Phó tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Văn Minh vừa ký ban hành thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, kit xét nghiệm, vắc xin… chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế.
Thời kỳ thanh tra từ 1.1.2020 đến 31.12.2021, là giai đoạn dịch bùng phát mạnh, tác động nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe người dân và kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch là vấn đề được dư luận quan tâm suốt thời gian qua |
t.n |
Ngoài việc chỉ ra các thiếu sót tại Bộ Y tế và kiến nghị chuyển hồ sơ 3 vụ việc sang Bộ Công an, TTCP còn đề cập đến hàng loạt vi phạm trong công tác mua sắm chống dịch tại nhiều bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.
Nhà thầu nhận lại máy, trả lại tiền
Ngày 22.3.2020, Bộ Y tế có quyết định số 1310, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm trang thiết bị y tế đối với Bệnh viện T.Ư Cần Thơ.
Kết quả thanh tra xác định, quá trình thực hiện, bệnh viện triển khai 18 gói thầu, có một số dấu hiệu bất thường. Trong đó, 2 gói thầu số 07 (mua 1 hệ thống ECMO trị giá gần 3,5 tỉ đồng) và 18 (mua 2 máy điện tim trị giá hơn 125 triệu đồng) vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Sau khi TTCP gửi dự thảo kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng, Bộ Y tế và Bệnh viện T.Ư Cần Thơ có văn bản giải trình, bổ sung.
Theo đó, với gói thầu số 07, nhà thầu không nhập khẩu được phụ kiện theo đúng xuất xứ hợp đồng đã ký. Từ yêu cầu của phía bệnh viện, nhà thầu đã khắc phục bằng việc nhận lại máy và hoàn trả toàn bộ số tiền được thanh toán. Đến nay, bệnh viện đã nộp vào ngân sách nhà nước gần 3,5 tỉ đồng.
Với những gói thầu còn lại, các nhà thầu có đề nghị và đã nộp vào ngân sách nhà nước phần lợi nhuận thu được với tổng số tiền hơn 4 tỉ đồng, bao gồm toàn bộ kinh phí gói thầu số 18 là hơn 125 triệu đồng.
TTCP kiến nghị Bộ Y tế kiểm tra, chịu trách nhiệm về tính xác thực đối với báo cáo của Bệnh viện T.Ư Cần Thơ và việc khắc phục, thực hiện của nhà thầu đối với các gói thầu nêu trên, trường hợp có vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định.
Đồng thời, Bộ Y tế cần chỉ đạo chấn chỉnh quản lý, xem xét, xử lý hành chính nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến gói thầu mua sắm trang thiết bị có sai phạm tại bệnh viện này.
Lãng phí nguồn vốn mua sắm hàng tỉ đồng
Vẫn theo kết quả thanh tra, ngày 1.8.2021, Bộ Y tế có quyết định số 3658, giao Bệnh viện K mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch với kinh phí bổ sung hơn 1.150 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, việc mua sắm chưa được thực hiện, có thể ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Ngoài ra, 2 gói thầu thiết bị TB03, TB04 thuộc dự án hỗ trợ kỹ thuật “ứng phó khẩn cấp đại dịch Covid-19 của Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới viện trợ tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư có sai sót, vi phạm về trình tự thủ tục thực hiện, hồ sơ dự thầu; giá trị dự toán, nghiệm thu lắp đặt sai quy định với tổng số tiền 311 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hầu hết danh mục hàng hóa nhập khẩu trong các hợp đồng vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm tại 5 đơn vị khi nhận đều không có đầy đủ các tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu…
TTCP kiến nghị Bộ Y tế xử lý theo quy định đối với các sai sót tại 2 gói thầu thuộc dự án hỗ trợ kỹ thuật “ứng phó khẩn cấp đại dịch Covid-19 của Việt Nam” do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư làm chủ dự án.
Các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành y tế khi nhận hàng hóa nhập khẩu là vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm,... từ nhà thầu phải có đầy đủ tài liệu hợp pháp để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu.
Bộ Y tế cũng cần chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm và thuốc chữa bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện tồn tại nếu có.
Nhập nhằng hàng RUO và LUO
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hàng nhập khẩu dùng nghiên cứu khoa học (RUO) và dùng trong phòng thí nghiệm (LUO) chỉ được sử dụng cho nghiên cứu và thí nghiệm, không được sử dụng trong lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, TTCP phát hiện 7/13 viện, bệnh viện thuộc Bộ Y tế sử dụng hàng RUO và hàng LUO không đúng mục đích theo hướng dẫn nêu trên.
Sau khi TTCP gửi dự thảo kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng, Bộ Y tế có văn bản khẳng định trong giai đoạn dịch Covid-19, sinh phẩm RUO, LUO được sử dụng chẩn đoán SARS-CoV-2 là đảm bảo chất lượng xét nghiệm, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về khẳng định này.
Dù vậy, TTCP cho rằng, Bộ Y tế không kịp thời điều chỉnh quy định, hướng dẫn việc quản lý cấp phép nhập khẩu hàng RUO, LUO. Do đó, việc thực hiện của đơn vị sử dụng và doanh nghiệp nhập khẩu không đúng với các văn bản Bộ Y tế đã ban hành trước đó gửi Tổng cục Hải quan.
TTCP kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh báo cáo, tổng hợp số liệu hàng RUO, LUO đã mua sắm sử dụng; phối hợp với Bộ Tài chính chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm các doanh nghiệp nhập khẩu hàng RUO, LUO trực tiếp hoặc bán cho doanh nghiệp khác cung cấp cho các cơ sở y tế sử dụng trong lĩnh vực y tế không đúng mục đích sử dụng.
Bình luận (0)