Chuyển đổi số, người dân hưởng lợi gì? Ra đường không mang tiền mặt vẫn sống khỏe

Mai Phương
Mai Phương
06/09/2024 05:58 GMT+7

Ăn sáng, uống cà phê, mua hàng hóa, dịch vụ… không cần tiền mặt không còn là chuyện mới mẻ. Giờ thì người dân ở các TP lớn ra đường "không một xu dính túi" vẫn sinh hoạt bình thường.

Cả ngày không cần tiền mặt

Trên đường tới công ty, chị Thu Thảo, nhân viên một doanh nghiệp (DN) tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), ghé xe cà phê trên đường mua ly cà phê sữa. Người bán đưa hàng, còn chị Thu Thảo mở điện thoại chiếu vào mã QR code dán trước xe đẩy. Vậy là xong phần thanh toán.

Không chỉ mua cà phê, giờ đây người dân ở TP.HCM đi ăn tô phở, tô hủ tiếu hay mua bất kỳ hàng hóa nào giá chỉ 10.000 đồng, 20.000 đồng cũng có thể thanh toán online nhanh chóng. Từ người bán vỉa hè cho tới cửa hàng xăng dầu... đều nhận chuyển khoản, quẹt thẻ. "Nếu như trước đây ra đường bắt buộc phải mang theo tiền vì nhiều nơi chỉ nhận tiền mặt thì giờ đây hầu hết các dịch vụ từ nhà ra ngõ đều dán sẵn mã QR, hay nhận thanh toán qua ví MoMo, Zalopay, cà thẻ hay chuyển khoản. Vì vậy có khi cả tuần, ra đường tôi không có tiền mặt trong túi mà không thấy bị hạn chế gì", chị Thu Thảo chia sẻ.

Ra đường không cần mang theo tiền vẫn sống tốt đã đành, thậm chí không cần ra đường, chỉ ngồi nhà thì giờ đây người dân tại TP.HCM, Hà Nội và nhiều nơi có thể mua sắm bất kỳ sản phẩm nào, từ ăn uống hằng ngày đến mỹ phẩm, quần áo, đồ dùng gia đình. Thậm chí đặt mua ở nước ngoài cũng không còn là chuyện hiếm, thông qua các dịch vụ nhận đặt hàng và sau khi nhận hàng mới thanh toán…

Nếu như trước đây ra đường bắt buộc phải mang theo tiền vì nhiều nơi chỉ nhận tiền mặt thì giờ đây hầu hết các dịch vụ từ nhà ra ngõ đều dán sẵn mã QR, hay nhận thanh toán qua ví MoMo, Zalopay, cà thẻ hay chuyển khoản. Vì vậy có khi cả tuần, ra đường tôi không có tiền mặt trong túi mà không thấy bị hạn chế gì.

Chị Thu Thảo, nhân viên một DN tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, người dân ở các tỉnh/thành xa xôi cũng đã quen với việc mua hàng online. Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, Thu Loan, một học sinh cấp 3 ở H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), thường xuyên đặt hàng, mua hàng online và hàng hóa được ship về tận nhà. "Em thấy xung quanh nơi em ở hiện giờ rất nhiều người mua hàng qua mạng và được giao tận nhà. Mua hàng trên mạng hay được giảm giá và trả tiền online rất tiện, dù lẻ tới hàng đơn vị. Nhiều nơi hay ghi giá như 29.900 đồng, 29.000 đồng cũng không lo chuyện thối lại tiền lẻ", Thu Loan nói.

Ngoài những tiện ích trong các dịch vụ, nhu cầu chi tiêu hằng ngày, người dân cũng "khỏe" hơn với việc thanh toán không tiền mặt trong các hoạt động khác như nộp học phí cho con, chi trả khi đi bệnh viện hay dịch vụ hành chính công. Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã kết nối với các ngân hàng, trung gian thanh toán cho phép người dân, DN thanh toán trực tuyến đối với nhiều dịch vụ như nộp phạt trong lĩnh vực giao thông, đóng bảo hiểm xã hội, phí và lệ phí các thủ tục hành chính, đóng tiền điện, tiền nước…

Chuyển đổi số, người dân hưởng lợi gì? Ra đường không mang tiền mặt vẫn sống khỏe- Ảnh 1.

Dễ dàng thanh toán không tiền mặt mọi lúc mọi nơi

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Anh Quang Hùng (ngụ TP.HCM) kể dịp Tết Nguyên đán 2024, anh cùng gia đình đi du xuân. Sau đó vài tháng, bỗng dưng anh nhận được thông báo bị phạt vì chạy vượt tốc độ ở một tỉnh miền Trung. Khi đó, anh lên cổng DVCQG và đăng ký tài khoản, làm theo hướng dẫn thì nộp phạt thành công. Việc này giúp anh không tốn thời gian và chi phí quay trở lại nơi vi phạm. Cũng với tài khoản trên cổng DVCQG, sau đó anh còn thực hiện việc cấp mới lại hộ chiếu cho cả nhà do sắp hết hạn.

