Ra với nhà dàn DK1

Trung Hiếu
Trung Hiếu
19/01/2019 07:19 GMT+7

'Sóng gió mặc sóng gió... Chông chênh mặc chênh chông. Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông...', qua bộ đàm, tiếng hát khàn, thô mộc lẫn vào sóng gió của các chiến sĩ nhà giàn nghe đứt quãng. Nhiều thành viên trên tàu mắt nhòe lệ.

Chị Thùy Dung và quay phim Trần Quang Hưng của Ban Thời sự, Đài phát thanh - truyền hình Hà Giang là những người ở xa nhất trong chuyến công tác ra nhà giàn DK1 lần này. Anh chị đi xe từ Hà Giang đến Hà Nội, đi máy bay vào TP.HCM, đi xe khách xuống TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Thùy Dung thấy mình may mắn vì trong cuộc đời làm báo, không phải ai cũng có dịp ra nhà giàn DK1, nhất là phóng viên ở các tỉnh miền núi phía bắc. “Hai ngày đầu mới lên tàu, sóng to gió lớn khiến tôi say sóng vật vã không thiết ăn uống. Nhưng chứng kiến cuộc sống vất vả, tinh thần bám biển kiên cường với phương châm “còn người còn nhà giàn” của các chiến sĩ, tôi thấy sự mệt mỏi của mình chưa thấm vào đâu so với sự hy sinh của những người lính nhà giàn”, chị Dung tâm sự.

Chuyển quà bằng dây

Mấy ngày hôm nay nghe tin đoàn ra, anh em ở nhà giàn mong lắm. Nhưng tiếc quá thời tiết sóng to gió lớn khiến mọi người không lên được nhà giàn. Chúng em đang mong chờ những cái ôm của chị em ở đất liền ra mà lại không được
Một chiến sĩ nhà giàn DK1/11
Hôm xuất phát (5.1.2019), sóng biển cấp 5 - 6 khiến nhiều người lo ngại. Bữa ăn đầu tiên vắng tới gần 1/3 quân số trên tàu, chủ yếu là phóng viên nữ. Một chiến sĩ trên tàu trấn an, tàu mới xuất phát sóng to nhưng “chiều mai ở khu vực nhà giàn mặt biển lặng như ao” nên ai cũng hy vọng.
Chiều hôm sau (6.1), tàu tới khu vực nhà giàn DK1/15 thuộc cụm Phúc Nguyên. Trái hẳn với dự đoán, sóng biển ở đây gầm gào, ngọn sóng tung bọt trắng xóa còn mạnh hơn khi tàu xuất phát. Nhìn từ xa, trên nhà giàn DK1/15, lấp ló các cán bộ, chiến sĩ dõi mắt về phía tàu. Dịp cuối năm, nghe tin tàu ra, nhiều người mong ngóng đếm từng ngày.
Nếu các đảo ở Trường Sa, kể cả đảo chìm, dẫu thời tiết xấu, dẫu sóng hơi to, các thuyền trưởng kỳ cựu, dạn dày sương gió của hải quân đều tìm ra được luồng nước êm nhất để đưa đoàn vào đảo. Còn với nhà giàn, khi con sóng bạc, khó tìm được luồng nước an toàn để đảm bảo cho các thành viên đi xuồng vào. Cho nên, dù tàu chỉ cách nhà giàn vài trăm mét nhưng nếu sóng lớn sẽ không thể vào được nhà giàn.
Dùng dây kéo người lên nhà giàn DK1/10. Đây là nhà giàn duy nhất đoàn công tác số 2 đặt chân lên được trong chuyến đi này Ảnh: Trung Hiếu
Trở lại với chuyến tiếp cận nhà giàn DK1/15, kế hoạch ban đầu của tàu là cả đoàn sẽ được vào nhà giàn; nhưng sóng to, gió lớn buộc Ban chỉ huy tàu quyết định đưa một chiếc xuồng chở những thành viên chủ chốt vào khảo sát tình hình. Kế hoạch lại tiếp tục thay đổi khi sóng biển không thuận lợi để đưa người lên nhà giàn.
Trưởng đoàn công tác quyết định chỉ chuyển hàng qua dây từ tàu lên nhà giàn. Những gói hàng, quà tặng được bọc kỹ trong túi ni lông chống nước, rồi quấn chặt vào các sợi dây thừng to. Tàu tiến sát gần nhà giàn để lấy dây được chiến sĩ nhà giàn quăng ra rồi nối với hàng để người trên nhà giàn kéo hàng về. Từng thùng hàng, quà nhấp nhô trên biển lần lượt được các chiến sĩ trên nhà giàn kéo sang. Sóng biển quá lớn đã quăng quật làm một thùng hàng bị đứt dây nối, trôi lênh đênh trên biển. Tàu Trường Sa 19 phải tìm mọi cách vớt được thùng hàng rồi tiếp tục buộc dây chuyển sang nhà giàn. Đứng trên tàu nhìn cảnh chuyển hàng qua dây trước sóng dữ, ai cũng cảm động.
Những ngày sau đó, dù đưa ra nhiều phương án nhưng kế hoạch đưa người lên các nhà giàn DK1/11, DK1/14, DK1/12 đều không thành công dù rằng chỉ huy tàu đã lệnh hạ xuồng để chạy khảo sát.
Gói quà chuẩn bị gửi cho nhà giàn qua dây Ảnh: Trung Hiếu
Chiếc xuồng nhỏ rẽ sóng chạy vào hướng nhà giàn nhưng dù rất cố gắng cũng không thể tiếp cận. Đứng trên boong tàu Trường Sa 19, quan sát chiếc xuồng khảo sát đang tìm cách tiếp cận nhà giàn, đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 2, cho hay khó khăn và nguy hiểm nhất chính là lúc đưa người lên, xuống nhà giàn. Theo đại tá Tuyến, mức sóng cao 1 m mới đảm bảo an toàn để người từ xuồng sang nhà giàn. Tại thời điểm này, mức sóng cao tới 2,3 m, thậm chí có nhà giàn tới 2,7 m.

