Chuyện dân hiến đất chính quyền: Hơn 200 hộ tự dỡ rào, hiên nhà chấp nhận mất sân

Mạnh Cường
Mạnh Cường
16/11/2018 12:35 GMT+7

Để mở rộng tuyến đường bê tông dài gần 8 km, hơn 200 hộ dân ở Quảng Nam đã không ngần ngại, tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất, dỡ rào và mái hiên, chấp nhận mất sân và nhiều công trình kiến trúc trên đất.

Hơn 200 hộ đồng lòng hiến đất

Phóng viên về xã Bình Dương (H.Thăng Bình, Quảng Nam) vào những ngày giữa tháng 11, khi cơn mưa phùn vừa dứt. Đi trên con đường bê tông mới hoàn thành, rộng thênh thang, mới cảm nhận được rằng chính những đóng góp của người dân nơi đây đã góp phần làm thay đổi bộ mặt xã nghèo này.

Trước đó, để đáp ứng định hướng xây dựng nông thôn mới, xã Bình Dương đã có dự án làm mới, mở rộng tuyến đường ĐH2- Đông Trường Giang với chiều dài gần 8 km, rộng 7,5 m, được chia làm hai giai đoạn.

Tuyến đường ĐH2- Đông Trường Giang đi qua thôn Cây Mộc được người dân hiến đất để xây dựng MẠNH CƯỜNG

Giai đoạn 1 gần 4 km đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sự thành công cũng nhờ hơn 200 hộ dân đã hiến 12.000 m2 đất sản xuất, đất ở, cây cối, vật kiến trúc...

Giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai với chiều dài hơn 3.5 km. Vẫn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân nơi đây tiếp tục hiến đất mở đường, hiện nay đã hoàn thành và đã đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, riêng đoạn đường đi qua thôn Cây Mộc (xã Bình Dương) có chiều dài hơn 1 km, với sự đóng góp tình nguyện gần 2.000 m2 đất ở, đất sản xuất cùng vật kiến trúc trên đất từ 60 hộ dân, ước tính tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng.

Là một trong những hộ dân tự nguyện hiến đất làm đường, ông Lê Phước Sáu (65 tuổi, ở thôn Cây Mộc), cho biết sau khi nghe thông tin mở rộng tuyến đường đoạn qua địa bàn, gia đình ông cùng hàng trăm hộ dân đồng ý sẽ tự nguyện hiến đất để mở rộng không cần chính quyền vận động.

"Việc xây dựng, mở rộng đường phục vụ đúng mục đích và đáp ứng được nhu cầu của người dân thì việc hiến chút đất thì có đáng gì", ông Sáu vui vẻ nói.

Theo ông Sáu, tuyến đường này trước đây là đường đất rất chật hẹp nên khi vào mùa mưa đường rất lầy lội, xe và người đi lại đều rất khó khăn, tai nạn giao thông cũng thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, là các học sinh mỗi lần đi là bị trượt ngã liên tục. "Khi nghe chủ trương làm đường, gia đình tôi đã tự tháo dỡ tường rào nhà để hiến tặng hàng chục mét vuông đất", ông Sáu nói.

Chấp nhận mất sân, mái hiên vì đường chung

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng thôn Cây Mộc, cho hay dự án xây mới tuyến đường ĐH 2 - Đông Trường Giang thi công với cơ chế ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ vật liệu và công xây dựng. Khi nghe chủ trương mở tuyến đường ĐH2 thì bà con ở thôn đã tự nguyện phá dỡ tường rào, hiên nhà, cây cối, mỗi nhà dân đã hiến ít nhất 20 m2 đất.

Việc xây dựng lại tường rào mới cũng rất tốn kém, nhưng với người dân nơi đây việc mở rộng tuyến đường mới là điều quan trọng nên mọi người đều làm trên tinh thần tự nguyện, ông Kiên cho hay.

"Sau khi hiến đất thì nhiều nhà không có hiên nhà, thậm chí là không có sân. Tuy nhiên, khi thấy tuyến đường rộng thênh thang ai cũng rất vui mừng. Từ khi tuyến đường được mở rộng, xây mới tình trạng tai nạn giao thông cũng giảm đi rất là nhiều. Bộ mặt khu dân cư cũng thay da, đổi thịt không ngừng phát triển lên từng ngày", ông Kiên nói.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, cho biết khi chính quyền phát động chủ trương xây dựng đường nông thôn thì người dân địa phương nhận thức được rằng khi tuyến đường này được xây dựng thì bộ mặt nông thôn sẽ thay đổi nên người dân hưởng ứng rất là cao. Khi địa phương triển khai xuống thì người dân rất đồng tình, ủng hộ và sau đó sẵn sàng đập tường rào để nhường hết diện tích đất, bàn giao mặt bằng mở rộng đường.

"Điều đáng nói riêng ở thôn Cây Mộc thì diện tích đất ở của người dân rất là ít. Việc làm đường đã ảnh hưởng rất lớn đến diện tích đất của người dân. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân không hiến đất mà ngược lại họ lại rất hào hứng và ủng hộ", ông Vân chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.