Gia đình kỳ vọng
Cha, mẹ của Oanh ở quê trồng sơ ri để bán, thu nhập mỗi tháng cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống. Năm 2017, Oanh thi đậu vào Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM. Là chị cả trong gia đình, Oanh được mọi người đặt rất nhiều kỳ vọng, nên việc đi bán bánh mì là một... cú sốc đối với phụ huynh.
Oanh kể khi vào học ngành marketing đã nhận thấy không phù hợp. Cô gái thừa nhận việc chọn ngành là theo sự định hướng của bạn bè, thầy cô… còn bản thân vẫn mơ hồ. “Ngành này cần những bạn trẻ năng động, nhanh nhẹn và chịu được áp lực cao. Yêu cầu đó trái ngược hoàn toàn với tính cách của mình”, Oanh nói.
Nhận thấy học sai ngành, nhưng Oanh không dám từ bỏ vì sợ gia đình thất vọng: “Học lại ngành khác, gia đình mình cũng không có khả năng chi trả tiếp học phí. Cha, mẹ ở quê nhà vất vả, mình không đành lòng để họ phải thất vọng”.
Thời sinh viên, ngoài giờ học, Oanh xin đi phụ bán bánh mì và được trả 20.000 đồng/1 tiếng đồng hồ. Số tiền này giúp Oanh chi trả cho việc ăn uống, đóng tiền trọ. Nhờ giao tiếp với khách hàng, Oanh cũng dạn dĩ, cởi mở hơn. Sau này, Oanh áp dụng những kỹ năng đó để làm chủ xe bánh mì của chính mình.
Năm 2022, Oanh tốt nghiệp ngành marketing Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM. Với tấm bằng loại khá, cô gái trẻ xin vào làm việc tại một công ty về dược phẩm tại Q.10 (TP.HCM). Tại đây, Oanh làm công việc chính liên quan đến giấy tờ, in ấn tài liệu. Với mức lương khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng, Oanh chỉ đủ sống và không thể lo cho gia đình.
Làm chủ với xe bánh mì
Công việc văn phòng quá gò bó, áp lực nên Oanh đã nghỉ việc vào tháng 4.2024. Ban đầu, cô gái trẻ dự định tìm một công việc văn phòng khác. Tuy nhiên, miền ký ức về những ngày bán bánh mì ngày xưa bất chợt trở lại. Sau đó, Oanh quyết tâm có một xe bánh mì của riêng mình.
Với số vốn hơn mười mấy triệu đồng tích góp được khi làm văn phòng, Oanh mua xe đẩy bán bánh mì, bánh hỏi...
Mỗi ngày, Oanh và em trai dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị cuốn bánh hỏi, làm mỡ hành, pha trà tắc… Sau đó rời căn nhà trọ tại Q.Bình Tân vào lúc 5 giờ sáng, mang nguyên liệu lên khu vực đường Lý Thường Kiệt, Q.11 (TP.HCM) để bán. “Mình chọn vị trí này vì có nhiều sinh viên, người đi đường qua lại. Xe bánh mì mình gửi ở gần đó”, Oanh chia sẻ.
Oanh kể, những ngày đầu bán không hết 10 ổ bánh mì và lỗ vốn. Chị em Oanh ăn bánh mì ế trừ cơm trong suốt 1 tháng. Sang tháng thứ hai, mọi thứ khởi sắc, bán hết hàng và bắt đầu có lời. Oanh cho biết tiền lời từ công việc bán bánh mì, bánh hỏi hơn 10 triệu đồng/ tháng, đủ trang trải và lo cho em trai mới học xong THPT.
Từ khi chị gái đi bán bánh mì, em trai của Oanh là Đào Duy Anh Khoa (20 tuổi), cũng lên TP.HCM phụ giúp. “Ngày xưa đi làm văn phòng mình chỉ đủ sống, còn giờ thì có thể lo cho em trai. Em mình không được lanh lẹ, lại không giỏi giao tiếp nên khó xin việc”, Oanh nói.
Sáng đi bán, trưa nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ, đến chiều Oanh lại tiếp tục chuẩn bị nguyên liệu cho ngày hôm sau. Khi được hỏi: "Có hối hận khi cất bằng đại học đi bán bánh mì?", Oanh cười, rồi trả lời: “Mình yêu công việc này, thấy phù hợp với bản thân vì giờ giấc linh hoạt. 8 tháng qua, chưa ngày nào mình thấy hối hận vì đi bán bánh mì. Mình muốn phấn đấu và phát triển thành cửa hàng bán bánh mì”.
Bà Lê Thị Tiền (50 tuổi), quê H. Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, cho biết sốc khi nghe con gái nghỉ việc văn phòng để đẩy xe đi bán bánh mì. “Tôi và cha Oanh quyết tâm cho con đi học để thoát cảnh làm đồng áng, mặt nám, tay chai. Thế mà con lại chọn con đường khó khăn, vất vả như vậy khiến tôi rất đau lòng. Có khuyên ngăn, nhưng thấy con quyết tâm nên vợ chồng tôi đành bảo thằng út lên phụ chị nó”.
Tháng đầu tiên buôn bán ế ẩm, bà Tiền nhiều lần khuyên Oanh nên đi làm văn phòng trở lại. Tuy nhiên, Oanh vẫn quyết tâm theo đuổi công việc bán bánh mì. “Giờ thấy con buôn bán ổn định, tôi cũng yên tâm. Nghề nào cũng được, miễn là làm ăn chân chính”, bà Tiền nói.
Bình luận (0)