Chuyển cơ quan điều tra 40 vụ việc về mua sắm phòng, chống dịch Covid-19

05/01/2023 17:34 GMT+7

Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra kiến nghị chuyển tổng cộng 40 vụ việc về mua sắm phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa đăng tải tài liệu phục vụ hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành thanh tra. Dự kiến, hội nghị được tổ chức vào ngày mai 6.1.

Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra kiến nghị chuyển tổng cộng 40 vụ việc về mua sắm phòng, chống dịch cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý

CDC TP.HCM

Chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra

Theo tài liệu từ TTCP, năm 2022, toàn ngành đã triển khai hơn 8.500 cuộc thanh tra hành chính và hơn 222.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và phát hiện vi phạm về kinh tế gần 86.000 tỉ đồng, 8.777 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi hơn 26.000 tỉ đồng và 574 ha đất, chuyển cơ quan điều tra xem xét và xử lý 451 vụ, 295 đối tượng.

Đáng chú ý là kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

TTCP đã thành lập 3 đoàn thanh tra tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra chuyên đề nêu trên.

Đến nay 9/20 bộ, ngành và 61/63 tỉnh, thành phố thành lập đoàn thanh tra; đã thanh tra 21.383 gói thầu (đạt 59,23%) với tổng giá trị 15.475 tỉ đồng (đạt 59,36 %).

Kết quả thanh tra cho thấy công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế được các đơn vị thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định tại luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014 và Thông tư 58/2016 của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, quá trình mua sắm có nhiều thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đầu thầu và thực hiện hợp đồng mua sắm. Việc này diễn ra ở nhiều địa phương, với 54/61 tỉnh, thành và 4.992/15.909 gói thầu vi phạm. Trong đó, một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Từ kết quả trên, cơ quan thanh tra đã kiến nghị chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Riêng TTCP chuyển 16 vụ việc, thanh tra bộ và thanh tra tỉnh chuyển 24 vụ việc.

Cơ quan thanh tra còn kiến nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách; đồng thời kiến nghị tổ chức kiểm điểm, xử lý, thu hồi các khoản tiền do vi phạm, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được chỉ ra.

Xuất hiện chủng Covid-19 mới, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo tiêm vắc xin

Có địa phương 100% gói thầu vi phạm

Vẫn theo số liệu từ TTCP, kết quả thanh tra về mua sắm phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy nhiều địa phương có số gói thầu vi phạm cao như: Hà Tĩnh và Đà Nẵng 100%, Hải Phòng 95,8%, Quảng Trị 95,2%, Bình Thuận 90,7%, Cần Thơ 89,3%...

Trong số 16 vụ việc được TTCP chuyển sang cơ quan điều tra, có 2 vụ việc chuyển hồ sơ (việc mua sắm 2 gói thầu vật tư y tế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM) và 14 vụ việc chuyển thông tin (tại Bộ Y tế 3 vụ việc, tại Hà Nội 6 vụ việc, tại TP.HCM 5 vụ việc).

Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, TTCP đã lần lượt ban hành thông báo kết luận thanh tra về công tác mua sắm phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM và Bộ Y tế.

Tại TP.HCM, cơ quan thanh tra chỉ ra hàng loạt thiếu sót trong việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Đặc biệt, TTCP kiến nghị chuyển đến Bộ Công an hồ sơ 2 gói thầu mua khẩu trang y tế, trang phục phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM làm chủ đầu tư, có dấu hiệu vi phạm về đấu thầu gây thiệt hại hơn 6,3 tỉ đồng.

Đồng thời, chuyển thông tin các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường, xảy ra tại các gói thầu do sở y tế và 4 bệnh viện lớn tại TP.HCM làm chủ đầu tư, với tổng số tiền chênh lệch lên tới gần 80 tỉ đồng.

Tại Bộ Y tế, ngoài các vi phạm trong công tác mua sắm chống dịch, TTCP kiến nghị chuyển thông tin sang Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định đối với 3 vụ việc.

Thứ nhất là việc thẩm định, phê duyệt giá gói thầu và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ Y tế đối với một số gói thầu (hệ thống nội soi phế quản, model CV-170 của hãng Olympus; máy X-quang di động kỹ thuật số, model FDR Nano/DR-XD1000 của hãng Fujifim) có dấu hiệu vi phạm điều 360 bộ luật Hình sự năm 2015.

Thứ hai là việc mượn hàng hóa, mua sắm của Viện Pasteur TP.HCM trong giai đoạn 2020 - 2021 có dấu hiệu vi phạm điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015; trong đó có một số doanh nghiệp cho Viện Pasteur TP.HCM mượn hàng hóa, nhập khẩu hàng dùng nghiên cứu khoa học (RUO), dùng trong phòng thí nghiệm (LUO).

Thứ ba là việc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng nhiều gói thầu của các bệnh viện thuộc Bộ Y tế với quy mô và giá trị lớn. Sau khi trúng thầu, công ty không trực tiếp mua từ đơn vị nhập khẩu hoặc đơn vị ủy quyền mà mua qua nhiều đơn vị trung gian để cung cấp cho các bệnh viện, dẫn đến giá thiết bị y tế bị nâng cao (đa số đơn giá trong hợp đồng của công ty với các bệnh viện cao gấp 2 - 3,1 lần đơn giá nhập khẩu sau thuế). Hành vi này có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để nâng giá bán cao bất thường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.