Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin, viễn thông (ICT) Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 148 tỉ USD, tỷ trọng kinh tế số đạt 14,26% GDP. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP theo kịch bản phát triển nhanh, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp hơn ba lần tăng trưởng GDP dự kiến.
Mục tiêu này đồng thời mở ra thách thức phát triển bền vững đối với Việt Nam trên chặng đường chuyển đổi số sắp tới. Ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar nhận định: "Mỗi quốc gia và thị trường đều có cách thức và lộ trình riêng. Việt Nam được đánh giá rất cao, là một trong những điểm đến đầu tư năng động, hấp dẫn nhất trên thế giới nhờ nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng và chiến lược tập trung vào chuyển đổi số trên toàn quốc".
Trên thế giới, "Chuyển đổi kép" - chuyển đổi số để chuyển đổi xanh là khái niệm được Liên minh châu Âu (EU) đề cập và là một xu hướng quan trọng trong tương lai. Tháng 10.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó nêu rõ "tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh".
"Yêu cầu về chuyển đổi số và chuyển đổi mô hình sang tăng trưởng xanh là một thách thức rất lớn cho Việt Nam và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới. Trên thế giới, các chuyên gia đang đánh giá chuyển đổi số như là chất xúc tác, là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng theo các mô hình xanh, bền vững", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá tại diễn đàn "Chuyển đổi số: Nhanh hơn, Thông minh hơn, Xanh hơn" tổ chức sáng 21.1 ở Hà Nội.
Trong số 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số theo "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", đã có những ngành như sản xuất, tài chính - ngân hàng, logistics tiên phong và đạt thành công đáng kể trong các mục tiêu tăng trưởng xanh. Nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia cũng được nâng cao rõ rệt, từ đó cải thiện mức độ hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Hiện có nhiều đơn vị lấy kinh doanh "xanh" làm lợi thế cạnh tranh trên nền tảng chuyển đổi kép khi phải vừa số hóa, vừa xanh hóa.
Nhận định về những lợi ích của chuyển đổi số xanh cũng như thực tiễn tại Thụy Điển - một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển xanh, ông David Linden - Tham tán thương mại, trưởng đại diện Business Sweden tại Việt Nam cho rằng chuyển đổi số mang lại những giá trị khác nhau đối với từng tổ chức, vì vậy việc đưa ra một câu trả lời chung là rất khó.
"Tuy nhiên, những đóng góp của chuyển đổi số cho hiệu quả kinh doanh tổng thể thường liên quan đến việc sử dụng các nền tảng số để tăng hiệu suất và hiệu quả cho hoạt động hằng ngày. Việc kết nối mọi người cho từng quy trình kinh doanh không chỉ làm giảm lãng phí, mà còn là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng xanh", ông Linden nói.
Bình luận (0)