Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số đã tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu, trở thành nguồn lực cho kinh tế số phát triển, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá chuyển đổi số đã mở ra không gian phát triển mới cho đất nước |
vgp |
"Muốn chuyển đổi số phải cần nhanh chóng phát triển hạ tầng băng thông rộng, các nền tảng số quốc gia, địa phương do người Việt Nam làm chủ… trên cơ sở huy động tổng lực, cả hệ thống chính trị, toàn bộ đất nước cho chuyển đổi số", lãnh đạo Bộ chia sẻ tại phiên họp của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia ngày 27.4.
Nhưng thực trạng hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Một trong những nguyên nhân được các tư lệnh ngành chỉ ra là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, ngành vẫn tư duy theo thói quen triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ. Trong khi chuyển đổi số đặt ra sứ mệnh mới, thêm nhiệm vụ điều phối, dẫn dắt chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước các cấp còn khó khăn do thiếu nhân lực chuyên môn, chưa mạnh dạn huy động chuyên gia về công nghệ thông tin hay chuyển đổi số cùng tham gia giải quyết vấn đề.
Theo báo cáo tại buổi họp, nhân lực số đang là vấn đề đáng quan tâm. Việt Nam hiện có gần 160 trường có đào tạo chuyên ngành về CNTT, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin. Hằng năm, số sinh viên tốt nghiệp thuộc nhóm chuyên môn này vào khoảng 50.000. Nếu tính cả bậc đào tạo nghề ở cao đẳng, trung cấp thì con số này hơn 62.000.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).
Để nâng tỷ lệ lên tối thiểu 2%, Việt Nam cần đào tạo được không ít hơn 70.000 sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so với hiện nay. Không chỉ là vấn đề số lượng, chất lượng nhân lực cũng là thách thức lớn. Các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, trong khi đó, chương trình đào tạo lại chưa theo kịp.
Những điển hình như Hàn Quốc, Ấn Độ đã xác định phát triển đại học số là giải pháp quan trọng, đột phá để phát triển, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực số nói riêng. Đại học số, hiểu một cách đơn giản là chuyển đổi số giáo dục đại học, đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, của giảng viên, sinh viên lên môi trường số.
Đó có thể là kinh nghiệm tốt để Việt Nam tham khảo và ứng dụng nhằm thúc đẩy quá trình phát triển số lượng cũng như chất lượng nhân lực để phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện ở giai đoạn tới.
Bình luận (0)