Đây chính là cơ hội để TP khai thác hiệu quả nguồn lực còn rất lớn trên địa bàn.
Nhiều năm trở lại đây, một trong những lý do khiến TP.HCM mất dần lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) so với các tỉnh thành lân cận cũng vì quỹ đất dành cho khu công nghiệp không nhiều, không sẵn sàng. Thế nên dù rất muốn và rất tiếc nuối thì nhiều trường hợp, lãnh đạo TP cũng đành ngậm ngùi nhìn các dự án lớn "rơi" vào địa phương khác. Trong khi đó, đất nông nghiệp trên địa bàn thực tế đa phần bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí trầm trọng. Chưa kể tình trạng phân lô bán nền, manh mún lẻ tẻ, phá vỡ quy hoạch cũng phát sinh từ đây.
Với quyền chủ động mới lên tới 500 ha, TP sẽ có thể cắt đi rất nhiều công đoạn, thời gian, thủ tục để chuyển đất lúa thành đất vàng. Cứ hình dung thế này, nếu trước đây doanh nghiệp muốn thực hiện dự án có chuyển đổi đất lúa phải trải qua các thủ tục đăng ký với TP. Sau đó TP sẽ trình ra các cơ quan trung ương có thẩm quyền. Các cơ quan này sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy trình này mất rất nhiều thời gian, công sức, còn nay, với cơ chế đặc thù mới, HĐND TP sẽ phê duyệt luôn. Thời gian được rút gọn, thuận tiện và linh hoạt giúp TP hoàn toàn có thể chủ động trong sử dụng quỹ đất để phát triển phù hợp với định hướng, tầm nhìn, quy hoạch của mình. Từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh về thu hút vốn đầu tư, nâng cao độ sẵn sàng trong môi trường kinh doanh để phát triển kinh tế trên địa bàn.
Lợi thế quan trọng nữa là nguồn lực. Theo thống kê, dù chiếm diện tích lớn nhưng đất nông nghiệp đóng góp chưa tới 1% cho GRDP của TP. Còn tính toán cụ thể hơn của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho thấy 1 ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ... tạo ra giá trị gấp tới 100 lần so với đất nông nghiệp. Chuyển đất lúa thành vàng, chính là ở ý này. Nghĩa là TP sẽ được bổ sung một nguồn lực rất lớn cho sự tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, không kham nổi nhu cầu phát triển hiện nay thì nguồn lực từ chuyển đổi đất nông nghiệp sẽ giúp giải một phần nút thắt vốn. Các dự án, công trình trọng điểm đang treo cẩu, chậm tiến độ vì chờ vốn lâu nay có thể được thúc đẩy nhanh hơn.
Vấn đề còn lại là nhanh chóng đưa cơ chế đặc thù vào triển khai thực hiện. Những quận huyện bí bách vì thiếu đất ở, thiếu đất công nghiệp trong khi thừa đất nông nghiệp cũng đã có kiến nghị, đề xuất và nóng lòng chờ cơ chế mới phát huy tác dụng. Thực ra trước đó, Sở TN-MT TP cũng đã có báo cáo UBND TP về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 khá cụ thể về diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất ở hay đất phi nông nghiệp. Cũng có thể hiểu TP đã có sự chuẩn bị, có sự chủ động trong kế hoạch sử dụng quỹ đất nông nghiệp hiện nay. Giờ cơ chế đặc thù đã có, không còn lý do gì để chần chừ hay chậm trễ.
Hay nói cho dễ hiểu thì cơ hội chuyển đất lúa thành "vàng" đã trở thành hiện thực.
Bình luận (0)