16 nguyên nhân dẫn tới loạt vi phạm mua sắm chống dịch tại Bộ Y tế

02/01/2023 10:24 GMT+7

Thanh tra Chính phủ nêu 16 nguyên nhân, gồm cả khách quan và chủ quan, dẫn tới hàng loạt vi phạm trong công tác mua sắm chống dịch tại Bộ Y tế .

Trong thông báo kết luận thanh tra mới được ban hành, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra nhiều vi phạm về mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế.

Theo cơ quan thanh tra, Bộ Y tế chưa làm tốt công tác thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; ban hành một số văn bản không rõ ràng; chỉ đạo, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế còn chậm…

Tại các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, TTCP cũng phát hiện việc lãng phí nguồn vốn khi mua sắm chống dịch với số tiền hàng tỉ đồng, một số gói thầu có dấu hiệu bất thường…

Mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch là vấn đề được dư luận quan tâm suốt thời gian qua

t.n

TTCP cho hay, để xảy ra tình trạng trên có 16 nguyên nhân từ phía Bộ Y tế, bao gồm cả khách quan và chủ quan.

Về khách quan, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, ngành y tế phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp. Nhiều quy định hiện hành chưa bao quát hết các tình huống ứng phó dịch bệnh, quy định về mua sắm trang thiết bị y tế còn bất cập dẫn đến những hạn chế, sai sót về trình tự, thủ tục khó tránh khỏi.

Thiết bị, vật tư y tế là loại hàng hóa đặc thù, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, công nghệ luôn thay đổi… nên công tác quản lý gặp khó khăn, cơ quan quản lý chưa theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Dịch bệnh bùng phát trên quy mô toàn cầu dẫn đến nguồn hàng cung ứng trở nên khan hiếm, giá cả biến động liên tục trong thời gian ngắn, gây khó khăn trong công tác mua sắm.

Thêm vào đó, luật Đấu thầu chưa quy định cụ thể thế nào là “trường hợp cấp bách” nên khi xảy ra dịch chưa có sự nhất quán trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Cùng đợt mua sắm, có gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, có gói thầu áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp hoặc đấu thầu rộng rãi.

Về chủ quan, TTCP cho rằng việc phối hợp giữa các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Y tế trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc chữa bệnh còn chưa chặt chẽ, chưa phát huy được hiệu quả cao.

Bộ Y tế nhận được văn bản của Viện Pasteur TP.HCM báo cáo về việc “mượn hàng” của các doanh nghiệp và “sẽ hoàn trả bằng hàng khi có kinh phí và có kết quả lựa chọn nhà thầu” nhưng không có ý kiến chỉ đạo cụ thể, dẫn đến việc vi phạm của viện kéo dài trong 2 năm 2020 - 2021.

Đặc biệt, tại thời điểm thanh tra, hầu hết các bệnh viện vẫn đang thực hiện đấu thầu mua hóa chất, công ty trúng thầu hóa chất đặt máy hoặc cho mượn máy để làm xét nghiệm. Thực tế, hình thức này không có trong quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công, nhưng cũng không phải là hình thức bị cấm.

Vấn đề nảy sinh giữa BHXH Việt Nam và ngành y tế là về thanh toán dịch vụ kỹ thuật đối với hình thức nêu trên. Thế nhưng, gần 4 năm qua, Bộ Y tế chưa tham mưu, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về quyền tự chủ trong liên doanh, liên kết, góp vốn, thuê tài sản để thực hiện các hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu xã hội của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Một nguyên nhân khác, công tác quản lý giá trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm của Bộ Y tế còn chưa chặt chẽ, chưa có quy định cụ thể trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh lúng túng trong việc thực hiện, xảy ra sai sót, vi phạm.

Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước duy nhất cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế cho các doanh nghiệp, nhưng chưa kịp thời có các biện pháp công khai thông tin về các doanh nghiệp được cấp phép. Điều này dẫn tới các địa phương, cơ sở y tế không có thông tin hoặc không tiếp cận được thông tin doanh nghiệp để gửi báo giá phục vụ xây dựng giá kế hoạch mua sắm.

Đây cũng là lý do chính dẫn đến các doanh nghiệp gửi báo giá để làm cơ sở tham khảo xây dựng giá kế hoạch mua sắm hầu hết không phải là doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp. Khi trúng thầu, các cơ sở y tế đều mua qua doanh nghiệp trung gian hoặc mua lại của doanh nghiệp đã được Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu, khiến giá thiết bị thường cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu sau thuế.

TTCP kiến nghị chuyển thông tin sang Bộ Công an để xem xét, xử lý 3 vụ việc:

Thứ nhất là việc thẩm định, phê duyệt giá gói thầu và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ Y tế đối với một số gói thầu (hệ thống nội soi phế quản, model CV-170 của hãng Olympus và Máy X-Quang di động kỹ thuật số, model FDR Nano/DR-XD1000 của hãng Fujifim) có dấu hiệu vi phạm điều 360 bộ luật Hình sự năm 2015.

Thứ hai là việc mượn hàng hóa, mua sắm của Viện Pasteur TP.HCM trong giai đoạn 2020 - 2021 có dấu hiệu vi phạm điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015; trong đó có một số doanh nghiệp cho viện mượn hàng hóa, nhập khẩu hàng RUO, LUO.

Thứ ba là việc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc mua bán trang thiết bị y tế qua nhiều trung gian, làm tăng giá khi bán cho các bệnh viện, có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để nâng giá bán cao bất thường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.