Theo báo cáo của Sở GTVT, để hỗ trợ các chủ phương tiện có xe bị đình chỉ tham gia giao thông chuyển đổi phương tiện hoặc chuyển đổi nghề, TP đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo đang sử dụng loại phương tiện 3 - 4 bánh tự chế trên địa bàn TP.
Các chính sách này từng được triển khai như: đào tạo nghề để giải quyết việc làm hoặc chuyển đổi nghề; hỗ trợ ban đầu cho hộ nghèo và hộ cận nghèo có phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông (mức hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ, trường hợp hộ mua xe tải để thay thế thì được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng cho một xe tải mua mới); hỗ trợ 100 xe gắn máy hai bánh (15 triệu đồng/xe Honda Wave @) cho hộ nghèo khó khăn nhất, có thu nhập từ 5 triệu đồng/người/năm trở xuống, cùng nhiều chính sách hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và có bù lãi suất cho người vay...
Tuy nhiên, ngày 11.3.2014, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 319 yêu cầu không kéo dài thời gian hỗ trợ việc thay thế các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay việc tiếp tục xây dựng đề án chuyển đổi phương tiện đối với các loại xe thô sơ 3 - 4 bánh tự chế là không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
Đáng nói, có rất nhiều trường hợp sau khi nhận hỗ trợ, đến giao nộp phương tiện cho địa phương, nhưng chỉ một thời gian sau lại tiếp tục mua xe tự chế để hành nghề trở lại.
TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, nhận định chủ trương hạn chế, loại bỏ xe tự chế 3 - 4 bánh không đáp ứng đủ điều kiện an toàn giao thông, bảo vệ môi trường là cần thiết. Song, do chính sách tác động trực tiếp đến an sinh, kế sinh nhai của đối tượng dễ tổn thương là người nghèo, thu nhập thấp nên không dễ dàng để thực hiện. Ngay cả khi Chính phủ đã ban hành lệnh cấm, cơ quan thực thi trực tiếp kiểm tra, xử phạt cũng nhiều khi du di, “mắt nhắm mắt mở” cho qua. Trong khi đó, lời giải căn cơ cho bài toán này là chương trình hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp lại chưa được thực hiện đúng cách và hiệu quả.
Ông Hùng đánh giá từ bước đầu tiên, các cơ quan chức năng đã làm chưa tốt công tác khảo sát, thống kê và xác định, thông tin thời điểm sẽ chính thức dừng hoạt động của các loại phương tiện này. Đơn cử, nhà nước đặt thời hạn đến 31.12 năm nay sẽ phải loại bỏ các phương tiện này thì phải có chính xác con số thống kê tính đến nay, có bao nhiêu phương tiện còn đang lưu hành, số phương tiện đó thuộc những đối tượng cụ thể như thế nào, là nam hay nữ, độ tuổi bao nhiêu, trình độ văn hóa, nghề nghiệp cơ sở ra sao... làm sao để hỗ trợ họ chuyển đổi nghề nghiệp.
Do thiếu dữ liệu cơ bản từ bước thống kê kéo theo công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, hỗ trợ không chính xác đối tượng, không đúng phương thức. Ví dụ, TP.HCM cũng chia ra nhiều phương thức hỗ trợ khác nhau như hỗ trợ ban đầu cho hộ nghèo, cận nghèo... nhưng vấn đề là trong hộ đó, người sử dụng phương tiện là ai lại chưa được đề cập. Nếu chủ phương tiện là một bác nam đã 50 - 60 tuổi, mấy chục năm mưu sinh bằng việc chở hàng hóa thuê thì với 7 triệu đồng kia, bác này sẽ phải làm gì, mua xe khác hay chuyển đổi hẳn sang công việc gì để kiếm sống? Tương tự, hỗ trợ vay ưu đãi để mua phương tiện thay thế nhưng những loại này thường có giá cao hơn, khấu hao cao hơn, chi phí để duy trì hoạt động cũng cao hơn, chưa kể đòi hỏi yêu cầu, giấy phép khác nhau... làm sao để duy trì phương tiện mới gắn với kế sinh nhai cũ trong tương lai?
“Thông tin đầu vào không rõ ràng, không chính xác nên thời gian qua, các chính sách hỗ trợ có tính chất bình quân, cào bằng, dẫn đến kết quả không đạt được như mong muốn. Tất nhiên, có một nhóm đối tượng cố tình chống đối, có khả năng để chuyển đổi nghề nghiệp nhưng không làm, viện cớ khó khăn để tiếp tục sử dụng phương tiện chui. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít đối tượng do chính sách hỗ trợ không phù hợp nên buộc phải tiếp tục gắn đời sống với phương tiện đó”, ông Hùng nói.
Bình luận (0)