“Mong chờ những cái ôm”

Không lên được nhà giàn nên việc gửi lời chúc tết hay giao lưu của các thành viên trong đoàn với cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1/15, 1/11, 1/14, 1/12 đều phải thực hiện qua bộ đàm.
Sau lời hỏi thăm, động viên và chúc tết của đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến là những câu chuyện cảm động.
Tâm sự với chiến sĩ nhà giàn, Phương Dung, phóng viên kênh Truyền hình quốc phòng Việt Nam, cho hay đây là lần đầu tiên được ra nhà giàn. Giọng của một chiến sĩ bên kia nhà giàn DK1/11: “Mấy ngày hôm nay nghe tin đoàn ra, anh em ở nhà giàn mong lắm. Nhưng tiếc quá thời tiết sóng to gió lớn khiến mọi người không lên được nhà giàn. Chúng em đang mong chờ những cái ôm của chị em ở đất liền ra mà lại không được”. “Anh ơi nếu có dịp khác lên được sẽ ôm bù được không?”, Phương Dung xúc động đáp. Bên kia giọng chiến sĩ hét to lên: “Thế thì còn gì bằng chị ơi. Đầu năm tới, nếu mọi người ra thăm sẽ ôm bù nhé!”.
Chào tạm biệt cán bộ, chiến sĩ nhà giàn Ảnh: Trung Hiếu
Phương Dung vừa đáp vừa khóc, rồi đọc tặng nhà giàn DK1/11 bài thơ về người lính. Đáp lại, chiến sĩ nhà giàn đồng thanh hát tặng cô phóng viên trẻ và đoàn công tác bài hát Mùa xuân DK: “Sóng gió mặc sóng gió. Lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Chông chênh mặc chênh chông. Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông...”.
Qua bộ đàm, tiếng hát khàn và thô mộc lẫn vào sóng gió của các chiến sĩ nghe đứt quãng. Nhiều thành viên trên tàu bỗng dưng mắt nhòe lệ. Tàu hú ba hồi còi tạm biệt. Xa xa, vẫn trông thấy các chiến sĩ nhà giàn vẫy chào; trên tay họ, lá cờ đỏ Tổ quốc tung bay như muốn gửi gắm tình cảm thân thương cho người từ đất liền ra nhà giàn DK1 mùa bão giông.

Bản hùng ca lưu đời

Trước khi vào nhà giàn DK1/15, đoàn làm lễ viếng những anh hùng liệt sĩ anh dũng hy sinh bảo vệ nhà giàn. Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến cho biết cụm nhà giàn DK1 được thành lập ngày 5.7.1989. Gần 30 năm qua, nơi đây chống chọi với sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên, bão tố; chứng minh sự quả cảm, hy sinh, lòng trung thành của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1. Ở cụm nhà giàn Phúc Nguyên, nơi đoàn ghé thăm, cơn bão số 8 năm 1998 khiến nhà giàn DK1/6 bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội... nhưng các chiến sĩ ở đây vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy, dũng cảm chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mù với tinh thần “còn người còn nhà giàn”...
Tuy nhiên sức người có hạn, nhà giàn bị gãy đổ giữa biển khơi khiến 9 cán bộ, chiến sĩ bị hất tung xuống biển. Dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình nhưng 3 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Đó là đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương; chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng và Nguyễn Văn An. “Ngỡ ngưng bom đạn chiến trường. Mà sao sinh tử vẫn thường xảy ra. Trong cơn hồng thủy phong ba. DK1 bản hùng ca lưu đời...”, những câu thơ đại tá Tuyến đọc tại lễ tưởng niệm khiến mọi người trong đoàn hết sức xúc động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.