|
Theo Trạm kiểm lâm Suối Cạn Đạ Nghịt (Lạc Dương), khu rừng trên do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (Ban Quản lý rừng Đa Nhim) quản lý bảo vệ. Từ năm 2011, UBND tỉnh cho Công ty TNHH Vạn Trường Đức (Công ty Vạn Trường Đức) thuê 1,5 ha trong 5 năm để khai thác đá xây dựng thông thường, đến năm 2013 diện tích cho thuê nâng lên 2,5 ha.
|
Việc khai thác đá trong rừng phòng hộ là vi phạm pháp luật. Vì theo điểm b, khoản 1, điều 28 luật Khoáng sản, thì “Khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản là khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất”. Nhưng Sở NN-PTNT đã lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh cho chuyển đổi khu rừng phòng hộ này ra ngoài... đất rừng. Ngày 24.7.2014, UBND tỉnh có quyết định đồng ý cho chuyển đổi 2,5 ha rừng đặc dụng xung yếu sang mục đích khác, không phải đất lâm nghiệp, để Công ty Vạn Trường Đức khai thác đá.
Từ quyết định trên, Công ty Vạn Trường Đức làm thủ tục mua đứt 265 cây thông trong khu rừng phòng hộ trên (đường kính từ 25 đến 80 cm); rồi bán cho Công ty Phương Thành (Đà Lạt) chặt hạ để giải phóng mặt bằng khai thác đá. Người dân địa phương bức xúc vì khu rừng thông phòng hộ tuyệt đẹp bên dòng Suối Cạn Đạ Nghịt bị triệt hạ không thương tiếc.
Theo ông Phạm Triều, Phó chủ tịch UBND H.Lạc Dương, trước khi cho chuyển đổi khu rừng trên ra “ngoài rừng”, đã có nhiều ban, ngành đến kiểm tra, “còn đồng ý hay không là ở Sở TN-MT Lâm Đồng”. Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT thì nói: “Mọi thủ tục giao đất rừng cho doanh nghiệp khai thác đá đều do Sở TN-MT làm. Sở NN-PTNT chỉ điều chỉnh lại đất rừng cho phù hợp theo chỉ đạo của cấp trên thôi”.
Quyết định số 1564/QĐ-UBND của UBND tỉnh yêu cầu đơn vị thuê rừng khai thác đá tại tiểu khu 227a phải hoàn nguyên diện tích và giao lại cho Ban Quản lý rừng Đa Nhim sau thời gian thuê; nhưng một cán bộ lâm nghiệp cho rằng việc hoàn nguyên cả một quả đồi sau khi khai thác đá là điều không tưởng.
Ông Nguyễn Văn Thành, đại diện Công ty An Phu Lacue (đơn vị liên doanh với Nhật Bản mở “làng thần kỳ”, chỉ cách mỏ đá 200 m), chuyên sản xuất xà lách Mỹ công nghệ cao, bức xúc: “Việc phá rừng để khai thác đá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của người dân quanh vùng và của làng”.
Lâm Viên
>> Triệt hạ rừng thông phòng hộ để khai thác đá
>> Rừng thông 'chết đứng' vì thuốc độc
>> Sẽ khởi tố vụ phá rừng thông
>> Rừng thông cảnh quan 25 năm tuổi bị chặt phá
Bình luận (0)