Chuyện chưa kể về anh hùng Kostas Nguyễn Văn Lập

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
26/01/2023 10:21 GMT+7

Qua lời kể mộc mạc của đại tá Võ Văn Minh, nguyên Trưởng phòng Lịch sử - Quân khu 4, chân dung Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập hiện ra bình dị mà thấm đẫm khí phách của một anh hùng.

Đầu tháng 8.2022, sau gần 60 năm xa đất Việt - quê hương thứ 2 của mình, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập (thường gọi là Kostas Nguyễn Văn Lập) đã trở về yên nghỉ bên những người đồng đội tại Nghĩa trang Quân khu 5. Tết này, bánh tổ - một loại bánh truyền thống của người dân xứ Quảng sẽ được con cháu của đại tá Võ Văn Minh mang đến dâng lên trước mộ phần. Mọi người vẫn nhớ đến ông với những sở thích đời thường “rất… Quảng Nam”.

Đôi dép cao su đầu tiên

Ở tuổi ngoài 90, đại tá Võ Văn Minh vẫn rất minh mẫn và có thể say sưa hàng giờ về những kỷ niệm thân thương với Anh hùng LLVTND Kostas Nguyễn Văn Lập. Kostas Sarantidis sinh ra tại Athens (Hy Lạp), tháng 2.1946 bị đưa tới Việt Nam phục vụ trong quân đội Pháp. Tuy nhiên, tại đây, ông nhận thức rõ bản chất cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và Kostas Nguyễn Văn Lập đã giác ngộ cách mạng.

Kostas Nguyễn Văn Lập trong lần nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2013

CHỤP LẠI ẢNH TƯ LIỆU

Tháng 6.1946, Kostas Nguyễn Văn Lập trốn khỏi đội quân lê dương tới vùng tự do ở tỉnh Bình Thuận và tham gia lực lượng Việt Minh kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. “Tôi gặp ảnh (anh ấy - PV) khi ảnh 21 tuổi, còn tôi 19. Chúng tôi ở cùng Trung đoàn 803 Liên khu 5. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng chiến đấu nên những gì về ảnh, tôi chưa một ngày phai nhạt. Trở thành anh bộ đội cụ Hồ, ảnh thiếu thốn đủ thứ. Đến cả đôi dép cũng không có để đi nhưng không vì thế mà ảnh sờn phai ý chí. Ngược lại, ảnh nhanh chóng thích nghi và trở thành một người Việt bản địa tự khi nào…”, ông Minh bồi hồi kể.

Nhờ vóc dáng to con cộng với việc sử dụng thành thạo các loại vũ khí nên khi chiến đấu, ông Lập thường được giao dùng súng hạng nặng. Nhớ nhất là năm 1948, trong trận chống địch càn quét ở Hương An (Quảng Nam), ông đã dùng trọng liên 12,7 mm bắn đến đỏ nòng, góp công diệt gọn 200 tên lính Âu - Phi.

“Sau đó, anh Lập được biểu dương. Tư lệnh mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng Đàm Quang Trung, người chỉ huy trực tiếp trận này, đã tặng cho ảnh một đôi dép cao su được cắt từ lốp ô tô. Từ trận đó, anh Lập mới có một đôi dép để mang. Nhận được quà, anh Lập mừng lắm. Ảnh như được thêm động lực và khi nào cũng tự hào mang trên chân đôi dép cao su của anh bộ đội cụ Hồ”, ông Minh nhớ lại.

Anh hùng Kostas Nguyễn Văn Lập trong lần đến thăm nhà đại tá Võ Văn Minh tại TP.Đà Nẵng vào năm 2005

HOÀNG SƠN CHỤP LẠI TƯ LIỆU

“Tao thèm khoai lang trà đõa quá !”

Năm 2005, từ một cơ duyên, đại tá Võ Văn Minh và Kostas Nguyễn Văn Lập đã gặp lại nhau ở TP.Đà Nẵng sau đúng 40 năm mất liên lạc (ông Lập về Hy Lạp sống cùng mẹ già vào năm 1965). Hai người đàn ông đầu bạc ôm chầm lấy nhau khóc như những đứa trẻ. Ông Lập về nhà ông Minh, hai người ngủ chung giường, đêm đêm ôn lại những kỷ niệm đã cùng nhau đi qua trong cuộc chiến khốc liệt. Ông Lập kể chuyện 2 người thèm ly cà phê rồi cùng nhau nhảy lò cò trên những viên đá lởm chởm cả chục cây số để đi mua, rồi cả hai cười ồ...

“Ảnh lại kể về những món ăn quen thuộc mà một thuở cơ cực trên chiến trường Liên khu 5. Nói đoạn, ảnh kêu: “Tao thèm khoai lang Trà Đõa quá Minh ơi!”. Trải qua mấy mươi năm rồi, vị khoai năm xưa ở xã Bình Đào, H.Thăng Bình (Quảng Nam) ảnh vẫn không quên… Hôm đó, tôi chỉ chờ trời sáng thiệt nhanh để ra chợ mua khoai về cho ảnh ăn thỏa thích”, ông Minh kể.

