Tinh thần này xuyên suốt chuyến thăm kéo dài 4 ngày của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi quá nửa hoạt động của người đứng đầu Chính phủ tại "xứ sở kim chi" đều dành ưu tiên cho lĩnh vực kinh tế.
Không chỉ vậy, hình ảnh về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam cũng được quảng bá tới bạn bè Hàn Quốc - một trong những nước có lượng khách du lịch tới Việt Nam lớn nhất hiện nay. Đúng như đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm "có ý nghĩa quan trọng, chương trình phong phú, nội dung sâu rộng, kết quả thực chất".
Biểu tượng quan hệ Việt - Hàn
Trong 4 ngày của chuyến thăm chính thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc dày đặc 34 hoạt động với chính giới, giới kinh tế, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức hữu nghị, tổ chức phi chính phủ...
Các cuộc hội đàm với Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo, hội kiến Tổng thống Yoon Suk Yeol, Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik đều mang lại kết quả quan trọng. Phía Hàn Quốc đã dành sự đón tiếp thân tình, trọng thị và chu đáo cho đoàn đại biểu Việt Nam.
Lãnh đạo hai nước nhất trí quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, đang tiến triển rất nhanh kể từ khi nâng cấp quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị ngoại giao, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa, du lịch, lao động, giao lưu nhân dân trên các lĩnh vực hợp tác mới... Các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước đã ký kết 40 văn bản hợp tác trong các lĩnh vực.
Thủ tướng hội đàm với Thủ tướng Hàn Quốc, hội kiến Chủ tịch Hàn Quốc
NHẬT BẮC
Trong các bài phát biểu, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với "kỳ tích sông Hàn". Ông nhiều lần nhấn mạnh đến 5 điểm tương đồng lớn giữa 2 nước: tương đồng lịch sử, có sự giao lưu văn hóa từ hơn 800 năm trước. Tương đồng về khát vọng phát triển đất nước thông qua hội nhập và mở cửa; tương đồng về cách suy nghĩ nên dễ đồng cảm; tương đồng trong giao lưu nhân dân với mối quan hệ thông gia ngày càng gắn kết; tương đồng về khát vọng đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, thế giới.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan hệ hợp tác đã có những bước phát triển vượt bậc với "8 điểm hơn": tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác thương mại khởi sắc hơn; đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh hơn; hợp tác lao động mở rộng hơn; hợp tác du lịch phục hồi mạnh mẽ hơn; hợp tác giữa các địa phương gắn kết, thực chất hơn; hợp tác khoa học công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu tiến triển hơn; hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế chặt chẽ hơn.
Cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần triển khai các dự án hợp tác quy mô lớn với điều kiện ưu đãi đặc biệt, các công trình biểu tượng cho quan hệ hai nước. Ông đề nghị thúc đẩy các khoản vay thông qua Quỹ Xúc tiến phát triển kinh tế (EDPF) trị giá 2 tỉ USD và điều kiện vay không ràng buộc đối với các khoản vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) 2 tỉ USD để phát triển hạ tầng chiến lược như xây dựng tuyến đường sắt cao tốc.
Trao đổi với các doanh nghiệp và các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về bán dẫn, AI, Thủ tướng cũng kêu gọi thúc đẩy đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực này.
Các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đã thông báo hàng loạt kế hoạch tăng vốn, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trị giá nhiều tỉ USD. Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong cho biết sẽ đầu tư mạnh trong 3 năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của tập đoàn trên toàn cầu. Lãnh đạo tập đoàn LG cũng dự kiến giải ngân thêm 3 tỉ USD trong 5 năm tới; Tập đoàn Hyosung cam kết "đặt tương lai 100 năm tới ở Việt Nam", xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data Center) với tổng vốn 300 triệu USD tại TP.HCM…
Những thông điệp của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu ra được đối tác Hàn Quốc đánh giá rất cao. Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Dukgeun bày tỏ ấn tượng và chia sẻ về phương châm "3 cùng" - cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Từ phim Hàn Quốc, K-Pop đến hợp tác văn hóa
Việt Nam hiện thuộc nhóm dẫn đầu trong số những nước phái cử lao động sang Hàn Quốc (khoảng 66.000 lao động), trong khi số lượng lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam cũng tăng nhanh hàng năm (gần 20.000 lao động), đứng đầu và chiếm trên 16% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc được đánh giá cần cù, chăm chỉ, tay nghề cao.
