Người “mang mưa đến Trường Sa”
Nhập ngũ năm 1981, thượng tá, NSƯT Hoàng Nguyên, nguyên Phó đoàn nghệ thuật Hải quân, có thể là một trong những người đến Trường Sa nhiều nhất, với 30 lần đi biểu diễn tại đây.
Chuyến đi Trường Sa đầu tiên của Hoàng Nguyên vào tháng 4.1982, khi anh vừa trở thành văn công hải quân với quân hàm binh nhất. Đội văn công 7 người phải đi một tuần bằng tàu vận tải từ Hải Phòng vào Cam Ranh bốc hàng, rồi mới đi tiếp Trường Sa.
“Gọi là văn công đi diễn, nhưng toàn hát mồm, không loa máy, chỉ có guitar gỗ và một kèn clarinet. Lên các đảo, cứ bộ đội ở đâu thì văn công đến hát ở đó, đêm thì diễn ở các vọng gác, ụ pháo. Lính đảo muốn thấy mặt diễn viên thì bật đèn pin soi vài giây rồi tắt để tiết kiệm”, anh kể.
|
Năm sau, văn công hải quân có loa tay, bộ đội đảo đã nghĩ ra cách dùng vỏ hộp thịt đổ dầu khêu bấc làm đèn để nhìn rõ diễn viên.
Chuyến đi lịch sử nhất của Hoàng Nguyên là vào tháng 4.1988, sau sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma chỉ vài tuần, khởi hành ngày 19.4, đến 9.6 mới về. Anh kể: “Chúng tôi đi hết 21 điểm đảo, 33 điểm đóng quân. Đoàn công tác được phát súng AK, 5 chiến sĩ văn công cũng mỗi người một khẩu, tất cả phải tập bắn trên hành trình đi biển. Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu văn công được hát với 2 chiếc ampli liền loa hiệu Yamaha.
Hồi đó ca khúc về biển đảo không nhiều, chúng tôi hay hát những bài như Mưa Trường Sa, Nếu em tới thăm đảo, Lời Tổ quốc, Trái tim người chiến sĩ. Hôm đoàn đến bãi Thuyền Chài, bọn mình dùng xuồng cao su đón anh em ra tàu xem văn công. Diễn đến điểm cuối thì đã 9 giờ tối, bỗng có tiếng người gọi dưới mép nước, hóa ra anh em từ hai điểm kia vừa bơi, vừa lội đến để được xem thêm, và văn công diễn lại từ đầu”.
|
“Một năm, khi đến đảo An Bang, anh em hỏi sao không có trống, bọn mình bảo không mang được vì cồng kềnh, lính bảo năm sau đoàn ra sẽ có. Năm sau ra đã thấy một bộ trống 5 chiếc họ làm bằng tôn, bạt để chúng tôi biểu diễn. Bộ trống ấy bây giờ còn trưng bày trong Bảo tàng Hải quân”, NSƯT Hoàng Nguyên nhớ lại. Anh kể mình còn được lính đảo gọi là “người mang nước đến Trường Sa” vì “từ năm 1988, mình hay hát bài Mưa Trường Sa của Xuân An, nhiều lần hát xong thì trời mưa. Nhớ nhất là năm 2000, ở đảo Sinh Tồn Đông, vừa hát hết bài ấy thì mưa to, nước ngập cả chiến hào khiến anh em phải tát ra. Đến chuyến cuối cùng trước khi nghỉ hưu năm 2017, là chuyến thứ 30 thì hát xong Mưa Trường Sa ở đảo Đá Lớn, trời cũng mưa!”.
|
Một phần máu thịt đời mình
Trong lần đi Trường Sa năm 1996, người viết bài đồng hành cùng các nghệ sĩ Đoàn văn công Hải quân, trong đó có nữ ca sĩ Thu Lan. Đến thời điểm ấy, nữ ca sĩ xinh đẹp đã có hơn 10 lần đến Trường Sa và được mệnh danh là một trong những phụ nữ Việt Nam đến Trường Sa nhiều nhất.
Ngay sau chuyến đi ấy, Thu Lan đã được Trung ương Đoàn tặng Huy chương Vì thế hệ trẻ và được tham gia hành trình của Tàu Đông Nam Á. Nay chị đã về hưu với quân hàm trung tá nhưng với 15 lần đi diễn ở Trường Sa, có thể chị vẫn là nữ nghệ sĩ đã biểu diễn ở Trường Sa nhiều nhất.
|
tin liên quan
Hoàng Sa - máu thịt Việt không thể cắt rờiĐi Trường Sa hồi ấy cũng mang theo vài thỏi son, hộp phấn. “Nhưng mang đi rồi lại mang về, vì diễn trong trời tối thì chả ai nhìn thấy phấn son, mà có phấn son rồi cũng chả có nước mà rửa”, chị nói. Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng tình cảm với lính đảo không bao giờ hết. “Năm 1985, khi đến đảo Sinh Tồn Đông, văn công hải quân được lính đảo mời món bạch tuộc phơi khô. Ăn xong, diễn viên múa Cao Thị Tuế bị dị ứng sưng hết mặt mày, nhưng sau khi được quân y trên đảo tiêm vitamin K thì mặt mũi bớt sưng lại xung phong ra diễn.
Hồi ấy, khổ nhất với nữ văn công đi Trường Sa là chuyện nước non. Tàu Nhật Lệ chúng tôi thường đi thì rất nhỏ, nước dự trữ ít nên phải tiết kiệm. Có nữ diễn viên đi lâu ngày bị ngứa khắp người, cô ấy xin cồn, vào nhà tắm bôi, không ngờ xót quá mà không dám kêu, cứ xuýt xoa trong ấy...”, Thu Lan kể thêm.
Vất vả là vậy, nhưng Thu Lan, Hoàng Nguyên nói họ ấm lòng vì tình người, tình đồng đội ở Trường Sa.
Chia tay chúng tôi, Thu Lan bảo: “Chúng tôi đã đi hát ở Trường Sa trong những năm tháng còn rất khó khăn, nhưng chính vì thế mà tình cảm với Trường Sa vô cùng sâu đậm, như một phần máu thịt của đời mình. Mơ ước của tôi là được ra Trường Sa một lần nữa”.
Bình luận (0)