Trồng mận Sơn La theo kiểu… nho Nhật Bản
Hè năm ngoái, dư luận xôn xao khi mận Sơn La vốn chỉ 20.000 - 30.000 kg được bán với giá 230.000/kg cho người dân TP.HCM qua sàn thương mại điện tử, với lượng tiêu thụ lên đến hàng tấn. Dĩ nhiên, đó không phải mận thường nữa mà là mận ruby.
Tổng giám đốc Mia Group Nguyễn Ngọc Huyền - “bà đỡ” của mận ruby - kể, để mận Sơn La được bán với giá 230.000 đồng/kg giữa TP.HCM vào tháng 5.2021 không chỉ là cái duyên và đằng sau đó là cả một cuộc “đánh vật đả thông tư tưởng” cho người nông dân.
Lúc đó, Mia bắt tay vào làm bản đồ trái cây VN, hệ thống hoá lại đặc sản trái cây vùng miền nhằm tìm hàng loại 1 để xuất khẩu. Sản vật nhiều tỉnh được giới thiệu, trong đó có mận Sơn La. Nhưng khi cần số lượng lớn với tiêu chuẩn cao thì không đủ vì mận lúc đó vẫn trồng theo kiểu đại trà, “thuận tự nhiên”. Mia Group cùng UBND tỉnh Sơn La đã thuyết phục người dân trồng thử mận theo chuẩn mà người Nhật trồng nho xanh nổi danh khắp thế giới, đồng thời khoác thêm cho mận Sơn La một cái tên thương mại rất quý tộc: mận hậu ruby.
Ngọc Huyền trao hũ đậu đỏ cho đối tác Nhật trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam- Nhật Bản |
Ảnh: Chí Hiếu |
“Nói nôm na, nếu 1 cây mận bình thường mỗi vụ cho khoảng 100 quả thì giờ đây, trải qua 3 lần cắt tỉa, chỉ có khoảng 20% được giữ lại, để giúp cho số quả này được sinh trưởng tốt nhất. Kết quả, 10 quả như một, từ kích cỡ đến màu sắc. Đó là những quả mận đủ tiêu chuẩn bán đi khắp thế giới. Bình thường 1 kg ngoài phố người dân bán 20.000 - 25.000 thì năm 2021 Mia bán trong nước 230.000/kg và xuất khẩu cao nhất lên đến 370.000/kg (15 trái)”, vừa kể, Huyền vừa mở cho chúng tôi xem clip mà đối tác phân phối của cô được hoàng gia Malaysia tag vào trên instagram của họ sau khi thưởng thức. “Khẳng định được vị trí ở Malaysia, Singapore và Hồng Kông năm rồi, 2 tháng nữa thôi, mận hậu ruby sẽ có ít nhất 2 chuyến bay đi châu Âu vì hợp đồng đã được ký vào cuối năm ngoái”, chị Huyền kể.
Chia sẻ về lý do phải đặt lại tên cho nhiều loại quả, Á hậu Thảo Vy, Giám đốc Đối ngoại của Mia Group, nửa thật nửa đùa: “Ở quê em là Thắm, là Tươi, nhưng ra với thế giới thì em cũng phải cần nghệ danh. Nhưng khi anh truy xuất nguồn gốc, vùng trồng địa lý thì em vẫn là Tươi, là Thắm đủ cả nhé”.
Vy kể, trái cây đầu tiên mà hai chị em chọn để đặt tên thương mại là nho mẫu đơn Nhật Bản. Theo đó, ngoài tên khoa học thì giống nho có nguồn gốc từ Ai Cập này được bán ra khắp thế giới chủ yếu là nho xanh Nhật Bản. “Nhưng khoảng 6 - 7 năm trước, sau khi làm quen loại quả này trong một triển lãm trái cây ở Singapore, Mia quyết định nhập về VN thì chuyến hàng đó trùng vào dịp “Ngày của Mẹ”, cộng với vị nó thoảng như hoa mẫu đơn nên muốn đặt tên thương mại là nho mẫu đơn. Và đó là kinh nghiệm cho trái cây Việt phân khúc cao cấp, “limited” khi vươn ra quốc tế, mà năm nay sẽ là na dai hoàng hậu. Làm với trái cây Việt thì “cực” hơn vì phải làm từ đầu, từ giống, hướng dẫn quy trình trồng… đến bán hàng thương mại”, Vy nói.
