Anh hùng Núp và đứa bé trên vai
Tôi đọc và hình dung những cây khộp hiên ngang giữa bom đạn, lá to thân thẳng, chở che bộ đội, làm nên bạt ngàn rừng Tây Nguyên. Những cây khộp vươn lên từ khắc nghiệt đá sỏi, khô khốc và thách thức tất cả để ngạo nghễ với trời xanh, với bom đạn nhưng lại hết sức tình nghĩa với con người, với bộ đội.
tin liên quan
Tình nghĩa nhà báo với ngư dân: 'Mày đâu ra biển mà sao tin nhanh thế?'
Và ông Núp nữa. Trời ạ, làm sao mà lại có mối tình đẹp đến thế, mà cái làng Kông Hoa lại kỳ vĩ làm vậy, mà lại có những câu chuyện Tây Nguyên hấp dẫn đến thế. Đến ông Fidel tận xứ Cu Ba còn mê ông Núp, còn gửi xì gà cho ông Núp, còn kết nghĩa anh em với ông Núp mà. Mình dân Việt, yêu văn chương báo chí, không mê ông ấy mới lạ...
Thì đấy là những lý do khiến tôi vừa chớm vào năm thứ 4 lớp văn khóa 1 Đại học Tổng hợp Huế, đã làm đơn xung phong lên Tây Nguyên. Đời trai được mấy, cứ đi tìm những điều mình muốn biết đã. Thực ra, khi ấy cũng chưa nghĩ sau này mình sẽ thành nhà báo nhà văn đâu, nhưng đi theo những hình ảnh, câu chuyện của các nhà văn, nhà báo, thú lắm chứ.
Ngay chiều thứ 2 sau khi đeo ba lô lên Pleiku tôi đã gặp ông Núp. Khi ấy tôi đang đi bộ thám hiểm thị xã. Đi qua con đường rợp bóng cây xanh, tôi thấy một ông cụ có bộ râu cực đẹp, mặc áo vét thắt cà vạt hẳn hoi, nhưng đi dép lê và trên cổ... có một đứa bé.
Đúng lúc tôi đi qua thì đứa bé... tè, ướt từ vai ông cụ xuống. Ông cứ kệ, cái cười rất hiền.
tin liên quan
Nghĩa tình của người làm báo
Và, bất ngờ chưa, ông cụ râu rất đẹp, mặc comple, bị đứa bé tè từ vai xuống tôi gặp chiều hôm trước chính là... anh hùng Núp.
Cây khộp 'chết danh' trong thơ
Còn cây khộp. Tôi có bài thơ được in ở khá nhiều nơi là bài Tháng năm này gió thổi dọc Trường Sơn, trong đấy có câu Những cây khộp già đăm chiêu trong chiều vắng/gió thổi hoài rát ruột lắm gió ơi. Một hôm một đồng nghiệp sinh ra và lớn lên ở Pleiku, gọi điện cho tôi: Ông Hùng ơi, ông phịa vừa thôi, làm quái gì có cây khộp. Chỉ có rừng khộp thôi. Khộp là tên một loại rừng nghèo, nhưng cũng vẫn là rừng dù nó mọc trên đất xấu, rất xấu, đầy sỏi đá. Trên ấy chủ yếu là cây dầu, cỏ tranh và một số loại cây khác. Cũng trên ấy, nhiều loại động vật sinh sống, trong đó có cọp, nai, hươu, thỏ... Muốn biết rừng khộp nó ra làm sao, ông chịu khó xuống vùng Chư Sê ấy, vùng H'bông ấy, toàn rừng khộp.
tin liên quan
Độc đáo lễ cầu mưa ở vùng đất của những ông vua không ngai
Sự thật về rừng xà nu
Riêng xà nu, thì ngay khi học đại học ở Huế tôi đã biết nó là cây... thông ba lá, rừng xà nu là rừng thông. Và tưởng ai cũng biết như mình, vì nó có được dạy trong sách giáo khoa. Thế mà cách đây... 5 năm, trên đường lên Đăk Glây cùng mấy đồng nghiệp ở Báo Mực tím làm phim về ông Mết, nhân vật trong rừng xà nu, có mấy cô giáo cấp 3 khá nổi tiếng vì dạy giỏi gọi điện ới theo: Anh nhớ chụp ảnh cây xà nu về cho chúng em có hình ảnh dạy học trò, cho chúng biết thế nào là cây xà nu chứ dạy chay mãi chán lắm.
Trời ạ, cả Pleiku khi ấy là một rừng... xà nu, tức là cây thông ấy ạ. Giờ nó, về cơ bản là đã được chặt xong. Mà chả cứ thông ở Pleiku, lần ấy chúng tôi tìm về lại cái làng Xô Man thuở nào, nó đã di chuyển đến mấy nơi. Và điều đáng nói là, nó trơ trọi giữa nắng chứ chả có một bóng xà nu nào nữa, dẫu, năm 1982, khi lần đầu lên đây, ngủ dậy sáng ra suối rửa mặt, tôi đã hết sức kinh ngạc khi ngoáy mũi ra những cục than đen ngòm. Mãi rồi mới có anh bộ đội biên phòng giải thích: Tối qua anh ngủ ở nhà dân, bà con thắp nhựa ngo thay đèn. Ngo chính là nhựa xà nu, tức thông. Mà loại này muội rất nhiều. Ra thế...
Và đành phải nói thật, cho đến năm ngoái, vẫn có những người bạn tôi, giáo viên văn, chưa biết cây xà nu là cây gì, cứ dạy theo sách thế thôi...
Tôi lan man mấy chuyện trên để thấy rằng, làm nhà báo cũng cần phải lăn lộn, cần phải va đập một tí, dù chỉ để biết cây xà nu là cây thông, khộp là một dạng rừng thưa chứ không phải cây khộp. Và ông Núp, dẫu là anh hùng bước cả vào trang sách làm mê đắm bao thế hệ thì cũng chỉ là một cụ già chân chất, để cháu tè trên vai áo, cứ thế mà bước đi...
Bình luận (0)