Món ăn đặc trưng của người dân xứ Quảng mà Kostas Nguyễn Văn Lập rất thích chính là bánh tổ, thường được làm vào ngày tết. Hồi đó, bộ đội Liên khu 5 hay sắm để ăn dần vào dịp trong và sau tết. Bởi bánh tổ có thể để cả tháng trời mà không bị hỏng.

“Anh Lập rất thích loại bánh này. Khi dùng bánh, ảnh cũng lấy dao cắt phần mặt bị mốc đi rồi cắt miếng bên trong để ăn, thành thục như người xứ Quảng vậy. Biết ảnh thích bánh này nên cứ mỗi dịp tết đến, tôi lại mua để gửi qua Hy Lạp cho ảnh. Lần gần nhất là Tết Nguyên đán năm 2021, tôi nhờ một người quen chuyển bánh tổ đến gia đình anh. Ảnh mừng lắm…”, ông Minh xúc động. “Khi biết tin anh từ trần vào ngày 24.6.2021, tôi buồn lắm… Vậy là món bánh tổ anh không còn thưởng thức được nữa”, ông nói thêm.

Đại tá Võ Văn Minh - người em, người đồng đội luôn trân quý những tài liệu, kỷ niệm về anh hùng Kostas Nguyễn Văn Lập

HOÀNG SƠN

Sinh hoạt đời thường giữa 2 con người xa lạ gắn với thời điểm chiến tranh gian khó càng khiến cho những ký ức dẫu đơn sơ nhưng lại đẹp đẽ biết bao. Cũng mỗi lần tết đến, đại tá Võ Văn Minh lại nhớ kỷ niệm vừa buồn cười vừa thân thương. Số là, vì biết chiến sĩ Kostas Nguyễn Văn Lập lập được công lớn trong chiến đấu nên người dân rất quý mến, tết đến, người dân miền quê xứ Quảng ai cũng muốn mời ông về nhà đãi cơm. Không khước từ được, ông Lập phải ăn từ nhà này đến nhà khác.

“Ảnh ăn nhiều quá, đau bụng không ngủ được. Một bà mẹ biết chuyện, nói để bà trị. Bà mẹ xuống bếp lấy cái thớt bằm thịt, cạo mặt thớt rồi cho vào nước sôi khuấy đều. Anh Lập bưng lên uống, vừa nuốt xong thì nôn thốc nôn tháo. Và hết đau bụng…Phương thuốc của bà mẹ Việt Nam đã khiến anh Lập nhớ mãi. Ảnh bảo, trên thế giới này chẳng ai có thể nghĩ ra được thứ thuốc thần kỳ đó cả”, ông Minh cười bảo.

***

Điều khiến ông Minh ấm lòng nhất là những công trạng của Kostas Nguyễn Văn Lập được Trung ương ghi nhận ít nhiều có sự góp sức từ các tài liệu của ông. Với ông Minh, những lần gặp người đồng đội không khi nào là đủ. Bởi vậy, kể từ lần gặp cuối vào năm 2013 cho đến khi hay tin ông qua đời, ông Minh vẫn mong chờ một ngày gặp lại trước khi cả hai quá già. Hôm 2.8.2022, khi làm lễ truy điệu đón di cốt, ông Minh đã khóc nghẹn khi nghĩ về cuộc đời của người anh, người đồng đội đã hiến dâng cho lý tưởng cách mạng Việt Nam…

Vì sao Kostas Sarantidis có tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập ?

Dù sinh ra ở Hy Lạp nhưng Kostas Sarantidis đã dành gần như trọn tuổi thanh xuân của mình để chiến đấu chống thực dân Pháp tại Việt Nam. Sau gần 20 năm ở Việt Nam, năm 1965, ông trở về Hy Lạp và tiếp tục là cầu nối hữu nghị giữa hai nước. Đại tá Võ Văn Minh cho biết hồi mới vào đơn vị thuộc Trung đoàn 803, trung đoàn trưởng đã gọi Kostas Sarantidis bằng cái tên “Nguyễn Văn Lập” để nhắc nhớ mọi người về một con người gốc Hy Lạp hết lòng vì nhân dân Việt Nam. Cái tên cũng hàm chứa khát vọng độc lập cho đất nước.

Kostas Nguyễn Văn Lập được trao tặng Huân chương Hữu nghị và cấp quốc tịch Việt Nam vào năm 2011. Ông được trao danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2013, trở thành người nước ngoài đầu tiên và duy nhất tới nay nhận danh hiệu cao quý này. Ông qua đời ngày 24.6.2021 ở tuổi 94. Theo di nguyện, tro cốt của ông được đưa từ Hy Lạp đến an táng trên một ngọn đồi tại Nghĩa trang Quân khu 5. Bia mộ ông được khắc trang trọng bằng chữ viết của cả 2 quốc gia Việt Nam - Hy Lạp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.