là năm 1993, trại cá được đổi tên thành Xí nghiệp cá giống Tân Bình do H.Chư Prông trực tiếp quản lý. Chỉ một năm sau, do yếu kém về quản lý nên không tránh khỏi tình trạng thua lỗ, phải chuyển sang hình thức hợp tác xã với tên Hợp tác xã nuôi cá nước ngọt xã Bình Giáo. Trong vòng 14 năm, các xã viên đã thầu lại nơi này. Họ trồng lúa một vụ và nuôi cá. Từ năm 2008, tỉnh Gia Lai đã có quyết định thu hồi toàn bộ nơi này để đầu tư xây dựng Trung tâm giống thủy sản Gia Lai.

Ông Phạm Hữu Phước, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho chúng tôi từ cuối năm 2020. Lúc này, quỹ hoạt động về sự nghiệp của trung tâm chỉ còn hơn 100 triệu đồng.

15 con người là cán bộ, nhân viên ở đây không còn biên chế, không có hợp đồng. Nếu muốn hợp đồng thì chúng tôi phải tự bỏ tiền. Khó càng thêm khó! Hiện nhân viên đã nghỉ việc gần hết, chỉ còn lại 4 người, trong đó có 2 nữ. Từ tháng 8 đến nay, quỹ lương của trung tâm đã không còn để chi trả. Năm 2021, nguồn thu của chúng tôi chỉ đạt 250 triệu đồng. Thực sự tình hình rất khó khăn. Nói đơn giản là muốn kéo cá cũng cần đến 4 - 5 người. Nhưng giờ thì vậy đó!”.

Tất cả ở dạng... tiềm năng

Theo quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh Gia Lai năm 2009, diện tích phát triển thủy sản của tỉnh này đến năm 2015 đạt gần 16.000 ha, đến năm 2020 đạt hơn 24.000 ha; tốc độ tăng bình quân 2009 - 2020 là 16,22%/năm; sản lượng thủy sản đến năm 2015 đạt gần 4.300 tấn, đến năm 2020 đạt hơn 9.000 tấn; tốc độ tăng bình quân 2007 - 2020 là 24,53% (trong đó sản lượng thủy sản nuôi đến năm 2015 đạt 3.500 tấn, năm 2020 đạt 8.000 tấn). Số lao động làm việc trong ngành sản xuất thủy sản đến năm 2010 là 5.000 người, năm 2020 là 9.000 người.

Nhưng đấy là câu chuyện quy hoạch trên giấy. Với tiềm năng lớn về diện tích mặt nước, Gia Lai luôn có lợi thế so với nhiều tỉnh thành trong cả nước về phát triển nuôi trồng thủy sản. Song, diện tích nuôi trồng nhỏ lẻ, nhà đầu tư không mặn mà đến việc phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn hay chế biến thủy sản hoặc người dân thiếu mặn mà trong nuôi trồng… là thực tế.

Ông Phước quả quyết: “Với 20 ao trên diện tích hơn 12 ha và cơ sở vật chất hiện có, chúng tôi khẳng định có thể đủ điều kiện cung cấp cá giống, cá bột cho khoảng 30% nhu cầu. Nhưng cung thì sẵn mà đầu ra thì khó khăn. Đàn cá bố mẹ như trắm, trắm đen, mè, trôi, rô phi, diêu hồng, lăng phải giảm từ 3 tấn xuống còn 1 tấn vì không đủ tiền mua thức ăn. Cá ốm trơ xương. Năm rồi chỉ cho cá trắm, diêu hồng đẻ. Hiện giờ khó cả nhân lực, nguồn lực ”.

Nhiều nhân lực có trình độ về thủy sản của trung tâm chịu không nổi khó khăn đã bỏ việc. Người về quê làm… “cò đất”, người thì về nhà nấu rượu bán để đắp đổi cuộc sống hằng ngày. Số còn lại bỏ việc ra ngoài cũng phải làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Cảnh khó lại càng khó ở trung tâm này. Chúng tôi đã tận mắt thấy nhiều hồ cá trơ đáy, cá thịt, cá giống rất ít. Với số nhân lực vậy, làm sao có thể vận hành cả một cơ sở vật chất lớn này. Tất cả như một sự khập khiễng đáng buồn.

Nói về khó khăn của trung tâm này, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT, chia sẻ: “Không làm được thì phải xử lý thôi. Sắp tới chúng tôi sẽ kiểm tra, đánh giá lại. Nếu không làm được thì phải tính toán. Dĩ nhiên là phải tính toán kỹ để có những giải pháp phù hợp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.