Chia sẻ với Thủ tướng, anh Lê Văn Huy (35 tuổi, Hà Nội) cho biết sau 12 năm lao động đã nhập quốc tịch Hàn Quốc và thành công với nhà hàng bún chả tại nước này. Còn theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, nhiều lao động tại Hàn Quốc đã trở thành "ông chủ". Việt Nam có lợi thế nhân lực trẻ và nhiều nhân lực chất lượng cao, trong khi Hàn Quốc đang già hóa dân số, đây là cơ hội để 2 nước bổ trợ lẫn nhau.
Tại diễn đàn Xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng phim Hàn Quốc, K-Pop được người Việt Nam yêu thích và cho rằng, hình mẫu thành công của văn hóa Hàn Quốc là kinh nghiệm cho việc phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam tới đây. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị đưa hợp tác văn hóa và du lịch Việt Nam - Hàn Quốc lên một tầm cao mới, tạo ra giá trị, xung lực mới cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Lãnh đạo Hàn Quốc cũng khẳng định sẽ thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp văn hóa.
Đặc biệt, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc Jang Mi-ran, hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa hai nước đã đạt đến mức đáng kinh ngạc. Chỉ tính riêng năm ngoái đã có khoảng 3,6 triệu lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam. Tính bình quân, cứ 10 người nước ngoài đến Việt Nam thì có 3 người Hàn Quốc. Đây là "mỏ vàng" về du lịch có thể được khai thác mở rộng trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị phía Hàn Quốc đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực và tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc; tăng cường hợp tác giữa các địa phương hai nước, triển khai hiệu quả cơ chế "Gặp gỡ Hàn Quốc" tại các địa phương…
"Làng Việt Nam tại Hàn" và những gia đình đa văn hóa
Năm 1226, hoàng tử Lý Long Tường - con trai của vua Lý Anh Tông, vị vua thứ 6 của Nhà Lý (Việt Nam), sau khi đến Hwa-san, tỉnh Hwanghae (Hàn Quốc) đã được vua Cao Ly phong là Hoa Sơn Quân để công nhận công lao trong cuộc chiến với Mông Cổ. Con trai thứ hai của hoàng tử Lý Long Tường là Ilcheong đã xuống Andong Busan và định cư ở Bong-hwa. Làng Bong-hwa giờ đây là nơi lưu lại những di tích của dòng họ Lý Việt Nam hiện diện ở Hàn Quốc.
Thủ tướng có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Quốc gia Seoul và đến thăm gia đình Việt - Hàn tại tỉnh Gyeonggi trước khi về nước
NHẬT BẮC
Trong bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Quốc gia Seoul, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại "mối lương duyên" gắn bó 800 năm giữa hai nước. Dự án Làng Việt tại Bong-hwa dự kiến được xây dựng trong 10 năm với kỳ vọng hình thành các khu di tích lịch sử nhà Lý Việt Nam, trung tâm trải nghiệm nội dung lịch sử và văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam…
Quan hệ 2 nước không chỉ là đối tác mà đã trở thành "thông gia" đặc biệt với 80.000 gia đình đa văn hóa Hàn - Việt. Cộng đồng gần 300.000 công dân Việt Nam tại Hàn Quốc và 200.000 công dân Hàn Quốc tại Việt Nam là yếu tố thuận lợi tạo sự gắn kết tự nhiên, chặt chẽ và cùng có lợi, qua đó phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, thực chất giữa hai nước.
Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân Hàn Quốc tiếp tục dành tình cảm cho Việt Nam, "đã yêu quý rồi thì yêu quý nhiều hơn nữa", chuyển tình cảm này thành những hành động, dự án, chương trình hợp tác cụ thể, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, biến "giấc mơ Việt Nam và giấc mơ Hàn Quốc" thành hiện thực.
Bình luận (0)