Chuyện chưa kể về hai danh họa Lê Phổ, Vũ Cao Đàm

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
21/04/2024 07:30 GMT+7

Buổi trò chuyện Câu chuyện lịch sử nghệ thuật của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và nhà Findlay đã hé lộ nhiều điều thú vị về hai danh họa Pháp gốc Việt.

Chương trình do Bảo tàng nghệ thuật Quang San cùng nhà đấu giá Bonhams (Anh) phối hợp tổ chức vào sáng 20.4 tại 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Diễn giả gồm nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi; Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Quang San Nguyễn Thiều Kiên; chuyên viên cấp cao của nhà đấu giá Bonhams Joan Yip. Ngoài ra còn có bà Yunwen Sung, Tổng giám đốc Bonhams Singapore, tham gia điều hành chương trình.

Gặp Lê Phổ và Vũ Cao Đàm ở Pháp

Mở đầu buổi trò chuyện, ông Ngô Kim Khôi kể lại những lần gặp gỡ hai danh họa Lê Phổ và Vũ Cao Đàm ở Pháp. "Tôi là người may mắn khi được tiếp xúc với cả hai danh họa. Trong thời gian tìm hiểu về mỹ thuật Đông Dương, tôi tìm mọi cách để gặp được các họa sĩ Lê Phổ, Vũ Cao Đàm. Thời điểm đó là năm 1998, cả hai ông đều đã nổi tiếng ở Pháp, các tác phẩm được trưng bày và nhiều nhà sưu tập tìm mua. Tôi biết Lê Phổ sống ở quận 15 (Paris) nên đã tìm đến nhà. Mở cửa cho tôi vào là vợ ông - bà Paulette Vaux, phóng viên nổi tiếng của tờ Time khi ấy. Bà xinh đẹp và bặt thiệp. Rồi họa sĩ Lê Phổ xuất hiện với trang phục rất chỉn chu, vui vẻ tiếp tôi. Ông có trí nhớ cực tốt. Bà Paulette cầm máy ảnh chụp tôi và họa sĩ ngay dưới bức tranh của ông treo trong nhà. Tôi có thêm cơ hội gặp danh họa cùng gia đình vài lần trước khi ông mất năm 2001. Năm 2008 tôi gặp lại bà Paulette ở Paris, bà vẫn nhớ và nhắc những lần tôi đến thăm nhà", ông Khôi kể.

Từ trái sang: Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Quang San Nguyễn Thiều Kiên; nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi; chuyên viên cấp cao của nhà đấu giá Bonhams Joan Yip; cô Jessie (thông dịch) và bà Yunwen Sung (Tổng giám đốc Bonhams Singapore) tại buổi trò chuyện

Từ trái sang: Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Quang San Nguyễn Thiều Kiên; nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi; chuyên viên cấp cao của nhà đấu giá Bonhams Joan Yip; cô Jessie (thông dịch) và bà Yunwen Sung (Tổng giám đốc Bonhams Singapore) tại buổi trò chuyện

Đ.T

Cùng năm 1998, ông Ngô Kim Khôi cũng gặp được họa sĩ Vũ Cao Đàm ở vùng Saint Paul de Vence, miền nam nước Pháp. Họa sĩ không thích cuộc sống náo nhiệt ở Paris nên chọn một làng nhỏ sinh sống. "Khác với Lê Phổ, họa sĩ Vũ Cao Đàm sống rất khép kín và kiệm lời, dường như tâm sức ông dồn hết vào tác phẩm. Ông qua đời năm 2000, sau khi gặp tôi chỉ 2 năm", ông Khôi nhớ lại.

Ông Ngô Kim Khôi nhớ lại những lần trò chuyện, hai danh họa đều khắc ghi những năm tháng sống ở VN, thời cùng học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. "Trong tim hai họa sĩ, quê hương luôn hiện hữu và họ đã thể hiện nỗi nhớ đó qua rất nhiều tác phẩm khiến thế giới phải ngả mũ. Vì xa quê từ năm 1937 nên Lê Phổ quên khá nhiều tiếng Việt, ông nói được nhưng rất chậm rãi. Ông quý ông ngoại tôi là họa sĩ Nguyễn Nam Sơn - người cùng họa sĩ Victor Tardieu đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương - nên rất niềm nở gặp tôi. Thầy hiệu trưởng Victor Tardieu cũng rất quý Nam Sơn và Lê Phổ nên đưa tranh của 2 ông triển lãm ở Paris năm 1931", ông Khôi kể tiếp.

