Những thành kiến của Trần Nguyên Hãn
Đọc lại các sử liệu hiện còn về Trần Nguyên Hãn, ta dễ dàng nhận ra một điểm: Trần Nguyên Hãn không phục Lê Lợi. Tang thương ngẫu lục viết: Trần Nguyên Hãn ngủ đêm ở đền Lý Ông Trọng, nghe được chuyện thượng đế cho Lê Lợi làm vua, Lê Trãi (tức Nguyễn Trãi) làm tôi. Ông bèn đi tìm Nguyễn Trãi để thuật lại. Nguyễn Trãi đến đền đó để hỏi lại, thì thần bảo sang hỏi ở đền bà chúa Tiên Dung. Tiên Dung cũng nói như thế. Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi bèn vào Lam Sơn tìm Lê Lợi. Khi đến nơi thì “thấy Thái Tổ đương mặc áo nâu ngắn, vác bừa xua bò từ ngoài ruộng về. Vào ở mấy hôm, nhân gặp ngày giỗ, Thái Tổ giết lợn làm cỗ. Ông [tức Nguyễn Trãi] xuống bếp đun nấu. Thấy Thái Tổ cầm dao cắt thịt, vừa cắt vừa ăn, ông bảo riêng với ông Trần [Nguyên Hãn] rằng: “Bà Tiên Dung nói dối ta”. Hai người bèn bỏ về đền Tiên Dung đòi vàng lại. Tiên Dung báo mộng, giải thích rằng vì sao trên trời chưa giáng nên mới như thế. Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn quay lại Lam Sơn lần nữa, thấy Lê Lợi đêm nằm đọc binh thư, mới đẩy cửa bước vào xin quy thuận. Điều đó cho thấy ấn tượng ban đầu của Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi về Lê Lợi là rất xấu, chẳng những tướng mạo tầm thường (áo nâu, vác cày, xua bò), mà hành vi còn lỗ mãng (vừa cắt thịt vừa ăn vụng). Đương nhiên, về sau Nguyễn Trãi đã có sự đánh giá khác đi. Nhưng Trần Nguyên Hãn thì vẫn thế.
Trần Nguyên Hãn cứ giữ mãi ấn tượng tiêu cực về tướng mạo của Lê Lợi. Ông từng nhận xét Lê Lợi “có tướng như Việt vương”. Sử ký, Việt vương Câu Tiễn thế gia có nói: Phạm Lãi gửi thư cho Đại phu Chủng rằng: “Vua Việt là người cổ dài, miệng diều hâu có thể cùng lo lúc hoạn nạn, nhưng không thể cùng vui sướng với ông ta”. Tướng như Việt vương Câu Tiễn tức cũng là người ăn cháo đá bát, giết hại công thần.
... Tiên tri có hai loại. Loại thứ nhất là thấy trước sự việc chưa phát sinh, đó mới là tiên tri. Loại thứ hai là dự đoán sự phát sinh của một sự việc, rồi bị ám ảnh về điều đó, liên tục hành xử theo hướng đó cho đến khi biến cố thực sự xảy ra, gọi là lời tiên tri tự ứng nghiệm. Lời tiên tri tự ứng nghiệm nghĩa là tự mình tạo ra kết cục mà mình đã dự đoán một cách vô thức. Trần Nguyên Hãn rơi vào trường hợp đó. Ông tự mình nhận xét tiêu cực về Lê Lợi. Việc đó mà lọt ra ngoài đến tai vua (thực tế đã lọt ra thật) thì liệu ông có còn được Thái Tổ tín nhiệm nữa không? Tất nhiên là không. Người ta nói vạ từ miệng mà sinh ra. Điều này là nói về trường hợp của Trần Nguyên Hãn.
Tự làm tự chịu
Trần Nguyên Hãn đã mặc nhiên nghĩ rằng Lê Lợi là người xấu. Trần Nguyên Hãn tự ý “làm nhiều nhà cửa, xây bằng gạch hoa và đóng thuyền chở binh khí”. Thế mà, khi Lê Thái Tổ sai lực sĩ xá nhân đến “bắt về hỏi tội”, Trần Nguyên Hãn đã vội kết luận rằng: “Tôi với vua cùng mưu cứu dân. Nay việc nghĩa lớn đã hoàn thành, vua lại muốn giết tôi, hoàng thiên có biết xin soi xét cho”. Trần Nguyên Hãn không nhận thấy việc xây nhà, đóng thuyền của mình là vi phạm quốc pháp, gieo sự nghi ngờ mà vội vàng chụp mũ Lê Lợi muốn giết mình, còn kêu gào ông trời phân xử. Lê Anh Chí đã chỉ ra một chi tiết thú vị: Trần Nguyên Hãn vừa dứt lời, trời liền nổi sóng dìm chết Trần Nguyên Hãn!
Nhìn lại ngôn hành của Trần Nguyên Hãn thì thấy chính ông cũng là một trong những nguồn gây ra cái chết của bản thân. Chính Trần Nguyên Hãn tự gieo rắc những nhận xét tiêu cực về Lê Lợi, qua đó làm xói mòn uy tín của chính mình. Những lời nhận xét đó nếu không khơi lên mối hiềm nghi trong lòng Lê Thái Tổ thì chí ít cũng làm trầm trọng thêm sự nghi ngờ đó. Hậu quả của việc vua tôi cùng tích lũy nghi ngờ lẫn nhau là mối quan hệ giữa hai bên sẽ đổ vỡ vào một ngày đẹp trời nào đấy. Mối quan hệ quân thần một khi đã tan vỡ, người chịu thiệt duy nhất chính là người làm thần tử. Đương nhiên, nói đi thì phải nói lại, Trần Nguyên Hãn không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm, cũng chưa chắc đã là người chịu trách nhiệm chính. Mối quan hệ quân thần giữa ông và Lê Thái Tổ sở dĩ tan vỡ, còn do một nguyên nhân chính trị sâu xa khác.
Lời trần thuật về vụ án này ghi trong Đại Việt thông sử, truyện Trần Nguyên Hãn, cũng như trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt sử cương mục tiết yếu là xuất xứ từ một tư liệu thời nhà Mạc - bộ Lê triều khiếu vịnh thi tập của Hà Nhậm Đại. Trong phần thơ vịnh Trần Nguyên Hãn, Hà Nhậm Đại có nói đến một chi tiết mà Lê Quý Đôn về sau đã cắt bỏ. Đó là, “đến khi Thái Tổ lên ngôi, Trần Cảo bị giết, Hãn rất bất bình”, mới nói Lê Lợi có tướng như Việt vương. Vậy Trần Cảo là ai?
(Trích từ sách Mật bổn - những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại, do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành).
Bình luận (0)