Ấn tượng bài thi cuối kỳ của sinh viên ngành đô thị học…

15/12/2024 10:00 GMT+7

Dưới tiết trời se lạnh và trầm lặng của TP.HCM, những ngày đầu đông, trên cung đường Thomas Edison, đoạn giao với đường Lý Quý Đôn (ở làng đại học), bỗng rực rỡ sắc đỏ từ màu áo đồng phục của các tân sinh viên ngành đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Trưa 14.12, một số góc đường ở khu vực làng đại học (Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM) trở nên nhộn nhịp khác thường, nhiều sinh viên ngồi rải rác, say sưa với giấy và bút. Không phải nghỉ ngơi hay dã ngoại, họ đang biến vỉa hè thành "phòng thi mở". Tiếng cười nói rôm rả khiến đoạn đường vốn vắng vẻ nay trở thành một lớp học ngoài trời đầy sinh động. Hỏi ra mới biết, các bạn đang hoàn thành bài thi cuối kỳ môn mỹ thuật đô thị học với nhiệm vụ đặc biệt: phác họa lại Trường ĐH Quốc tế TP.HCM.

Ấn tượng bài thi cuối kỳ của sinh viên ngành đô thị học…- Ảnh 1.

Rực rỡ sắc đỏ từ màu áo đồng phục của các tân sinh viên ngành đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

ẢNH: KIM ANH

Những điều "lớp học trong nhà" không thể mang lại

Vừa chăm chú, tỉ mỉ từng nét vẽ trên khung giấy, vừa trò chuyện với người viết, Nguyễn Thị Ngọc Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ đây là buổi thứ hai cô nàng và các bạn cùng lớp thực hiện bài tập. Vào mỗi chiều thứ bảy, từ 12 giờ đến 16 giờ, thay vì ngồi trong giảng đường như thường lệ, 2 tuần gần đây Linh và cả lớp sẽ ra ngoài để trực tiếp phác họa một góc của Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, theo yêu cầu của giáo viên cho phần bài thi cuối kỳ.

Ấn tượng bài thi cuối kỳ của sinh viên ngành đô thị học…- Ảnh 2.

Sinh viên chăm chú từng nét phác thảo

ẢNH: KIM ANH

"Cách học này không chỉ giúp chúng mình rèn luyện kỹ năng vẽ mà còn học cách quan sát môi trường xung quanh chi tiết hơn. Đôi khi trời nắng, tiếng xe cộ qua lại làm mọi người sao nhãng, nhưng điều đó lại giúp chúng mình cảm nhận thực tế một cách chân thật hơn và thêm trân trọng những gì đang học", Linh chia sẻ.

Chia sẻ về cảm nhận trong buổi học, Linh bày tỏ sự hào hứng: "Theo yêu cầu của thầy, mình có thể chụp hình và mang về nhà vẽ. Nhưng mình nghĩ nếu ngồi trực tiếp ở đây, cảm nhận trực tiếp màu sắc, đường nét, ánh sáng thì sản phẩm sẽ chân thực và chất lượng hơn".

Ấn tượng bài thi cuối kỳ của sinh viên ngành đô thị học…- Ảnh 3.

Không gian thực tế giúp sinh viên có thể quan sát và cảm nhận chân thật hơn, điều mà “lớp học trong nhà” khó có thể mang lại

ẢNH: KIM ANH

Chung cảm nhận, Trần Ngọc Quỳnh Châu, bạn cùng lớp với Linh, cũng bày tỏ sự phấn khích khi được học ở vỉa hè. Châu chia sẻ môi trường học tập này không chỉ giúp cô cảm thấy thoải mái, vui vẻ mà còn tạo điều kiện để nữ sinh này giao tiếp với bạn bè dễ dàng hơn, đồng thời ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế.

"Mặc dù mình vẽ không đẹp, nhưng bản thân rất thích không gian học tập như thế này. Nó không gò bó, chưa biết thì có thể hỏi các bạn ngay. Mình mong trong tương lai sẽ có thêm nhiều buổi trải nghiệm ngoài trời như vậy nữa", Châu nói.

Ấn tượng bài thi cuối kỳ của sinh viên ngành đô thị học…- Ảnh 4.

Lớp học ngoài trời tạo điều kiện để sinh viên dễ dàng trao đổi và gắn kết hơn

ẢNH: KIM ANH

Châu cũng cho biết thêm, việc học trong không gian mở như thế này không chỉ giúp lớp gắn kết hơn mà còn kích thích sự sáng tạo và khả năng quan sát chi tiết, điều mà các bài giảng lý thuyết khó mang lại. "Ngồi giữa không gian thực tế như thế này, mình không chỉ quan sát bằng mắt mà còn cảm nhận bằng cảm xúc, điều mà "lớp học trong nhà" không thể mang lại", Châu nhấn mạnh.

Để học đô thị hiệu quả, sinh viên phải ra ngoài thực tế

Chia sẻ về mục đích của hình thức học tập này, thạc sĩ, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: "Học đô thị không đơn thuần là quản lý hạ tầng… mà còn nghiên cứu về không gian sống, các mối quan hệ xã hội và văn hóa trong môi trường đô thị. Khi sinh viên có cơ hội quan sát thực tế, họ sẽ phát triển được tư duy phản biện và khả năng nhận diện các vấn đề. Từ đó, tìm ra những giải pháp sáng tạo và ứng dụng trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị sau này".

Ấn tượng bài thi cuối kỳ của sinh viên ngành đô thị học…- Ảnh 5.

Sản phẩm phác họa đầu tiên của sinh viên ngành đô thị học

ẢNH: KIM ANH

Ấn tượng bài thi cuối kỳ của sinh viên ngành đô thị học…- Ảnh 6.

Sinh viên được kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa trực tiếp nhận xét vào giờ học

ẢNH: KIM ANH

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cũng cho biết sinh viên thường bị gò bó bởi khối lượng môn đại cương, các kiến thức lý thuyết khiến các em cảm thấy căng thẳng và thiếu sáng tạo. Vì vậy, việc học ngoài trời, quan sát thực tế sẽ giúp sinh viên thả lỏng, dễ dàng kết nối giữa lý thuyết và thực hành. "Khi sinh viên cảm thấy thoải mái, họ sẽ học hiệu quả và phát huy được sự sáng tạo của mình tốt hơn. Điều này rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề đô thị thực tế", kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.