Nói về thành công của mận hậu Ruby năm qua, ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết đây là sản phẩm đại diện cho thương hiệu nông sản của tỉnh. Ông Công lạc quan rằng “bước khởi đầu sẽ minh chứng cho tầm nhìn nông nghiệp gắn với hàng hoá giá trị cao, có thương hiệu".
Covid-19: “Bế tắc, trở về rồi đi xa hơn”
Một điều lý thú nữa là, Covid-19 vô tình lại là bước ngoặt cho sự chuyển mình con đường của hai cô gái trẻ khi mà Huyền và Vy đều thừa nhận rằng “thấy làm được điều có ý nghĩa” chứ không còn chỉ là chuyện nhập trái cây về bán.
Trước khi dịch Covid-19 ập đến đầu năm 2020, Mia gần như chỉ nhập trái cây về bán cho “giới có tiền” trong nước, như nho xanh Nhật Bản có chùm lên đến cả chục triệu đồng. Nhưng đến tháng 4.2020, logicstic đứt gãy, nhiều nước đóng biên, nguồn hàng bị đứt. Huyền thì “kẹt” lại Hà Nội. Công ty thì không có hàng để bán.
“Thế là lên Sơn La và rồi… ở lại gắn bó, không chỉ với mận hậu đâu mà đến 20.3 này, một đoàn chuyên gia Nhật sẽ sang để giám sát việc triển khai gieo hạt đậu đỏ. Khoảng 5.000 ha được trồng theo tiêu chuẩn oganic của Nhật tại Sơn La và vài tỉnh phía bắc, để 3 tháng sau sẽ xuất 20 tấn đầu tiên cho họ, mở đầu cho một hợp tác nông nghiệp công nghệ cao với số lượng khủng hơn nhiều vào những năm tiếp theo.
Không chỉ chuyện làm ăn, 2 cô gái hồ hởi kể, cuối tháng 3.2021, quýt Quỳ Hợp (Nghệ An) bị ế thảm, nhiều người đứng lên kêu gọi “giải cứu”. Thế nhưng càng “giải cứu”, giá quýt lại càng rớt, bị ép xuống có lúc dưới 3.000 đồng/kg. Cùng chính quyền đứng ra lập ban vận động hỗ trợ tiêu thụ, Huyền đề xuất đổi tên quýt Quỳ Hợp thành… cam bốc Phủ Quỳ. Một phim trường hoành tráng phục vụ cho một chiến dịch truyền thông bán hàng qua mạng được dựng lên giữa nông trường cam, với sự góp mặt của một số nhân vật nổi tiếng nhập vai nông dân, người trải nghiệm… “Lúc đó, nếu Google quýt Quỳ Hợp thì chỉ ra nhan nhản giải cứu. Nên mình đề xuất với nông dân, chính quyền để có một “keyword” mới, thay tên đổi họ cho nó”, chị Huyền nhớ lại.
Tất nhiên, không chỉ mỗi việc thay tên, livestream bán hàng là xong mà trước đó 3 tuần, ê kíp đã phải setup vài chục kênh phân phối trên gần 20 tỉnh, thành với rất nhiều điểm giao dịch là đối tác của Mia, các siêu thị, các sàn thương mại điện tử. Người dân được hướng dẫn cách tuyển lựa, đóng gói sau đó mới đến livestream bán hàng và chỉ sau 3 tiếng 70 tấn cam được bán với giá bình ổn 8.000 - 10.000 đồng/kg.
“Vy vừa nhắn tin về huyện, các anh chị ở đó nói năm nay từ đầu mùa đã có xe vào mua, không còn bị xuống giá nữa và đùa rằng mong không phải gặp lại chúng tôi ở vườn để… làm phim bán cam nữa”, chị Huyền cười.
Bình luận (0)