Bức ảnh bà Paulette chụp ông Ngô Kim Khôi và họa sĩ Lê Phổ tại nhà riêng

Bức ảnh bà Paulette chụp ông Ngô Kim Khôi và họa sĩ Lê Phổ tại nhà riêng

Đ.T

Vì sao tranh của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm được biết đến nhiều ?

Bà Joan Yip cho biết Findlay Galleries được thành lập vào năm 1870 tại Mỹ, hiện có phòng trưng bày khắp nước Mỹ và quốc tế: Chicago (năm 1931), Palm Beach (1961), New York (1964), Beverly Hills, Los Angeles và Paris (năm 1971), Nhật Bản (1978)…

Findlay Galleries có phần trưng bày Trường phái Paris gồm tác phẩm của những nghệ sĩ Pháp và nghệ sĩ nhập cư làm việc tại Paris. Trong hoàn cảnh đó, những người điều hành đã gặp cả Lê Phổ và Vũ Cao Đàm. Lúc ấy hai họa sĩ đều làm việc ở Paris. Họ gặp nhau thường xuyên để chuẩn bị triển lãm tại các phòng trưng bày trên khắp thế giới. Họ cộng tác như vậy cho đến khi hai họa sĩ qua đời.

Họa sĩ Lê Phổ (trái), họa sĩ Vũ Cao Đàm và bà Paulette

Họa sĩ Lê Phổ (trái), họa sĩ Vũ Cao Đàm và bà Paulette

Đ.T chụp lại

Findlay Galleries bắt đầu mua bán tác phẩm của họa sĩ Lê Phổ từ cuối những năm 1950. Đến giữa những năm 1960, Lê Phổ đồng ý ký hợp đồng độc quyền với Findlay Galleries ở Mỹ và Paris và sau đó giới thiệu bạn mình, Vũ Cao Đàm, ký hợp đồng độc quyền với Findlay.

"Cả hai họa sĩ lúc đầu đều vẽ trên lụa nhưng đã từ bỏ vì khó bảo quản. Ông Wally Findlay, chủ gallery, đề nghị họ sáng tác bằng chất liệu sơn dầu trên vải với khổ lớn hơn, màu sắc tươi sáng hơn. Nhờ có Findlay Galleries, các tác phẩm của Lê Phổ và Vũ Cao Đam được đưa ra thị trường toàn cầu trong 75 năm qua. Tác phẩm của hai danh họa luôn được các bảo tàng, nhà sưu tập, nhà đấu giá đánh giá cao và săn lùng", bà Joan Yip nhận định.

Nhà đấu giá Bonhams đang trưng bày 12 tác phẩm của hai danh họa Lê Phổ, Vũ Cao Đàm tại Hồng Kông (Trung Quốc) với chủ đề Legends of Vietnamese Art from Findlay to Borynack (Huyền thoại nghệ thuật VN từ Findlay đến Borynack) và sẽ đấu giá vào ngày 25.5.2024.

Những bức tranh chục tỉ đồng của 2 danh họa

Tranh Lê Phổ: bức Gia đình trong vườn bán năm 2023 giá 2,37 triệu USD (59,2 tỉ đồng); bức Dáng hình trong vườn bán năm 2022 giá 2,29 triệu USD (57,2 tỉ đồng); bức Khỏa thân bán năm 2019 giá 1,39 triệu USD (34,7 tỉ đồng).

Tranh Vũ Cao Đàm: bức Thiếu nữ mặc áo xanh trong phong cảnh bán năm 2023 giá 910.000 USD (22,7 tỉ đồng); bức Quý bà đang ngồi bán năm 2022 giá 650.000 USD (16,2 tỉ đồng); bức Hai người đàn bà bán năm 2021 giá 510.000 USD (12,7 tỉ đồng); bức Đá gà bán năm 2023 giá 418.000 USD (10,4 tỉ đồng)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.