"Mình cứ đăng ký tài khoản và làm theo hướng dẫn. Một số thông tin kê khai lúc đầu còn chậm, nhưng cứ làm sẽ xong. Riêng việc thanh toán phí thì khá nhanh, không gặp khó khăn gì. Hiện nhiều dịch vụ hành chính công cũng chỉ làm qua mạng, đỡ mất thời gian cũng như tránh tiếp xúc dễ phát sinh tiêu cực", anh Quang Hùng chia sẻ.

Mở rộng thanh toán online

Thanh toán không tiền mặt nói chung hay thanh toán online đã hiện diện trong mọi ngóc ngách đời sống của người dân và DN. Với các DN thì càng tiện ích. Chị Thùy Linh, kế toán trưởng một DN tại Q.10, TP.HCM, cho hay từ lâu công ty đã chi trả lương cho nhân viên qua ngân hàng. Đồng thời, các khoản nộp thuế, phí cũng thực hiện chuyển khoản. Ngay cả các dịch vụ khác như thuê xe, mua vé máy bay cho nhân viên đi công tác… đều chuyển khoản. Việc thanh toán qua ngân hàng sẽ giúp DN quản lý tốt hoạt động chi thường xuyên cũng như đáp ứng được quy định về thuế. Hơn nữa, điều này cũng thuận tiện, nhanh gọn lẹ cho bộ phận kế toán lẫn người cung cấp dịch vụ, bán hàng.

"Bây giờ đi đâu cũng thanh toán online, chuyển khoản. Các ngân hàng đều có dịch vụ số, sử dụng mọi lúc mọi nơi. Nhất là DN còn bị ràng buộc những quy định liên quan về kê khai thuế nên phải tuân theo. Ngay cả những DN có nhiều công nhân thì giờ đây đến tết cũng không còn cảnh phải ôm tiền mặt về phát lương, thưởng nữa. Điều đó giúp kế toán, thủ quỹ đỡ lo gặp rủi ro, hay quản lý", chị Thùy Linh chia sẻ.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định: Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số của các ngân hàng ở VN đang ở mức ngang bằng với khu vực. Điều này cũng phù hợp xu hướng chung của hệ thống tài chính thế giới và đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ. Xu hướng này giúp các ngân hàng giảm bớt chi phí trong việc mở phòng giao dịch, chi nhánh hay tuyển dụng nhân sự như trước đây. Các phương thức thanh toán online phát triển mạnh như ví điện tử, QR code, thẻ tín dụng… giúp các đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ lẫn khách hàng thuận tiện hơn. Bản thân người tiêu dùng, nhất là giới trẻ luôn cập nhật nhanh và sử dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại. Vì vậy việc thanh toán không tiền mặt sẽ ngày càng phổ biến hơn. Nhưng để đẩy nhanh quá trình này vẫn cần có chính sách khuyến khích, thậm chí yêu cầu các nhà bán lẻ, các DN cung cấp dịch vụ như nhà hàng, khách sạn phải tăng cường dịch vụ thanh toán online, hạn chế tiền mặt.

"Hiện nay điều kiện thực hiện thanh toán không tiền mặt đã chín muồi hơn trước. Chẳng hạn như người dân đã sử dụng nhiều điện thoại di động thông minh. Việc bỏ công nghệ 2G từ giữa tháng 9 này là một ví dụ và người dân sẽ chuyển sang điện thoại hỗ trợ công nghệ 4G, đây cũng là phương tiện có thể sử dụng các ứng dụng ngân hàng số. Hay như số người dân có tài khoản ngân hàng cũng nhiều hơn. Tuy nhiên thực tế vẫn còn một số DN không chấp nhận thẻ tín dụng do phải trả phí hoặc có ý muốn né thuế. Vì vậy có thể phải áp dụng chính sách bắt buộc về phía các đơn vị cung cấp dịch vụ theo lộ trình tiến tới thực hiện thanh toán không tiền mặt. Ở nhiều nước phát triển, điều này đã thực hiện nhiều và hầu như hơn 90% là thanh toán không tiền mặt. Việc này không chỉ có lợi cho người dùng mà các DN cũng giảm mạnh chi phí quản lý, kiểm đếm tiền mặt, hoạt động công khai, minh bạch và đáp ứng nhu cầu của khách hàng",PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nói.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy số lượng giao dịch thanh toán qua kênh internet và kênh điện thoại di động (Mobile) bình quân giai đoạn 2021 - 2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR code đạt hơn 170%. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 4,9 tỉ giao dịch với tổng giá trị đạt hơn 87 triệu tỉ đồng, trong đó bao gồm thanh toán qua kênh internet, qua kênh điện thoại di động và qua phương thức QR code...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.